Người này tự nguyện mang tài năng nghệ thuật của mình làm bom đạn phá cường quyền. Cuộc chuyển đổi này không dễ, biết bao là nhiêu khê (Chế Lan Viên): Sang bờ tư tưởng ta lìa ta/Một tiếng gà lên tiễn nguyệt tà (Tế Hanh).
Ta lìa ta. Gian khổ, day dứt. Ý chí là một chuyện nhưng còn thói quen của cảm xúc. Nhìn rõ lắm những tuột dốc trước mắt của tài năng mình. Chặng đầu thuở kháng chiến chống Pháp, Huy Cận gần như không viết được, Lưu Trọng Lư, Tế Hanh thô thiển lắm. Xuân Diệu tự động viên mình, lấy hăng hái mà viết nhưng khi tỉnh rượu lúc tàn canh cũng nhiều nông nỗi lắm...Nhưng những kiện tướng của phong trào thơ mới ấy, ai cũng kiên định, chấp nhận trả giá như toàn dân chấp nhận quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh. Chết mà còn nhận, quyết nhận. Nhà tan cửa nát cũng ừ, bà con chân lấm tay bùn mà còn nghĩ thế. Sao thi sĩ lại tiếc thơ. Nguyễn Tuân từng tuyên bố từ bỏ tác phẩm tài năng nhất Vang bóng một thời. Các nhà thơ khai sinh phong trào Thơ Mới từ bỏ địa vị chủ nhân những lâu đài để kiên nhẫn tranh tre nứa lá dựng mới những căn lều. Phải đến đầu những năm sáu mươi các vị ấy mới tìm ra thành tựu mới. Mười lăm năm không phải là ngắn. Một chặng phấn đấu qủa cảm của các bác, các anh. Thử mở những thành tựu ấy ra xem. Có sự tìm lại mình. Tự tin và đầy biện chứng tìm lại những tinh hoa của tài năng mình trong thành tựu cũ để vận dụng trong khuynh hướng mới. Có người tìm ra trước, có người tìm ra sau. Ngay thành tựu, có người chặng sau phát triển hơn chặng trước như Chế Lan Viên, có người chặng sau chặng trước tương đồng, hài hòa nhưng ngược chiều như Huy Cận, Tế Hanh. Có người lại bị hụt đi. Hụt ít như Xuân Diệu, Lưu Trọng Lư, Anh Thơ. Hụt nhiều như Nguyễn Bính, Ðoàn Văn Cừ…
Nguyễn Bính (thứ hai từ phải qua) cùng bạn bè văn nghệ ở Ðoàn Văn công Khu 8. Ảnh: TL gia đình.
Tôi muốn nói kĩ hơn về Nguyễn Bính. Ðặc điểm trội của khoảng mươi năm thơ Nguyễn Bính trước cách mạng có thể thâu tóm lại, trong ba nét như trên đã nói mơ mộng, bi lụy và bi phẫn. Cả ba thế mạnh ấy đều là thứ không hợp với cuộc sống cách mạng, có thứ còn phải đấu tranh chống lại. Cách mạng cần cái nhìn hiện thực. Hiện thực để tố cáo, hiện thực để tự tin. Bi lụy và bi phẫn thì đều ngược với tình cảm chúng ta cần có, phấn khởi tự hào, lạc quan cách mạng. Phải chống lại chúng. Nguyễn Bính tự nguyện và nhiệt thành tham gia vào cuộc chống, dù là chống lại chính bản sắc của thơ mình. Sau này khi các nhà thơ cùng hội cùng thuyền tìm ra cách trở lại mình, dùng lại những tinh hoa đặc thù của tài nghệ mình trong thơ cách mạng theo kiểu người ta thuần một con ngựa hay có tật. Huy Cận thuần được từ Trời mỗi ngày lại sáng, Chế Lan Viên từ Ánh sáng phù sa, Xuân Diệu từ Riêng chung, Tế Hanh từ Hai nửa yêu thương, Lưu Trọng Lư từ Tỏa sáng đôi bờ. Nguyễn Bính chưa tìm thấy mình ở đơn vị tập, đơn vị bài mà chủ yếu còn ở đơn vị câu. Sự tìm lại mình thành công là dấu ấn trưởng thành của nên thơ, nó đã vượt qua những kì thị cứng nhắc, phiến diện mà cội nguồn là sự mù mờ của trí tuệ. Lỗi của chủ trương? Có một phần. Phần chủ yếu thuộc người nghệ sĩ. Tu luyện nghệ thuật đến đắc đạo thì đường mở dưới chân mình. Văn học sử Liên Xô vẫn coi Maxim Gorki là thành tựu tiêu biểu cho đường lối văn học Xô Viết nhưng gần đây người ta lại nói nhiều hơn đến tính độc lập, vượt rào của nghệ thuật và tư tưởng Gorki trong văn ông. Cần một sự sáng suốt biện chứng tự cứu mình như yêu cầu của Nguyễn Văn Linh khi ông làm tổng bí thư Ðảng Cộng sản VN.
Nguyễn Bính đang tiến đến giai đoạn đó, giai đoạn tìm lại những ưu thế nghệ thuật của tài năng mình và lấy đó làm phương tiện phục vụ cách mạng, bổ sung thành tựu mới cho văn chương dân tộc, thì ông đột ngột qua đời.
Nguyễn Bính và vợ.
Ngày nay, bạn đọc đang tìm lại cho ông, truy lĩnh lại thành tựu Nguyễn Bính trước cách mạng. Nhà nước truy tặng ông Giải thưởng Hồ Chí Minh, tôi nghĩ, là vì thành tựu văn chương của giai đoạn trước và thành tựu công dân ở giai đoạn sau. Có một thời nhiều nhà nghiên cứu né tránh nói đến thất bát văn chương ở những nghệ sĩ thành danh đi theo cách mạng vì sợ bị đồng nhất với một quan điềm không khoa học, đầy tính kì thị là “được mùa cách mạng mất mùa văn chương”. Bây giờ không ai còn tin nhận định ấy. Thực tế cho thấy: cùng gặp cách mạng thơ họ thành bại khác nhau. Lý do ư? Trước hết ở tạng tâm hồn. Cái ăng ten tâm hồn Nguyễn Bính bắt nhạy với mơ mộng, với đau thương với bi phẫn. Ông phải làm mới lại từng tế bào cảm xúc của mình. Việc ấy cần thời gian và cần điều kiện sống và làm việc. Thời gian thì Nguyễn Bính cần đi lại từ đầu, ông chưa làm kịp. Ðiều kiện để tiếp cận những trào lưu nghệ thuật mới và học hỏi kinh nghiệm của lứa nghệ sĩ lãng mạn như ông đi theo cách mạng trên phạm vi toàn thế giới thì công việc ở một ty văn hóa tỉnh nhỏ rất khó cho ông thực hiện. Ngay hội đủ các điều kiện xã hội ấy rồi mà vẫn có người thành người bại, người ta đã viện tới yếu tố thần bí của tài năng trời cho.
Những cơ hội của nghệ thuật nhiều khi rất nhỏ, chỉ như một chất xúc tác, mà lại có thể quyết định thành bại một sự nghiệp. Nguyễn Bính, một tài năng thiên bẩm, một phong cách sáng tác giàu bản năng, ngay đặc trưng ấy thôi khi đụng vào những chuyển đổi có tính ý thức, tự giác thường cần nhiều thời gian hơn những người khác. Nguyễn Bính chưa đủ thời gian ấy. Ông mất khi chưa tuổi năm mươi (1918-1966).
18/4/2018
Thực tế cho thấy: Cùng gặp cách mạng nhưng các nhà thơ thành bại khác nhau. Lý do ư? Trước hết ở tạng tâm hồn. Cái ăng ten tâm hồn Nguyễn Bính bắt nhạy với mơ mộng, với đau thương với bi phẫn.