Chủ đầu tư lý giải cầu Bạch Đằng lún không phải do chất lượng

Mấp mô trên mặt cầu Bạch Đằng.
Mấp mô trên mặt cầu Bạch Đằng.
TPO - Lãnh đạo Công ty CP BOT cầu Bạch Đằng (Quảng Ninh) – chủ đầu tư cầu Bạch Đằng cho biết, trước thời điểm thông xe cầu chủ đầu tư đã ghi nhận tình trạng lún võng. Tình trạng này do quá trình thi công, nhưng không ảnh hưởng chất lượng công trình.
Sáng 5/11, trao đổi với Tiền Phong, ông Nguyễn Tiến Oánh, Phó Tổng giám đốc Công ty CP BOT cầu Bạch Đằng cho biết: Từ khi công trình hợp long (tháng 4/2018), chủ đầu tư đã phát hiện tình trạng chênh lệch cao độ giữa các đốt dầm. 

Theo ông Oánh, đây là hiện tượng chênh lệch cao độ giữa các đốt đúc dầm, không phải do khai thác rồi bị lún võng. Tình trạng này thường xảy ra khi thi công các cầu dây văng, nhất là cầu dây văng 3 trụ tháp như cầu Bạch Đằng, việc kiểm soát chênh lệch giữa các đốt đúc càng khó khăn hơn. Hiện tượng chênh lệch cao độ giữa các đốt đúc chỉ xảy ra ở vị trí trước và sau hai khối hợp long. 

“Nếu là cầu đúc hẫng thông thường (không phải cầu dây văng), mình căn chỉnh từ trước, ra đến nơi sẽ khớp luôn. Tuy nhiên, cầu Bạch Đằng có 3 trụ dây văng, trụ tháp giữa bập bềnh, việc điều chỉnh rất khó khăn, dẫn tới sự chênh lệch về cao độ giữa đốt đúc khi hợp long”, ông Oánh nói. 

Ngoài ra, theo ông Oánh, các yếu tố về thời tiết, như nhiệt độ, độ ẩm cũng ảnh hưởng tới co ngót bê tông, dẫn tới vênh. Đặc biệt với nhịp giữa cầu.

Theo đại diện nhà đầu tư, chênh lệch cao độ trên trong phạm vi cho phép, dù mặt cầu hơi mấp mô, nhưng vẫn đảm bảo chất lượng công trình và an toàn lưu thông.

Khi phát hiện chênh lệch sau hợp long, đơn vị thi công đã đề xuất bù vênh, nhưng các chuyên gia, tư vấn và các bên liên quan góp ý cần thời gian theo dõi, quan trắc khi công trình đi vào khai thác ổn định mới tiến hành bù vênh.

Dự kiến trong tuần này, chủ đầu tư sẽ họp với các cơ quan liên quan để thống nhất phương án, thời điểm bù vênh phù hợp cho cầu Bạch Đằng. Chi phí khắc phục do nhà thầu thi công chịu hoàn toàn.

Một số chuyên gia về cầu đường cho hay, rất nhiều cầu dây văng xảy ra hiện tượng trên. Thực tế, ở Việt Nam cũng có một số cầu bị. Thậm chí, ở Lào còn có cấu 2 dầm lệch nhau tới hơn 40cm. Do đặc điểm của dầm cầu dây văng là treo, nên phải đảm bảo đối xứng 2 bên trụ treo. Nên khi thi công tính toán sai lệch lập tức xảy ra hiện tượng trên. 

Về khắc phục, các chuyên gia cho rằng, cần tính toán kỹ, vì cầu dây văng phải đảm bảo về trọng lượng các dầm đối xứng hai bên trụ. Như với cầu Vàm Cống, nếu 1 bên dầm bị, thì dầm phía đối diện của trụ treo cũng có sự cố.
Bộ GTVT đã có văn bản đề nghị UBND Quảng Ninh chỉ đạo Sở GTVT Quảng Ninh khẩn trương yêu cầu nhà đầu tư (Công ty CP BOT Bạch Đằng) chỉ đạo các đơn vị tư vấn thiết kế, tư vấn chuyển giao công nghệ, tư vấn giám sát kiểm tra hiện trường; nghiên cứu, đánh giá các yếu tố kỹ thuật của cầu, trắc dọc cầu, ổn định trụ tháp, ứng suất dây văng... Đảm bảo an toàn tuyệt đối cho phương tiện tham gia lưu thông và an toàn công trình. 

Cầu Bạch Đằng dài 5,4km vượt qua ngã ba sông Bạch Đằng, sông Cấm (nối Hải Phòng – Quảng Ninh).

Cầu có 3 trụ tháp hình chữ H có chiều cao 100m, cao độ thông thuyền 48,4m, mặt cắt ngang toàn cầu 25m với tốc độ thiết kế 100km/h. 

Dự án có tổng mức đầu tư 7.270 tỷ đồng, gồm vốn đầu tư BOT 6.780 tỷ đồng, vốn ngân sách 490 tỷ đồng. 

Nhà đầu tư là Công ty CP BOT Bạch Đằng, được hình thành từ Liên danh nhà đầu tư BOT: Phúc Lộc – Cái Mép – Cường Thịnh Thi – Cienco1 – Trung Nam Group – Công Thành – Phương Thành – Tập đoàn SE Nhật Bản. UBND tỉnh Quảng Ninh là đại diện nhà nước ký hợp đồng với nhà đầu tư. 
MỚI - NÓNG