Chới với giao thông

Chới với giao thông
TP - Năm 2002, Hà Nội đặt dấu ấn bằng việc tổ chức tuyến buýt mẫu số 32 đầu tiên của thành phố. Hàng chục tuyến buýt tiếp tục được mở, sau đó đã thay đổi thói quen tham gia giao thông của người dân.

> Chi hơn một tỷ đồng mỗi ngày cho phân làn
> Càng phân luồng, giao thông càng rối
> Chưa phải phân làn mà tách dòng phương tiện

Khi đó, lượng xe máy, ô tô cá nhân của Hà Nội chỉ chiếm 20% so với bây giờ (tức khoảng 800 ngàn xe). Nếu như quyết tâm bứt phá, thì đây chính là cơ hội vàng để xe buýt chiếm lĩnh thị phần vận tải và kiềm chế sự bùng nổ của phương tiện cá nhân.

Thế nhưng việc đánh giá vai trò của xe buýt chưa đúng tầm và thiếu hành động cụ thể nên nó đã phải tự vùng vẫy và chìm nghỉm trong cuộc giành giật mặt đường với sự gia tăng áp đảo xe máy và ô tô con. Cơ hội vàng đã bị bỏ lỡ. Việc hạn chế xe cá nhân đặt ra lúc này phải gắn chặt với tăng trưởng xe buýt.

Tròn mười năm tuyến đường vành đai 3 (đoạn Mai Dịch- Pháp Vân) dài 10km được khởi công. Dự án vắt qua 3 nhiệm kỳ bộ trưởng Bộ GTVT và 3 nhiệm kỳ chủ tịch UBND TP Hà Nội. Thế nhưng, trên con đường này 10 năm qua chưa khi nào ngớt âm thanh đào, bới. Dự án vẫn dang dở chưa biết ngày kết thúc.

Tại Hà Nội, ai cũng dễ dàng gặp những con đường “mịt mù ngày về đích” như: Đường Vành đai I, đường vành đai II, đường vành đai III, đường Hào Nam- Yên Lãng, QL 32, Tuyến đường sắt Nhổn- Ga Hà Nội… Điều đáng nói là những lãnh đạo cao nhất của thành phố đều đến thị sát và chỉ đạo “quyết liệt” đẩy nhanh tiến độ tại các dự án này. Thế nhưng trên những công trường sau đó chỉ đọng lại chữ… “liệt”. Có phải Hà Nội là thế?

Có chuyên gia đã thốt lên: “Tham gia giao thông tại Hà Nội chỉ có khái niệm không đi được chứ không có khái niệm không được đi”. Nếu xảy ra ùn tắc, người tham gia giao thông bất chấp các chỉ dẫn giao thông như biển, vạch sơn, và thậm chí cả hướng dẫn của CSGT để đi, trừ phi đường bị ngập, có tường chắn, hoặc hào sâu. Ý thức được hình thành từ thói quen và từ sự giáo dục trong đó có tuyên truyền và xử phạt.

Nhìn góc độ xử phạt, Hà Nội thực thi rất nhiều chính sách cứng rắn như: mức phạt tiền cao hơn các địa phương, tạm giữ phương tiện vi phạm, rồi “phạt nóng”, “phạt nguội”…thế nhưng ý thức của người đi đường chẳng được cải thiện là bao.

Đặc biệt, với cách tổ chức giao thông của Hà Nội như vừa qua sẽ tạo tiền lệ không tốt trong ý thức chấp hành luật. Đèn đỏ lúc bật lúc không làm cho ý thức tham gia giao thông cũng chập chờn. Vỉa hè nơi cấm, nơi lại cho thuê…Việc tổ chức phân làn mà cạnh mỗi tấm biển lại có một thanh tra giao thông (TTGT) đứng hướng dẫn trông thật ái ngại.

Người đi đường đôi khi vì “nể” TTGT mà đi đúng làn, nhưng khi không có TTGT thì lại đâu vào đó do đi sai cũng không ai xử phạt. Thay vì tôn trọng hiệu lực biển báo, tức tôn trọng luật pháp, người tham gia giao thông chỉ hình thành nên một phản xạ đối phó và thói quen nhờn luật.

Vậy là nhiều giải pháp nghiêm túc song không được thực thi đến nơi đến chốn đôi khi lại trở thành thứ bông đùa. Giao thông Hà Nội luôn chới với trước sự phát triển như vũ bão của xã hội.

Giải quyết vấn đề ùn tắc giao thông tại Hà Nội cũng chính là cấu trúc lại không gian, thời gian và cả nhu cầu giao thông của người dân Hà Nội mà ở đó có hàng chục yếu tố hợp thành và liên kết bằng mối quan hệ khăng khít như: dân cư, kinh doanh thương mại, trường học, bệnh viện, đường sá, giờ giấc làm việc, phương tiện, thói quen…Nếu chỉ “kích hoạt” vào phần ngọn của vấn đề có thể chỉ đem lại kết quả tức thời mà lại phương hại đến mục tiêu lâu dài thậm chí gây bất an xã hội.

Người dân mong muốn cùng với việc bắt tay vào những công việc mới đầy lớn lao, thành phố hãy quyết tâm làm tốt những phần việc, công trình dự án đang còn dang dở, thực thi nghiêm túc những giải pháp đã đưa ra hẳn tình hình ùn tắc giao thông sẽ cải thiện đáng kể và người dân còn có một niềm tin dù đó chỉ là niềm tin về sự “quyết tâm” chống ùn tắc của chính quyền.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG