Thủ đoạn tinh vi
Theo Phòng Hướng dẫn điều tra, Cục Phòng chống tội phạm ma túy (Bộ đội Biên phòng - BĐBP), 6 tháng đầu năm nay, tình hình buôn lậu xăng dầu trên các tuyến biên giới, vùng biển tiếp tục diễn biến phức tạp. Nhiều địa phương được xác định điểm nóng như: Hải Phòng, Thái Bình, Quảng Ngãi, Bà Rịa - Vũng Tàu, Tiền Giang, Bến Tre, TPHCM, Kiên Giang. “Xăng dầu lậu được các đối tượng vận chuyển vào nội địa tiêu thụ phần lớn từ đường biển”, đại diện Phòng Hướng dẫn điều tra cho biết.
Được biết, trong và sau Tết Nguyên đán 2015 (từ 17/11/2014 đến 28/2/2015), lực lượng biên phòng đã bắt giữ gần 496 nghìn lít dầu DO và 4 phi dầu bôi trơn. Mới đây, BĐBP Bến Tre bắt giữ một chiếc tàu của Cty CP Dịch vụ hàng hải dầu khí Hưng Thái thuộc chi nhánh Bến Tre có dấu hiệu mua bán, vận chuyển, sang mạn trái phép 75 nghìn lít dầu DO.
Thiếu tá Nguyễn Thành Nhơn, Trợ lý điều tra, Phòng Hướng dẫn điều tra cho biết, khi các lực lượng chống buôn lậu trên biển (BĐBP, Cảnh sát biển) tổ chức truy quét mạnh, các đối tượng buôn lậu xăng dầu không tiến hành sang mạn, bơm hút ở vùng biển Việt Nam mà thực hiện hành vi này tại các vùng biển quốc tế hoặc các nước khác, sau đó lợi dụng đêm tối đưa vào nội địa tiêu thụ.
Trao đổi với Tiền Phong, Thiếu tướng Ngô Thái Dũng, Cục trưởng Cục Phòng chống tội phạm ma túy BĐBP, Phó trưởng Ban chỉ đạo 1389 Bộ Tư lệnh BĐBP cho biết, tuy không “sôi động” như nhiều năm trước, giá chênh lệch từ 15-20% so với xăng dầu có nguồn gốc hợp pháp, các đối tượng buôn lậu xăng dầu trên biển vẫn sử dụng những thủ đoạn tinh vi. Chẳng hạn như móc nối với các đầu nậu nước ngoài sang mạn trái phép trên biển; vận chuyển vào đất liền hoặc bán ngay cho các ngư dân đang đánh bắt hải sản (một số ngư dân khi ra khơi đánh bắt hải sản chỉ mua trong bờ một lượng dầu vừa đủ để tàu chạy ra biển, sau đó mua lại dầu lậu trên biển với giá rẻ để tiết kiệm chi phí - PV). “Khi bị cơ quan chức năng phát hiện, kiểm tra, các đối tượng “trưng” ra những loại hóa đơn chứng từ của các lô hàng xuất khẩu từ trước, lô hàng đã bị tịch thu hoặc hóa đơn chứng từ khống, hết hạn sử dụng, bị tẩy xóa”, Thiếu tướng Dũng nói.
Sửa luật để chặn các kẽ hở
Theo Thiếu tướng Ngô Thái Dũng, thời gian tới, tình trạng buôn lậu xăng dầu trên biển sẽ bớt “sôi động” hơn trước, do giá dầu thế giới liên tục biến động khiến các đầu nậu khó nắm bắt được tình hình để đầu cơ. Ngoài ra, dự kiến cuối năm nay, sẽ có thông tư liên tịch mới về hướng dẫn chế độ hóa đơn chứng từ đối với hàng hóa nhập khẩu lưu thông trên thị trường, sẽ khắc phục được các kẽ hở pháp lý mà các đối tượng hay lợi dụng. Cùng với đó, sự đấu tranh quyết liệt của các lực lượng thực thi pháp luật và chống buôn lậu chính là những yếu tố khiến tình trạng buôn lậu xăng dầu sẽ hạ nhiệt.
Để đấu tranh hiệu quả với tội phạm buôn lậu xăng dầu, Thiếu tướng Ngô Thái Dũng cho rằng, Chính phủ cần sớm chỉ đạo ban hành Thông tư liên tịch về hướng dẫn chế độ hóa đơn, chứng từ đối với hàng hóa nhập khẩu để thay thế cho Thông tư cũ nhằm tránh những kẽ hở mà các đối tượng buôn lậu xăng dầu hay lợi dụng.
Bộ Quốc phòng cần đề xuất với Chính phủ bổ sung, sửa đổi Nghị định 162 năm 2013 (quy định về xử phạt vi phạm hành chính trên các vùng biển, đảo, thềm lục địa) cho phù hợp với nhiệm vụ, thẩm quyền của các cơ quan đã được quy định trong Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 do Quốc hội ban hành và thực tiễn đấu tranh chống tội phạm buôn lậu trên biển. “Điều 33 của Nghị định 162 tồn tại một số bất cập trong quy định chức danh có thẩm quyền lập biên bản vi phạm của Cảnh sát biển và BĐBP”, Thiếu tướng Ngô Thái Dũng nói.
Cũng theo Thiếu tướng Ngô Thái Dũng, Bộ Quốc phòng cần tăng biên chế đối với lực lượng phòng chống tội phạm của BĐBP và hiện đại hóa các trang bị kỹ thuật (xuồng cao tốc, hệ thống quan sát, theo dõi…) để lực lượng này đủ sức chống các loại tội phạm, trong đó có tội phạm buôn lậu trên biển.
Năm 2014, lực lượng biên phòng bắt giữ 65 vụ, 151 đối tượng có hành vi vi phạm các quy định mua bán, sang mạn trái phép xăng dầu trên vùng biển; tạm giữ gần 2,4 vạn lít xăng và hơn 4 vạn lít dầu các loại, trị giá khoảng 9 tỷ đồng.