Chợ truyền thống thất thế trước kinh doanh trực tuyến

0:00 / 0:00
0:00
TP - Bước vào mùa cao điểm mua sắm cuối năm, trước thềm Tết Nguyên đán, nhiều chợ truyền thống tại Hà Nội chung cảnh đìu hiu, vắng khách. Tiểu thương tìm cách xoay xở, lo khó cạnh tranh với kinh doanh trên mạng, livestream (phát trực tiếp) bán hàng.

Quầy kệ phủ bạt, sang nhượng

Trái với nhịp độ gấp gáp của dòng người, xe ùn ùn di chuyển trên các tuyến phố trung tâm, bước vào nhiều chợ truyền thống lâu đời tại Hà Nội dịp cuối năm, không khí mua sắm, giao thương chậm rãi, trầm lắng đến lạ.

Nhiều tiểu thương kinh doanh lâu năm cảm thán, tình hình buôn bán ngày càng khó khăn. 10 giờ sáng, chợ Hôm (Hà Nội) vẫn vắng lặng, người ra vào thưa thớt, ít cả khách, lẫn tiểu thương. Cả hai tầng của khu chợ im lìm, cửa cuốn, bạt phủ kín nhiều quầy kệ.

Chủ kiot Thảo Anh nằm ở tầng 2 chợ Hôm cho biết, thời tiết chuyển lạnh, khách vắng, nhiều chủ quầy mở hàng muộn. Sau 1 tiếng mở cửa, ki ốt thậm chí chưa có khách ghé xem hàng. “Nhìn cảnh chợ là biết tình hình buôn bán thế nào. Mùa Đông, vải thường bán kém chạy hơn mùa hè, và năm nay đặc biệt chậm. Các xưởng không còn tình trạng sản xuất gối đầu, vải ít người mua”, chủ ki ốt Thảo Anh chia sẻ. Về phía khách lẻ, tiểu thương lo ngại, vì ngay cả người vào chợ còn ít huống gì là người mua. Đơn hàng chủ yếu đến từ khách quen, qua các nền tảng mạng xã hội.

Chợ truyền thống thất thế trước kinh doanh trực tuyến ảnh 1

Ki ốt chợ truyền thống đóng cửa im lìm, vì vắng khách Ảnh: V.Linh

Chợ vắng, tiểu thương chủ yếu ngồi lướt điện thoại, nói chuyện, mỗi quầy chỉ có 1 người trông hàng; chủ tiệm, quầy hàng không thuê thêm nhân viên. Nhiều chủ ki ốt tại chợ Hôm đã kinh doanh lâu năm, một phần có tuổi, dần san sẻ công việc cho con, cháu. Thế hệ trẻ tiếp quản việc buôn bán cũng chưa tìm ra lối thoát cho chợ truyền thống. Chị Thu Trang, trông ki ốt thời trang do mẹ chồng gây dựng tại đây cho biết, cũng như các tiểu thương khác, chị chỉ biết đăng ảnh trên Facebook, Zalo để bán thêm, nhưng không cạnh tranh được với trào lưu, hình thức bán hàng livestream đang nở rộ.

Tương tự, nhiều khu chợ nổi tiếng ở Hà Nội như chợ Mơ, chợ Hàng Da.., cũng chung cảnh vắng vẻ. Thậm chí, tại chợ Hàng Da, số ki ốt đóng cửa, phủ bạt, vắng tiểu thương còn có phần nhỉnh hơn lượng quầy hoạt động. Sảnh chính nơi dẫn xuống tầng hầm B1, nơi dành cho thực phẩm, thời trang nằm ở lối khuất, nếu không để ý, rất dễ bỏ qua. Đây cũng là vấn đề đau đầu với các tiểu thương tại đây, khiến chợ ngày càng vắng. Chủ quầy thực phẩm Minh Phương (chợ Hàng Da) cho biết, mỗi ngày chỉ dám nhập 5kg thịt lợn, nhưng tới gần trưa số thịt này vẫn còn nguyên.

“Người dân giảm chi tiêu, chợ truyền thống đã khó bán, mà chợ kiểu mới càng khổ hơn. Khách vào phải gửi xe, trả phí trông xe, đi xuống hầm mới mua được lạng thịt. Chưa kể, quanh chợ còn nhiều hàng, nơi bán vỉa hè cạnh tranh”, bà Phương bức xúc nói.

Theo bà Phương, nếu cứ tình hình này, thì dù cận Tết hay cuối năm, chợ cũng không có khách. Người vào xem chỉ lác đác khách du lịch, tìm đồ lưu niệm. “Hàng thời trang, đồ khô còn có thể chuyển đổi sang bán online, livestream chứ hàng thịt, cá, rau thì chuyển đổi như thế nào”, bà Phương nói và chỉ xung quanh các tiểu thương khác, có người liên tục ngủ gật vì vắng khách. Bà nói vui, thứ mà tiểu thương ở chợ này dùng nhiều nhất không phải cân hay dao thớt, mà là giường gấp, ghế gấp nằm trông hàng. Tình cảnh vắng vẻ kéo dài, không ít chủ quầy phải rao bán, sang nhượng.

Theo chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú, giải pháp kích thích sức mua trong xã hội phải đi cùng với việc đẩy mạnh đầu tư công, thu hút thêm lao động vào các công trường xí nghiệp nhà máy, tạo công ăn việc làm và thu nhập. Cùng với đó, cơ quan chức năng cần kiểm soát thị trường, vì quyền lợi của người tiêu dùng, xử lý những trường hợp đẩy giá cao vô lý. Mặt bằng giá bán lẻ được kiểm soát hợp lý thì nhu cầu tiêu dùng chắc chắn tăng lên.

Bán trực tuyến lên ngôi

Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội cho rằng, bán hàng trực tuyến là một trong những giải pháp giúp giảm bớt căng thẳng về doanh thu cho các điểm bán, kể cả tiểu thương ở chợ truyền thống. Ông Trần Lệ Nguyên, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn KIDO cho biết, thời gian qua, tại các chợ đầu mối, chợ truyền thống, tiểu thương bế tắc đầu ra, ế ẩm. Trong khi xu hướng ở các nước châu Á, điển hình là Trung Quốc triển khai bán hàng online rất mạnh mẽ, xem livestream, người tiêu dùng vừa giải trí và vừa mua sắm. Tại chương trình bán hàng online kích cầu ở Cần Giờ, lượng hàng bán được gấp 10 lần bán truyền thống; các tiểu thương chợ Bến Thành livestream bán hàng cũng đạt doanh số gấp 10 lần. Điều này cho thấy, cần tiếp tục triển khai cho các chợ đầu mối, tiểu thương tiếp cận xu hướng này.

Phục vụ mua sắm dịp Tết, siêu thị cũng nhập cuộc livestream. Hệ thống siêu thị Co.opmart (Saigon Co.op) cho biết, từ tháng 1/2024, siêu thị sẽ có 8 phiên livestream theo từng giai đoạn của Tết. Tương tự, hệ thống siêu thị WinMart, Go! BigC, MM Mega Market cũng triển khai dịch vụ đặt hàng qua ứng dụng, Zalo, trang trực tuyến. Tại thời điểm này, các sàn thương mại điện tử cũng bắt đầu chuẩn bị cơ sở vật chất phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới. Trên các sàn, những phiên livestream diễn ra ngày đêm.

Về giải pháp kích cầu tiêu dùng cuối năm, trong bối cảnh thị trường kém nhộn nhịp, chuyên gia Vũ Vinh Phú cho rằng, những giải pháp đang thực hiện chưa đủ. “Cần xem xét giảm thêm thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng dầu và các loại thuế phí khác để góp phần làm cho mức giá bán lẻ mặt hàng này hình thành một cách hợp lý và tăng mức chi tiêu của người dân”, ông Phú nói.

MỚI - NÓNG