1-Cảnh quê của Nguyễn Bính là cảnh trong cõi mộng. Ông không tả quê theo cái nhìn của mắt. Ông nhìn bằng tâm tưởng, bằng hoài niệm một thời xa. Xa trong cõi mộng và đẹp như cổ tích. Cái thuở Trai hiền bạn với gái đồng trinh. Con người hòa hợp với thiên nhiên, và thiên nhiên thì trong trẻo nguyên sơ:
Nhà ta ở dưới gốc cây dương
Cách động Hương Sơn nửa dặm đường
Có suối nước trong tuôn róc rách
Có hoa bên suối ngát đưa hương.
(Cô hái mơ)
Vầng trăng quen thuộc và kì ảo như ở xứ thần tiên:
Sáng trăng chia nửa vườn chè,
Trăng vàng đầy ngõ gió mênh mông,
Giời cao gió cả giăng như ban ngày.
Cảnh quê Nguyễn Bính, khác với cảnh quê Đoàn Văn Cừ, Bàng Bá Lân, Anh Thơ, những nhà thơ cùng thời, khác cả bậc tiền bối Nguyễn Khuyến. Cảnh của các vị này gần hiện thực, mang hồn vía hiện thực. Cảnh quê trong thơ Nguyễn Bính là cảnh trong cõi mộng, cảnh, trong cõi nhớ, mỹ lệ hơn, ảo diệu hơn.
Những mối tình quê cũng là tình trong mộng, mang hồn vía quê hương ở phần thơ mộng nhất, duyên dáng, trong trẻo, chất phác, e lệ... như trong truyện xưa. Ngay cả lời ăn tiếng nói của ho cũng được nhà thơ nâng cấp. Nguyễn Bính lưu giữ phần tinh hoa nhất của quê ta, đáp ứng nỗi niềm hoài niệm của chúng ta. Thời gian càng trôi xa, chúng ta càng thương nhớ:
Thôn Đoài thì nhớ thôn Đông
Cau thôn Đoài nhớ giầu không thôn nào.
Cả cảnh quê, tình người quê trong thơ Nguyễn Bính đều kì ảo, thanh bình, đẹp hơn hiện thực và sâu đậm hồn vía truyền thống hơn. Ông không tả cảnh mà tả cái hồn của cảnh, cái tình của người tự thuở xa xưa nào, vốn lưu giữ trong cõi mơ mộng của tâm trí ông
2-Tình cảm chủ yếu trong thơ Nguyễn Bính trước cách mạng là nhớ thương tiếc nuối. Cứ thương nhớ mãi thì cho hết đời. Ông có tài lấy nước mắt ngườ iđọc. Ông bi lụy hoá mọi chuyện đời. Mẹ tiễn con về nhà chồng mà buồn đau hơn tiễn con đi cải tạo:
Đưa con ra đến cửa buồng thôi
Mẹ phải xa con khổ mấy mươi
Con ạ đêm nay mình mẹ khóc
Đêm đêm mình mẹ lại đưa thoi.
Cô chị thất tình, đi lấy chồng, dặn cô em công việc cửa nhà mà nghe như giối giăng đứt ruột:
Chị giờ sống cũng bằng không
Em coi chị đã ngang sông đắm đò
Miếu thiêng vụng kén người thờ
Nhà hương khói lạnh chị nhờ cậy em.
Sân ga, vốn có người đi và cũng có người về. Tâm hồn Nguyễn Bính chỉ thấy những người đi, chỉ thấy li biệt, không thấy đoàn tụ. Cái tạng cảm xúc nó đẩy người ta thành “bất công” như thế. Vợ trẻ tiễn chồng, mẹ già cô đơn tiễn con biệt xứ, lại có người không ai đưa tiễn. Cảnh ngộ nào cũng bi thương, độ bi thương còn được kích lên khi qua lăng kính tâm hồn Nguyễn Bính, cứa vào lòng người:
Chị mở khăn giầu anh thắt lại
Mình về nuôi lấy mẹ, mình ơi
Tàu chạy lâu rồi bà vẫn đứng
Lưng còng đổ bóng xuống sân ga
Chân bước hững hờ theo bóng lẻ
Một mình làm cả cuộc phân li.
Nếu Alfred Musset coi thiên tài là biết đánh đau vào trái tim bạn đọc thì Nguyễn Bính là thiên tài nhất so với các nhà thơ cùng thời. Có điều Huy Cận đánh vào trái tim người thì làm người trầm lòng xuống mà nghĩ ngợi. Xuân Diệu làm người ta bám chặt lấy đời mà vội vàng sống, Nguyễn Bính thì chỉ làm người ta... khóc, và ông thì khóc trước. Trong thư gửi chị Trúc, ông tự thú Khóc như em mấy khăn hồng chả phai (mà “mù soa” thì cứ phải màu hồng!).
3-Nếu trong giai đoạn đầu, thuở chân quê, Nguyễn Bính trong trẻo cảm động với cảnh quê, hồn quê thì ở giai đoạn sau, khi ông dan díu với kinh thành, đa đoan vó ngựa chung tình bánh xe, thơ ông thêm một giọng mới: cái giọng bi phẫn. Mà trước tiên bi phẫn với cõi tình:
Chị ơi, Tết đến em mua rượu,
Em uống cho say đến não nùng
Uống say cười vỡ ba gian gác
Ném cái chung tình xuống đáy sông.
Rồi bi phẫn trong thế tiến thoái lưỡng nan: Ở đã không đành, đi cũng dở. Rồi bi phẫn trong bế tắc, ngỡ mình không chốn dung thân, cố nhiên là nghĩa bóng nhưng cũng không loại cả nghĩa đen: Hỡi ơi! Trời đất vô cùng rộng/Nào biết tìm đâu một mái nhà.
Đến bài Hành phương Nam, viết ở Đa Kao Sài Gòn năm 1943, thì ta đã gặp những cơn cùng đường phẫn chí: Giày cỏ gươm cùn ta đi đây. Ông nhà thơ chân quê, chỉ mới mấy năm cát bụi kinh thành, lúc danh tiếng như cồn, ái tình vây bọc, lúc thân tàn ma dại nợ đời nặng quá gỡ sao xong, bỗng muốn vùng lên, ngùn ngụt chí khí giầy cỏ gươm cùn, ôm mộng Kinh Kha ta đi đây,nhất khứ bất phục phản đây. Nhưng đi đâu? Tráng sĩ Kinh Kha chân quê mấy đời này - thày u mình với chúng mình chân quê - bỗng nhận ra tình cảnh thật đáng thương của mình. Chưa kịp làm anh hùng, đã thành anh thất chí ngửa mặt trông giời, kêu giữa chợ:
Ta đi nhưng biết về đâu chứ
Đã dấy phong yên khắp bốn trời
Thà cứ ở đây ngồi giữa chợ
Uống say rồi gọi thế nhân ơi!
Thơ Nguyễn Bính còn nhiều đặc điểm quý, nhất là cách dùng tiếng Việt. Có câu thơ chỉ riêng cái giọng thôi đã làm nên nội dung:
Viết cho chị lá thư này
Giữa đêm hăm bốn rạng ngày hăm nhăm.
Ở đây chỉ nêu ba đặc điểm thuộc vào tạng tâm hồn của ông để thấy rõ hơn những cố gắng thay đổi tột bậc của các tài năng thơ qua những yêu cầu chuyển đổi của chính ý thức họ.
(Còn nữa)
Nếu Alfred Musset coi thiên tài là biết đánh đau vào trái tim bạn đọc thì Nguyễn Bính thiên tài nhất so với các nhà thơ cùng thời.