UBND TP Hà Nội vừa có kế hoạch về việc phát triển và quản lý chợ trên địa bàn thành phố năm 2024. Dự kiến, Hà Nội sẽ xây mới 36 chợ, cải tạo 76 chợ. Tuy nhiên, theo ghi nhận của PV Tiền Phong, các khu chợ dự kiến xây mới đều trong tình trạng ế ẩm. Tại chợ Khâm Thiên (dự kiến xây mới năm 2024), bên trong chợ gần như không có hoạt động kinh doanh. |
Trong khi đó dọc ngõ chợ Khâm Thiên (phía bên ngoài chợ), có hàng chục sạp buôn bán lớn nhỏ, tấp nập khách ra vào mua bán. |
Tương tự tại chợ Ngã Tư Sở (quận Đống Đa), bên trong vắng lặng trái ngược với khung cảnh bên ngoài |
Đại diện UBND quận Đống Đa cho biết, theo kế hoạch quận có 3 chợ xây dựng mới là chợ Khâm Thiên, chợ Kim Liên và chợ Ngã Tư Sở. Ngoài chợ Ngã Tư Sở là chợ loại 1 phải chờ Nghị định mới của Chính phủ về Quản lý và phát triển chợ, 2 chợ còn lại đang trong giai đoạn lấy ý kiến của tiểu thương. Qua ý kiến ban đầu, nhiều tiểu thương tại chợ Khâm Thiên không đồng ý cải tạo chợ bởi lo ngại ảnh hưởng đến việc kinh doanh. |
Là một trong những khu chợ truyền thống của Hà Nội, từ năm 2014, chợ Mơ tại phố Bạch Mai (Hai Bà Trưng, Hà Nội) được xây dựng thành Trung tâm thương mại. Toàn bộ các hộ kinh doanh bị "đưa xuống lòng đất", hoạt động buôn bán bên trong tầng hầm của tòa nhà. Tuy nhiên, đến hiện tại, tại chợ Mơ các quầy hàng quần áo, giày dép, đồ gia dụng... khá vắng vẻ, tình trạng buôn bán ế ẩm. |
Nhiều cửa hàng ki ốt trong tình trạng đóng cửa hoặc đang giao bán, sang nhượng, cho mượn. |
Chủ ki ốt bán thịt heo, chị Nguyễn Hường cho biết, chưa bao giờ tình trạng buôn bán khó khăn như hiện tại. "Năm nay, dịp gần Tết rồi mà vẫn không có khách, ngày chỉ lác đác vài người mua. Xung quanh tôi nhiều người cũng bỏ, không đến bán ở chợ. Giờ đóng ki ốt thì tôi cũng không biết làm nghề gì kiếm sống, cố bám trụ ở đây kiếm cái ăn qua ngày", chị Hường chia sẻ. |
Chợ không một bóng khách, nhiều tiểu thương chấp nhận đóng cửa ki ốt. |
Những người cố gắng duy trì ở chợ Mơ rảnh rỗi lại ngồi chuyện phiếm giết thời gian. |
Không chỉ riêng chợ Mơ, tại Tại trung tâm thương mại 19/12 chợ Âm Phủ, dù đã được đầu tư bài bản, tuy nhiên, lượng khách mua sắm đến đây cũng rất thưa thớt. |
Cũng theo các tiểu thương chợ Âm Phủ, không chỉ kinh tế khó khăn, hiện tiểu thương còn phải cạnh tranh với những bán hàng online qua các trang mạng xã hội. |
Ông Vũ Vinh Phú, nguyên Phó Giám đốc Sở Thương mại Hà Nội cho rằng: Hà Nội đã có những thất bại trong cải tạo, xây dựng lại chợ, tiêu biểu là 5 chợ truyền thống biến thành Trung tâm thương mại. “Ở trên họ bán sản phẩm xa xỉ, còn để bà con buôn bán xuống tầng hầm. Giá thuê cao đến gần 1 tỷ/kiốt bà con làm gì có tiền để trả. Chưa kể, quản lý trong và ngoài chợ không công bằng. Bên trong phí cao, bên ngoài chợ cóc bán nhộn nhịp, không thể cạnh tranh được. |
Ông Phú đánh giá: Cải tạo chợ dân sinh là rất cần thiết nhưng trước khi quy hoạch, xây mới, cải tạo hay chuyển đổi công năng đều cần phải cân nhắc, suy xét thấu đáo. Quan trọng hơn, phải công khai lấy ý kiến người dân từ thiết kế, quy mô, giá cả thuê ki ốt, quy chế quản lý để người dân biết và tham gia cùng. |
Trung tâm thương mại Hàng Da được cải tạo từ chợ Hàng Da cũ, kết hợp giữa cách kinh doanh hiện đại và buôn bán kiểu truyền thống. Hiện tại, nơi đây khá vắng vẻ, tại khu vực tầng hầm chỉ còn vài gian hàng còn hoạt động. |
Theo báo cáo tiến độ các dự án chợ đầu tư xây mới, cải tạo giai đoạn 2022-2025 gửi Sở Công Thương Hà Nội, đến nay, đã có 19 đơn vị đăng ký đầu tư xây dựng, cải tạo chợ năm 2023 với tổng số 48 dự án chợ xây mới, xây lại và 57 chợ cải tạo, sửa chữa. Tuy nhiên, tiến độ triển khai còn rất chậm do gặp nhiều vướng mắc. |