TAND Tối cao đã công bố Nghị quyết hướng dẫn áp dụng một số điều của Bộ Luật hình sự 2015 (từ Điều 141 – 147) và việc xét xử các vụ án xâm hại tình dục người dưới 18 tuổi.
Theo Nghị quyết, xâm hại tình dục người dưới 16 tuổi là việc dùng vũ lực hoặc thủ đoạn khác để ép buộc, lôi kéo đối tượng tham gia hoạt động tình dục hoặc bán dâm; nô lệ tình dục...
Người trên 18 tuổi có hành vi ép buộc người 16 tuổi biểu diễn khiêu dâm hoặc trực tiếp chứng kiến biểu diễn khiêu dâm cũng sẽ bị phạt tù. Các hành vi nhóm này có thể là dụ dỗ các em livestream, chụp ảnh khỏa thân; xem phim hoạt hình đồi trụy...
Ngoài cơ quan sinh dục, các bộ phận nhạy cảm trên cơ thể trẻ em sẽ gồm có đùi, mông, ngực... Nghị quyết quy định, việc chạm tay, miệng vào các bộ phận này hoặc dùng dụng cụ tình dục tiếp xúc với trẻ em được coi là: “Hành vi quan hệ tình dục khác” và phải bị xử lý theo Bộ luật Hình sự.
Các hành vi tiếp xúc hoặc dùng dụng cụ tình dục tiếp xúc bộ phận nhạy cảm của trẻ em, kể cả qua áo quần và không nhằm mục đích quan hệ tình dục được coi là dâm ô với trẻ em.
Hành vi này được điều chỉnh bởi Điều 146, tội “Dâm ô với người dưới 16 tuổi”. Tương tự, các hành vi chiếu phim khiêu dâm cho trẻ em; dụ dỗ trẻ em khỏa thân; phát tán phim hoạt hình khiêu dâm có mô phỏng trẻ em… cũng sẽ bị xử lý hình sự.
Ngoài ra, người tiếp xúc với bộ phận nhạy cảm của trẻ em sẽ không bị xử lý hình sự nếu họ thuộc trường hợp có trách nhiệm chăm sóc, tắm rửa, khám chữa bệnh cho các em như bố mẹ, giáo viên mầm non, bác sĩ...
Cũng theo Nghị quyết, các tòa án cần áp dụng hình phạt nghiêm khắc nhất với các hành vi vi phạm luân thường, đạo đức; lợi dụng chức vụ quyền hạn; lợi dụng công việc hoặc xâm hại người dưới 13 tuổi.
Khi xét xử các vụ xâm hại tình dục với trẻ em, thẩm phán phải xử kín, phần tuyên án công khai chỉ đọc quyết định, không đọc nội dung vụ án; bản án này không được công bố trên cổng thông tin của tòa án. Thẩm phán tham gia xét xử phải mặc quần áo hành chính thông thường, không được mặc áo choàng theo quy định.
Nghị quyết nghiêm cấm một số hành vi như khi xét xử vụ án liên quan xâm hại trẻ em gồm yêu cầu bị hại thuật lại quá trình phạm tội, đối chất với bị cáo. Người tham gia tố tụng cũng không được dùng câu hỏi có tính đe dọa, gây xấu hổ với các em; không được buộc các em phải xác định bộ phận bị xâm hại bằng cách chỉ vào cơ thể mình hoặc người khác.
Bị hại là trẻ em khi tham gia phiên tòa phải được bố trí phòng cách ly và theo dõi qua các thiết bị điện tử như ti vi, loa… Trường hợp không có phòng cách ly, các em ngồi ở phòng xử nhưng phải có màn che ngăn cách với khu vực của bị cáo.