"Vùi đầu" vào game
Môi trường sống thay đổi, đối diện với cuộc sống xa nhà, mất mục tiêu học tập là những khó khăn tân sinh viên (SV) đối diện mà chính các SV và phụ huynh đều không lường hết được. Không được chuẩn bị tinh thần, khi gặp những khó khăn trong thực tế, tân SV có xu hướng tìm đến những hoạt động tiêu cực có ảnh hưởng lâu dài về sau.
Hơn 3 tuần lên TPHCM , P.Đ.T, tân SV Trường ĐH N.T, TPHCM vẫn đang trong tình trạng khóc vì nhớ nhà, chán chê thì lên Facebook hỏi han bạn bè cũ rồi ôm máy tính chơi game.
Cuộc sống ở phòng trọ cùng những người bạn lạ, không có người nói chuyện, tâm sự, T. không ngờ căng thẳng đến mức này. Việc học những ngày đầu cũng chỉ đơn thuần lên lớp rồi về, T. không có bất cứ kế hoạch hay hoạt động nào để tập trung. Không chỉ T., việc chính của nhiều SV khác cùng phòng cũng là chơi game.
Tại các ký túc xá hay khu nhà trọ, không khó để tìm hình ảnh mỗi SV một máy tính chơi điện tử. Hoặc các quán điện tử, quán Internet cũng luôn đông đúc khách hàng SV. Đặc biệt các các SV năm nhất, hình như không chơi game thì họ không biết phải làm gì.
Vốn là niềm tự hào “Con tôi chỉ biết học, không biết làm gì hết” của bố mẹ nên khi lên phố nhập học, Nguyễn Ngọc Phương (tên nhân vật đã thay đổi), tân SV Trường ĐH Sư phạm TPHCM được bố mẹ tìm ngay căn phòng sát trường vì lo con không biết cách đi xe buýt, xe máy càng sợ con không an toàn.
Mục tiêu lớn nhất là thi ĐH nên khi đã thực hiện được ước mơ vào giảng đường, không ít bạn trẻ mất đi động lực học tập. Ảnh minh họa.
Đi bộ vài ba phút là Phương đến lớp, chuyện ăn uống thì đã có… nhà hàng lo. Ở phòng trọ, Phương không biết làm gì ngoài chơi game, tối gọi điện về cho gia đình. “Em nghĩ về cuộc sống SV sôi động hơn nhưng không ngờ lại buồn chán thế này”, nữ sinh này bày tỏ.
Dễ trượt ngã
Vốn là những học sinh học giỏi, ngoan ngoãn, đỗ điểm cao vào các trường ĐH, CĐ nhưng không ít tân SV, chỉ sau một thời gian bước vào chân vào giảng đường, các em đã "tụt dốc không phanh", sa chân vào các tệ nạn.
Tân sinh viên cần chủ động tiếp cận những hoạt động lành mạnh.
Diễn giả Bùi Đức Thạnh, chuyên gia về giáo dục con cái ở TPHCM, kể câu chuyện về người cháu của mình, quê ở Khánh Hòa, là SV ngành Xã hội. Tân SV này vốn là một học sinh giỏi, khi em học hết năm nhất ĐH, gia đình bàng hoàng nhận thông báo con bị đuổi học vì lực học quá kém, nợ nhiều môn. Đến lúc này cả nhà mới vỡ lẽ, cả năm qua, em chỉ chơi game thôi.
Theo diễn giả Bùi Đức Thạnh, cuộc sống xa nhà cực kỳ áp lực và nhiều cạm bẫy với tân SV. Nhất là khi từ nhỏ, các bạn không được gia đình hình thành, xây dựng những hoạt động, thói quen lành mạnh mà chỉ học thôi nên khi môi trường sống thay đổi, họ dễ dàng “kết” các thú vui tiêu cực như chơi game, nhậu nhẹt, lô đề để giải quyết áp lực của mình.
Ở bậc phổ thông, nhiều học sinh, kể cả ở các vùng quê nghèo, chỉ tập trung cho việc học, được bố mẹ bao bọc nên khả năng thích nghi, tự lập của các em rất hạn chế. Những “đứa trẻ” 18 tuổi mà đi một bước cũng phải có bố mẹ đi cùng, không thể tự chăm sóc bản thân từ những việc đơn giản nhất như ăn uống, giặt giũ… hiển nhiên rất khó khăn khi đột ngột phải sống tự lập một mình.
Điều quan trọng nhất là mục tiêu học tập thì dường như khi bước vào ĐH, các em bị mất hẳn định hướng. Một thực tế phải thừa nhận, lâu nay, với hầu hết học sinh, mục tiêu học tập duy nhất là để thi vào ĐH. Khi mục tiêu đó đã đạt được, các em trở nên lúng túng không biết mình học để làm gì. Câu hỏi này được rất nhiều SV đặt ra, kể cả các SV năm 3, năm 4 cho thấy sự hoang mang trên con đường tìm kiếm tri thức của các bạn.
Giảng viên Lê Ngọc Thắng (ĐH Ngân hàng TPHCM) cho hay, với mỗi SV, mục tiêu học tập đúng đắn cực kỳ quan trọng, sẽ là động lực để họ học tập nghiêm túc, việc này phải bắt đầu ngay từ năm nhất. Khi mục tiêu không có hoặc có nhưng không kiên định, thiếu hoài bão thì các SV rất dễ sa vào chơi bời, sống không mục đích.
Và việc sa ngã, không mục tiêu ngay từ năm nhất chính là một trong những nguyên nhân hàng đầu kéo đạo đức, lối sống của một bộ phận SV rơi vào tình trạng đáng ngại như hiện nay.
Theo Hoài Nam