Nguyễn Việt Anh

Chong đêm để sáng lòng người

Tranh: Nguyễn Văn Hổ.
Tranh: Nguyễn Văn Hổ.
TP - Không thể tự tay viết những câu thơ lên giấy, Việt Anh đọc cho bà nội gần 90 tuổi chép lại. Những cuốn sổ thơ cứ dày dần lên theo ngày tháng được tác giả tự sửa chữa, tập hợp thành cuốn sách đầu tiên có tên “Thức cùng bóng tối” được viết theo thể lục bát.

Lần đầu tiên “tiếp xúc” với Nguyễn Việt Anh chính là khi tôi nhận được cuốn sách từ tay nhà thơ Phạm Đức. Cuốn sách được xuất bản nhân dịp kỷ niệm sinh nhật tuổi 70 của tác giả “Đơn phương”, cũng là tròn 50 năm vào nghề của ông, gồm 50 bài thơ và 50 bài viết của các nhà phê bình và bạn bè văn chương. Tôi khá ngạc nhiên trước một cuốn sách được làm cẩn trọng, kĩ lưỡng như vậy, khi biết người biên soạn nó chính là một nhà thơ trẻ rất đặc biệt thì sự ngạc nhiên chuyển thành nể phục và nhất định đòi nhà thơ Phạm Đức làm cầu nối để gặp được anh.

Giọng nói ấm áp, tròn trịa cùng với thái độ khiêm cung, điềm đạm và tự tin chỉ có thể gặp được ở những người Hà Nội cũ, hoặc được thừa hưởng nền giáo dục trong một gia đình nhiều đời sinh sống ở mảnh đất nghìn năm văn hiến – đó là ấn tượng của tôi về Nguyễn Việt Anh.

Câu chuyện của chúng tôi xoay quanh những vấn đề văn thơ đương đại, những tác giả đang viết và những trào lưu đang chiếm lĩnh thi đàn... Việt Anh thuộc khá nhiều thơ của bạn bè, khi đọc lên bao giờ anh cũng có những câu nhận xét ngắn và tinh như “điểm huyệt” đúng tinh thần tác phẩm. Anh ngỏ ý mượn những tập thơ xuất bản gần đây trên thị trường sách, tôi hỏi lại: “Cậu có muốn đọc thêm truyện ngắn hay tiểu thuyết không?” Việt Anh cười: “Mình có những hạn chế nên chỉ có thể “đọc” những tập thơ thôi, vì văn xuôi dài quá khó nhờ được người khác”.

Một thoáng chùng xuống giữa câu chuyện, hạn chế mà anh vừa nhắc đến chính là Việt Anh không còn ánh sáng của đôi mắt. Tất cả những sách vở, tài liệu mà anh mua, mượn ở đâu đó hay được tặng, khi mang về nhà đều phải nhờ người thân đọc giúp, nếu muốn nghe lại nhiều lần, anh phải nhờ đến thiết bị ghi âm. Vì thế mà chỉ có thể là thơ mới đủ ngắn để những người trợ giúp anh (mà họ đều là người “ngoại đạo” với văn chương) không bị mệt mỏi, chán nản khi ngồi đọc. Anh kể: “Trước đây thì có bà nội hoặc bạn bè đọc giúp, còn hiện nay thì có thằng con trai lớn đọc cho bố nghe. Nhưng khi nó đọc là mình phải “lọc” lại để hiểu hết ý thơ, nhịp thơ vì cu cậu đọc giật cục lắm chứ không biết diễn cảm như phát thanh viên trên đài.”

Chong đêm để sáng lòng người ảnh 1

Cậu con trai của Việt Anh năm nay tròn 13 tuổi, học giỏi, rất ngoan và thương bố vô cùng. Khi đúng bằng tuổi con trai bây giờ, Việt Anh gặp một biến cố lớn khiến cho từ đó cuộc đời anh đã rẽ về hướng khác. Đôi mắt của anh vốn đã yếu bẩm sinh nên gia đình phải cho đi phẫu thuật, ca mổ thành công và Việt Anh không cần đeo kính khi đi học nữa. Nhưng trong một lần đùa nghịch ở lớp, bị một cậu bạn xô ngã đập phần sau đầu vào bàn học, Việt Anh đã tổn thương dây thần kinh thị giác khá nặng và từ đó thoái hóa võng mạc, giác mạc dần bị bong ra không thể phục hồi lại được.

Những ngày tháng đầu tiên “sống cùng bóng tối”, anh vẫn được người thân trong gia đình gieo vào lòng rất nhiều hi vọng, bố mẹ anh đã không tiếc tiền bạc để đưa con đi Pháp, đi Mỹ chữa chạy. Nhưng niềm hi vọng tắt dần sau ba năm nỗ lực không đem lại kết quả gì tốt đẹp. Đối diện với sự thực nghiệt ngã đó, cậu bé 15 tuổi không khỏi bàng hoàng, nhưng khi chuyển từ trường THCS Tân Trào sang học trường Nguyễn Đình Chiểu với những người cùng cảnh ngộ, Việt Anh đã chấp nhận hoàn cảnh và dần bình tâm trở lại. Lớn hơn một chút, anh học được nghề xoa bóp, bấm huyệt ở Viện Y học cổ truyền Tuệ Tĩnh và nhanh chóng thành nghề. Dạo đó, các “đại gia” đi chơi golf, đánh tennis hoặc ăn nhậu say sưa về thường đặt lịch để anh đến phục vụ tại nhà, tiền kiếm được từ dịch vụ này cũng kha khá. Tuy nhiên sau một thời gian làm nghề, anh đã không đủ sức để đi làm được nhiều, vì bấm huyệt rất hao tổn sinh lực.

Cũng đúng vào thời điểm đó, cuộc hôn nhân của anh gặp những rạn nứt và tan vỡ. Người vợ trẻ ra đi, để lại hai đứa con nhỏ dại, một mình anh ngồi ôm con trong bóng tối âm thầm, bất kể ngày hay đêm. Mặc dù sống trong gia đình “tứ đại đồng đường” ở phố cổ Hà Nội nhưng Việt Anh không dám phiền ông bà, phiền bố (mẹ anh đã chia tay bố và về quê ngoại sống) những lúc con ốm đau, chỉ tự tay mình làm tất cả mọi việc từ pha sữa, chườm khăn hạ sốt, thay tã bỉm đến giặt giũ, phơi sấy quần áo... Rồi người bố của anh đột ngột ra đi vì căn bệnh ung thư thực quản, chiếc cột chống vững vàng nhất không còn nữa, gia đình vốn đã không còn nguyên lành như con thuyền nhỏ chao đảo trước biển đời sóng gió. Chính vào những tháng ngày tưởng như tột cùng bế tắc, thơ đã đến với anh như một niềm an ủi.

Không thể tự tay viết những câu thơ lên giấy, Việt Anh đọc cho bà nội gần 90 tuổi chép lại. Những cuốn sổ thơ cứ dày dần lên theo ngày tháng được tác giả tự sửa chữa, tập hợp thành cuốn sách đầu tiên có tên “Thức cùng bóng tối” được viết theo thể lục bát. Anh trải lòng với người nay đã xa xôi hay chưa từng gặp gỡ: “Suốt đêm thức với mưa rơi/ Thức hoài chẳng biết trả lời sao đây/ Tâm tư thật khó giãi bày/ Gửi em trang giấy viết đầy trắng tinh” (Viết cho em). Đến tập thứ hai, “Em là đôi mắt” thì bạn đọc đã bắt đầu biết đến một giọng thơ riêng, giản dị và sâu lắng qua hình ảnh: “Mắt này không thể dung dăng/ Thì tôi chọn cách đi bằng mắt em/...Em là đôi mắt của tôi/ Mãi trong sáng, dẫu có rời xa nhau.” Đọc Việt Anh, người đọc sẽ thấy đó không phải chỉ là thơ tình, mà là thể loại “thơ tình cảm”, bởi trong mỗi câu chữ, hình ảnh đều trĩu nặng niềm tâm tư của một người yêu đời và cũng đau đời đến tận cùng. Nhưng trên tất cả tình yêu và nỗi đau ấy là sự hiểu đời, không phải vì chịu đựng những vết thương thân xác hay tâm hồn mà con người đóng sập cánh cửa vị tha.

Chong đêm để sáng lòng người ảnh 2

Nguyễn Việt Anh cùng con trai và nhà thơ Phạm Đức.

Nói riêng về cách đặt tên những tập thơ, Việt Anh bảo anh luôn chọn những hình ảnh liên quan cái nhìn khi nghĩ đến “đứa con tinh thần” của mình. Đó không phải là nỗi khát khao mà là một thông điệp, anh muốn gửi gắm tới bạn đọc, tới tri âm của mình những suy ngẫm về “cái nhìn bên trong” của mỗi con người. Gửi gắm, chứ không nặng nề triết lý hay cao đạo theo kiểu lấy hoàn cảnh của mình ra để nêu gương cho người khác, hãy nhìn thật sâu vào lòng mình, vào tâm trí mình, vào tình yêu và khát vọng trong chính mình, để hiểu được bản thể sâu xa nhất của mình mà sống thành thật hơn. Nguyễn Việt Anh luôn có ý thức duy trì ngọn lửa đam mê với thi ca, anh đọc thơ mỗi ngày và viết rất đều đặn, hầu như năm nào cũng có ấn phẩm góp mặt trên thi đàn. Mặc dù việc viết không hề thuận lợi, nhưng không phải vì thế mà anh gồng mình lên để tạo sự “ồn ào” không đáng có. Mỗi ngày, mỗi tháng anh cứ lặng lẽ với tình yêu bền bỉ đó để dành tặng cho bạn đọc lớn tuổi và nhỏ tuổi những vần thơ trong sáng nhất.

Trong gia tài nho nhỏ, Việt Anh rất trân trọng hai tập thơ viết cho thiếu nhi. Anh làm những bài thơ xinh xắn đó trước hết là để tặng hai thiên thần nhỏ của mình. Việt Anh bảo: “Mình không có điều kiện để trở thành một ông bố oai hùng bên con thì chọn cách là một nơi che đỡ cho tâm hồn các con. Mong là khi đọc thơ của bố, các con mình sẽ dần thấm được tình cảm, ước mơ, sự an ủi vỗ về qua từng ngày tháng được có nhau giữa cuộc đời này.” Tập thơ “Nhân đôi bầu trời” của anh được gửi tặng một trường mầm non, khi nghe cô giáo đọc thơ và kể “chú” tác giả là một người không thể nhìn thấy gương mặt các con của mình, nhiều em bé đã bật khóc nức nở.

Viết như một cách thắp lên hi vọng từ chính mình đang soi sáng con đường phía trước trải ra dài rộng trước mắt con. Nhưng đến một ngày Việt Anh hẹn gặp tôi, anh ngồi im lặng rất lâu, rồi trầm giọng kể về một cú sốc lớn vừa trải qua. Cú sốc đó, xin được giữ lại như một nỗi đau bí mật mà anh tin tưởng đặt vào sự sẻ chia sâu sắc của tình bạn, chỉ biết rằng nó liên quan trực tiếp đến một trong hai thiên thần nhỏ. Giá như có thể khóc được để cùng anh trôi bớt khổ đau, mà có lẽ nước mắt cũng trở nên vô nghĩa mất rồi. Tôi không dám nắm thật chặt tay người bạn, người cha, người làm thơ đó, bởi vì anh sẽ nhận ra những đợt chấn động khủng khiếp đang run lên trong lòng mình... Chỉ là người được kể lại mà đã vật vã đến thế thì người trực tiếp hứng chịu phải tan nát đến mức độ nào! Rất nhiều ngày sau cuộc gặp đó, tâm trạng của tôi không thể bình yên trở lại được...

“Mình không có điều kiện để trở thành một ông bố oai hùng bên con thì chọn cách là một nơi che đỡ cho tâm hồn các con. Mong là khi đọc thơ của bố, các con mình sẽ dần thấm được tình cảm, ước mơ, sự an ủi vỗ về qua từng ngày tháng được có nhau giữa cuộc đời này”.

Nhà thơ Nguyễn Việt Anh

Ánh sáng trong tâm tưởng

Vừa rồi, Việt Anh gọi cho tôi, giọng anh đầy hào hứng thông báo kế hoạch ra mắt thơ ở Hội Nhà văn Việt Nam với sự chủ trì của Chủ tịch Hội. Tháng 6 vừa qua, Việt Anh đã có buổi giới thiệu tác phẩm nhân tập thơ thứ 5 được xuất bản. Nhiều nhà thơ có tên tuổi đến dự, chúc mừng có, chia sẻ có và tò mò cũng có. Trong số đó có cả những người muốn đến gặp trực tiếp để “đối chất” với tác giả vì họ không gạt bỏ được định kiến rằng, một người khiếm thị làm thơ, nếu không có “trợ lực” từ những tên tuổi lớn đã từng phủ bóng xuống nhiều “đàn em” trong làng thơ thì khó có thể viết ra được những câu như: “Chong đèn người thấy rõ đêm/ Chong đêm tôi thấy ánh đèn rạng soi...” Chính là bởi lâu nay người ta thường chỉ thấy được bóng đêm lui đi khi thắp lên một ngọn đèn chứ ít ai nhìn ra được sự rạng ngời của ánh sáng trong tâm tưởng của mình. Không phải ai cũng biết cách “chong đêm” để nhìn thấy ánh đèn rạng soi, vì người ta chỉ quen với khái niệm đèn sáng mà không biết rằng đêm cũng “sáng” lên trong tâm trí mình.

Nguyễn Việt Anh mang đến cho bạn đọc một cảm nhận, tất cả những gì trong trẻo nhất, hồn hậu nhất và cũng sâu lắng nhất đều được thẩm thấu ngược từ trái tim người viết lên mỗi trang bản thảo. Mỗi trang thơ ấy là một nhành hoa bé nhỏ, khiêm nhường đang lặng lẽ lên hương, đến với người đọc một cách tự nhiên và bền bỉ. Như một loài hoa mãnh liệt sống và âm thầm tỏa hương sau ánh hoàng hôn...

MỚI - NÓNG