Chợ truyền thống lay lắt bám trụ

0:00 / 0:00
0:00
TP - Từ tháng 11 là thời điểm vào mùa hàng Tết của chợ truyền thống TPHCM. Vậy nhưng chợ bây giờ đìu hiu, vắng khách, thậm chí người bán còn nhiều hơn người mua…

Chưa bao giờ vắng thế này!

Trưa 21/11, tại chợ Bình Thới (quận 11), dù đang trong giờ cao điểm của chợ nhưng cảnh ế ẩm, thưa vắng khách diễn ra ở hầu hết các sạp hàng. Sửa soạn lại những bịch bánh tráng, mì, bún khô… cho tươm tất, bà Phạm Thị Hồng Nhung (sạp U201 ngành rau củ) thở dài: “Mẹ tôi kinh doanh ở chợ này 40 năm, tôi cũng có hơn 30 năm kế nghiệp nhưng chưa bao giờ thấy sụt giảm doanh thu như lúc này. Thời điểm này đáng lý là cao điểm hàng Tết nhưng hiện giờ không có bạn hàng nào gọi đặt hàng, chúng tôi cũng không dám trữ hàng, chỉ lấy số lượng bán trong vòng 1 - 2 ngày. Tết này lo lắm!”.

Chia sẻ thêm về giá cả hàng hóa, bà Nhung càng bất an khi hàng không bán được nhưng giá vẫn cứ tăng. Đơn cử như các loại mì, miến khô đã tăng giá 2 lần trong năm qua, dự báo Tết này sẽ còn tăng thêm. Để có giá tốt đến tay người tiêu dùng, bà Nhung tự tìm đến các cơ sở sản xuất để “mua tận gốc, bán tận ngọn”, không qua khâu trung gian…

Cũng trong chợ này, những sạp thịt heo, rau củ, hải sản… vắng cả người bán. Theo lời các tiểu thương, do kinh doanh ế ẩm, nhiều tiểu thương không chịu nổi đã trả sạp, sang quầy. “Trước tôi bán gần 2 con heo/ngày mà vẫn không đủ, nay lấy có nửa con cũng không bán hết. Chợ ế lắm, chúng tôi ra chợ buôn bán cho có việc làm chứ còn tính chuyện lời lãi thì gần như không có” - chị Bình, chủ sạp thịt heo sạch nói, giọng buồn tênh.

Tại chợ Bình Tây (quận 6), bà Phước Thúy (sạp 299 - 236, kinh doanh bánh mứt Tết, gia vị thực phẩm) mừng rơn khi có khách đến xem hàng. Chưa cần biết khách có nhu cầu mua hay không, bà vẫn nhiệt tình mời khách dùng thử sản phẩm miễn phí.

Nhớ lại cảnh tấp nập hàng Tết trước đây, bà Thúy không khỏi cám cảnh, lo lắng. “Kinh tế khó khăn, người dân thắt chặt chi tiêu nên bánh kẹo, mứt càng khó tiêu thụ. Không còn cảnh hàng hóa ngập lối đi, bạn hàng chờ nhau đăng ký mua sớm để có giá tốt nhất. Chưa lúc nào thấy khó khăn như lúc này- người tiểu thương gắn cả đời với chợ nghẹn lòng nói.

Chợ truyền thống lay lắt bám trụ ảnh 1

Dù bắt đầu vào mùa kinh doanh hàng Tết nhưng các chợ truyền thống ở TPHCM đều chung tình cảnh đìu hiu, vắng khách.Ảnh: U.P

Trong khi đó, ngành hàng thời trang như quần áo, túi xách, giày dép… còn bi đát hơn. Chị Bích Tâm (kinh doanh quần áo may sẵn tại chợ An Đông, quận 5) mỗi ngày đều lướt điện thoại cho hết thời gian. Chị cho biết, hôm nào bán đắt hàng thì được 1 - 2 bộ đồ, có ngày không bán được cái nào. “Gần đây khá nhiều khách du lịch nước ngoài có đến chợ nhưng xem thì nhiều chứ ít khi mua. Tôi cũng tập tành bán hàng qua mạng nhưng cũng không ăn thua vì muốn bán được phải chạy quảng cáo, thuê nhân viên livestream (phát trực tiếp)…” - chị Tâm nói.

Phải thay đổi

Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Nguyễn Hoàng Kiêu, Trưởng Ban quản lý (BQL) chợ Bình Thới thừa nhận, năm nay mãi lực chợ giảm tới 60% so với năm 2022 do kinh tế khó khăn. Chợ Bình Thới có 553 sạp đã được bố trí, trong đó có hơn 400 sạp đang hoạt động. Ngành hàng khó khăn nhất là các mặt hàng thời trang quần áo, giày dép...“Để hỗ trợ vốn cho tiểu thương, BQL đang phối hợp với Ngân hàng Sacombank cho vay với lãi suất 1,2%. Hội Phụ nữ cho vay với lãi suất 0,7%/năm. Để hút khách vào chợ, BQL vận động tiểu thương niêm yết giá đầy đủ, đảm bảo an toàn thực phẩm và đang xin chủ trương nâng cấp chợ sạch đẹp, khang trang hơn để thu hút khách đến chợ” - ông Kiêu chia sẻ.

Đại diện BQL chợ An Đông cho biết, hiện nay người tiêu dùng đang chuộng mua sắm trực tuyến trên các sàn thương mại điện tử. BQL đã liên hệ, mời các Tiktoker đến giới thiệu tổng quan chợ và từng ngành hàng, thậm chí làm việc trực tiếp với các sạp để giới thiệu các mặt hàng...

Ông Lê Hồng Minh, nhân viên quản lý kinh doanh chợ Bình Tây cho biết, dự báo sức mua thấp nên tiểu thương gần như không trữ hàng Tết, chỉ khi có khách đặt hàng thì mới nhập. Trước dịch bệnh COVID-19, chợ có khoảng 1.900 sạp hoạt động thì hiện nay chỉ còn khoảng 1.600 - 1.700 sạp. “BQL triển khai nhiều giải pháp kích cầu như tổ chức khuyến mại, bình ổn thị trường, tổ chức phiên chợ tôn vinh hàng Việt… để tiểu thương tiếp xúc với doanh nghiệp có thêm nguồn hàng phong phú. Chúng tôi cũng khuyến khích tiểu thương kinh doanh trực tuyến, đẩy mạnh du lịch để thu hút du khách trong và ngoài nước đến với chợ” - ông Minh chia sẻ.

Theo đại diện Sở Công Thương TPHCM, thành phố hiện có 225/233 chợ hoạt động. Năm 2021, trong bối cảnh dịch COVID-19, Sở phối hợp với Công ty FPT ra mắt mô hình chợ trực tuyến Utop. Tiểu thương các ngành hàng được hỗ trợ mở gian hàng trên ứng dụng này. Sau khi nhận đơn đặt hàng của người dân, nhân viên của chợ trực tuyến Utop sẽ tiến hành mua sắm và giao cho khách hàng. Đến nay, chợ trực tuyến Utop vẫn duy trì ở hơn 30 chợ trên địa bàn TPHCM.

MỚI - NÓNG
Đặc sắc giải đua vỏ lãi
Đặc sắc giải đua vỏ lãi
TPO - Với 11 đội nam và 6 đội nữ, hơn 120 vận động viên tranh tài quyết liệt tại giải bơi vỏ lãi vùng đồng bào dân tộc thiểu số Cà Mau, hoạt động chào mừng Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc.