Ông Phạm Minh Đức, Phó Tổng giám đốc Cty CP Đầu tư Đèo Cả (chủ đầu tư dự án hầm Hải Vân 2) cho hay, ngoài đầu tư thêm 1 đường hầm mới, đơn vị cũng được Bộ GTVT giao vận hành, quản lý hầm Hải Vân 1 từ ngày 1/1/2016. Sau hơn 13 năm đưa vào sử dụng, vỏ hầm Hải Vân 1 xuất hiện các vết nứt, lớp sơn tường hầm bị lão hóa, bong tróc. Ngay khi tiếp nhận hầm Hải Vân 1, nhà đầu tư đã khảo sát, sửa chữa một số vết nứt, và theo dõi tới nay.
Tháng 3/2017, công ty CP Đầu tư Đèo Cả bắt đầu thực hiện thi công hầm Hải Vân 2 và nổ mìn đào hầm. Trong quá trình nổ mìn, theo ông Đức, đơn vị tiếp tục theo dõi, quan trắc về vết nứt vỏ hầm Hải Vân 1, như: Đo rung chấn khi nổ mìn; quan trắc hội tụ, chuyển vị vỏ hầm; quan trắc vết nứt hàng ngày trước và sau khi nổ mìn với bán kính 250m tính từ tâm nố.
Qua theo dõi và quan trắc, các vết nứt hầm Hải Vân 1 trước và sau nổ mìn đều ổn định không phát triển, không thấy xuất hiện vết nứt mới. Hiện việc thi công hầm Hải Vân 2, các đơn vị thi công đã đào được khoảng 1 nửa chiều dài đường hầm.
Ngày 26/7/2018 vừa qua, nhà đầu tư và cơ quan quản lý nhà nước đã thực hiện kiểm tra và đánh giá lại, kết quả tương tự như trên. “Như vậy, hầm Hải Vân 1 vẫn đảm bảo an toàn chịu lực công trình và vận hành khai thác”, ông Đức khẳng định.
Trước đó, từ khi hầm Hải Vân đưa vào sử dụng (tháng 6/2005), các vết nứt trên thành hầm đã xuất hiện, kéo theo cả hiện tượng thấm nước.
Công ty tư vấn Alpin Technick của Cộng hòa Liên bang Đức đã được thuê để khảo sát toàn diện hiện trạng nứt vỏ hầm bằng công nghệ quét hình ảnh ATIS Viewer.
Kết quả khảo sát và đánh giá đã phát hiện 326 vết nứt. Tuy nhiên, tư vấn nhận xét, hầu hết các vết nứt đều nằm trong giới hạn an toàn, một số vết nứt có chiều rộng vết nứt lớn hơn 2mm (8/326 vết nứt, chiếm khoảng 2,5%). Tư vấn khuyến cáo sửa chữa theo hồ sơ thiết kế được duyệt, đồng thời cũng nhận định tình trạng vỏ hầm đường bộ Hải Vân 1 đang trong tình trạng tốt, hoàn toàn thỏa mãn các điều kiện vận hành hầm.