Chợ nổi về đâu?- Bài cuối: Loay hoay bảo tồn

Khách nước ngoài tham quan chợ nổi Cái Răng.
Khách nước ngoài tham quan chợ nổi Cái Răng.
TP - An ninh buôn bán và an toàn tính mạng người dân đang đặt ra cấp thiết ở chợ nổi Cái Răng thì vấn đề bảo tồn để hòa nhập vào cuộc sống văn minh cũng bức bách không kém. Bởi nhiều chợ nổi ở ĐBSCL sau thời gian phát triển sôi động đã lụi tàn do lạc hậu và cả sự níu giữ không đúng cách.

Biết và không biết có "cò"

Đem những bức xúc về tình trạng “cò” ở chợ nổi Cái Răng của người dân buôn bán đến UBND phường Lê Bình (Cái Răng, Cần Thơ) địa phương có chợ nổi. Phó chủ tịch Bùi Thị Bích Phượng nói: “Tôi chưa nắm được vấn đề này và cũng chưa nghe ai báo cáo. Qua phóng viên Tiền Phong cung cấp thông tin, tôi sẽ báo cáo lãnh đạo quận để có biện pháp chấn chỉnh, tạo sự cạnh tranh công bằng trong buôn bán”. 

Ở Sở VHTT&DL thành phố Cần Thơ, Trưởng phòng Nghiệp vụ du lịch Nguyễn Hoàng Diễm nói: “Tình trạng này chúng tôi đã nghe phản ánh. Tuy nhiên, không thể cứng nhắc xử lý hành chính mà chủ yếu là sử dụng biện pháp tuyên truyền đến chủ tàu, doanh nghiệp và người dân các hành vi buôn bán có văn hóa”.

Bà Diễm cho biết thêm, lãnh đạo thành phố rất quan tâm đến việc bảo tồn chợ nổi và giao Sở VHTT&DL làm thường trực phối hợp UBND quận Cái Răng và các sở, ngành có liên quan tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng phục vụ khách du lịch cho các thương hồ và các chủ phương tiện vận chuyển khách. Đồng thời, phối hợp cảnh sát đường thủy hướng dẫn chủ phương tiện đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông quanh khu vực chợ để đảm bảo tính mạng người dân. Trước mắt là “chấn chỉnh ngay” tình trạng người dân vứt rác xuống sông gây ô nhiễm môi trường; bán giá cao hơn trên bờ, giữ an ninh trật tự.

“Sự tồn tại, ổn định và phát triển của chợ nổi còn ở tính tự do. Đến chợ nổi không thấy ghe hàng niêm yết giá, không có sự sắp xếp neo đậu. Việc mua bán rất tự nhiên, sòng phẳng và không ai nợ ai. Vì thế, khi xây dựng đề án bảo tồn cần nghĩ đến yếu tố này”.          

Soạn giả Nhâm Hùng

Thạc sỹ Trần Thế Như Hiệp, Chủ nhiệm đề án bảo tồn chợ nổi Cái Răng ở Viện Kinh tế - Xã hội thành phố Cần Thơ, cho biết quá trình khảo sát đã nghe nói chuyện “cò” rồi. “Những người buôn bán trên ghe thực tế họ không muốn tăng giá. Nhưng khi ghe bán hàng cặp vô tàu du lịch thì hướng dẫn viên hoặc lái tàu ra tín hiệu là phải bán món đó bao nhiêu để chi hoa hồng. Nếu không, lần sau khó mà bán được cho khách trên tàu du lịch. Chúng tôi sẽ can thiệp bằng cách tác động đến các doanh nghiệp du lịch để chấn chỉnh việc này, kể cả hệ thống đội tàu để đảm bảo cạnh tranh sòng phẳng”, ông Hiệp nói.

Sinh viên bảo tồn chợ nổi

Hôm nhà bà Điệp bị cháy, nhóm sinh viên của Trường Đại học Cần Thơ có mặt giúp đỡ. Sinh viên Lữ Thục Trân nói: “Tụi em hay tin nhà bà Điệp (nhân vật chúng tôi đã nêu ở bài 1, phóng sự này) bị cháy liền chạy đến tìm hiểu và đăng thông tin trên facebook. Kết quả, có nhiều người quan tâm, ủng hộ đã giúp 1 triệu đồng tiền mặt, 20 kg gạo, quần áo và nhu yếu phẩm. Ngoài ra, khách nước ngoài đến tham quan chợ nổi xem trên facebook cũng trực tiếp đến tận nhà bà để giúp đỡ”.

Gần hai tháng nay, hơn 10 sinh viên trong nhóm đã len lỏi khắp các bè, ghe trên chợ nổi để tuyên truyền ý thức bảo tồn chợ nổi. Đồng thời, chụp lại những khoảnh khắc và tìm hiểu những câu chuyện trong cuộc sống đời thường của họ. Đây là dự án “Thúc đẩy sự tham gia của người dân trong bảo tồn chợ nổi Cái Răng” do sinh viên Trần Long Vi, Trưởng nhóm Thanh niên hoạt động vì sự phát triển cộng đồng (nhóm O) của Trường Đại học Cần Thơ đoạt giải thưởng tại cuộc thi Người khởi xướng - Phát triển các sáng kiến thanh niên do Viện Nghiên cứu Kinh tế - Xã hội và Môi trường (iSEE) tổ chức và tài trợ 100% kinh phí, trị giá gần 60 triệu đồng.

Nói về dự án, Trưởng nhóm Vi cho biết, ý tưởng là từ một sự “xấu hổ” về những giá trị văn hóa đang mất dần ở chợ nổi. Vi kể, có lần dẫn bạn bè từ nhiều vùng miền trên cả nước đến tham quan. Dạo một vòng chợ, mọi người đánh giá chợ mất vệ sinh, giá trái cây đắt đỏ, chèo kéo du khách. Từ đó, Vi nảy sinh ý tưởng “cứu chợ nổi” bằng cách kể những câu chuyện chân thật về vai trò của người dân chợ nổi để tác động đến các ngành chức năng. Đặc biệt là tác động đến chính quyền để có những hành động bảo tồn chợ cho hiệu quả. Dự án sử dụng phương pháp photovoice (hỗ trợ máy ảnh cho người dân tự chụp về cuộc sống của mình) và những câu chuyện về người dân ở đây do chính nhóm biên tập để truyền thông những hình ảnh chân thật về chợ nổi.

Chợ nổi về đâu?- Bài cuối: Loay hoay bảo tồn ảnh 1 Soạn giả Nhâm Hùng.
Vi cho biết, việc tổ chức triển lãm và in sách ảnh hy vọng sẽ truyền tải những câu chuyện đến lãnh đạo thành phố để nhìn nhận vai trò của người dân trong việc bảo tồn. Người dân là những người làm nên chợ nổi, nếu họ còn thì chợ nổi còn. Vì thế công việc bảo tồn tránh những can thiệp “thô bạo” mà chú trọng vai trò của người dân. Điển hình về việc này là hoàn cảnh của gia đình đờn ca tài tử Lý Hùng gắn bó với chợ trên 25 năm. Mặc dù điều kiện sống thiếu thốn nhưng ông vẫn bám và làm chợ nổi thêm đặc sắc. Vợ chồng ông có 3 con, quê ở Hậu Giang, mượn tiền mua chiếc ghe cũ, kéo nhau ra chợ nổi bán nước giải khát. Chiếc ghe vừa làm nhà ở vừa để mưu sinh. Hiện nay gia đình khá hơn trước, hằng ngày vợ ông vẫn đi bán nước giải khát quanh chợ, còn ông ở bè đờn ca phục vụ khách du lịch. Món đờn ca tài tử của ông được xem là “đặc sản” của chợ nổi Cái Răng.
Ngoài ra, sách ảnh còn được gửi đến các tổ chức phi chính phủ, đại sứ quán, cơ quan phát triển như World Bank, Cơ quan Liên Hiệp Quốc tại Việt Nam nhằm thúc đẩy sự quan tâm và hợp tác bảo tồn chợ nổi cùng với nhóm và các cơ quan địa phương.

Bảo tồn được chợ nổi

Thạc sỹ Trần Thế Như Hiệp cho biết, đề án bảo tồn chợ nổi Cái Răng đang được hoàn thiện. Dự kiến, cuối tháng 12 sẽ trình lãnh đạo thành phố phê duyệt. Trước đó, đầu tháng 11, UBND thành phố Cần Thơ tổ chức hội thảo “Bảo tồn và phát triển chợ nổi Cái Răng” để ghi nhận ý kiến đóng góp của các nhà khoa học, các ngành. Viện Kinh tế - Xã hội thành phố Cần Thơ đưa ra 3 phương án bảo tồn: giữ nguyên hiện trạng, giữ nguyên hiện trạng kết hợp có can thiệp sắp xếp điều chỉnh, di dời sang địa điểm mới. Tại hội thảo, phương án giữ nguyên hiện trạng kết hợp có can thiệp sắp xếp điều chỉnh được nhiều đại biểu đồng tình với tổng kinh phí 63,5 tỷ đồng, trong đó, nhà nước đầu tư gần 12 tỷ đồng, còn lại huy động xã hội.

Đối với phương án này, ông Hiệp cho biết, sẽ hỗ trợ người dân sống trên bè mỗi hộ 20 triệu đồng để sắp xếp lại cho mỹ quan; lắp đặt 50 phao tiêu an toàn giao thông. Ngoài ra, hỗ trợ người dân và thương hồ vay vốn kinh doanh; tuyên truyền ý thức bảo vệ môi trường, thành lập đội ghe vớt rác...

Chợ nổi về đâu?- Bài cuối: Loay hoay bảo tồn ảnh 2

Phóng viên nước ngoài tác nghiệp ở chợ nổi Cái Răng. Ảnh: Sáu Nghệ

Vài người buôn bán ở chợ nổi lại băn khoăn là “khó bảo tồn chợ nổi”. Ông Nguyễn Văn Thành, 54 tuổi, thương lái bán khoai ngọt ở chợ nổi Cái Răng hơn 20 năm, phân tích, riêng vấn đề ô nhiễm môi trường, nếu đặt nhà vệ sinh công cộng thì phục vụ thế nào? Vấn đề gom rác, với thương lái bán bắp cải chẳng hạn, trong vài tiếng buổi sáng bán cả chục tấn, nếu chặt lá bắp cải phải để trên ghe thì “chút xíu là đầy, khỏi bán”.
Tuy nhiên, nhiều người lại tin tưởng, để cuộc sống phát triển không có gì là không có giải pháp. Soạn giả Nhâm Hùng, nguyên PGĐ Nhà hát Tây Đô, cho rằng sẽ bảo tồn được khi coi trọng cả yếu tố kinh tế và văn hóa. Theo ông, nếu có can thiệp cũng phải ở “mức độ nhẹ” nhằm làm cho chợ nổi văn minh, an toàn, sạch đẹp. Không nên di dời vì kinh nghiệm của chợ nổi Ngã Bảy lừng danh một thời ở tỉnh Hậu Giang, khi dời ra xa chỗ cũ là vắng vẻ, ít ghe, tàu buôn bán. Chú trọng yếu tố văn hóa thì cần quan tâm những việc cụ thể, ông nói, chẳng hạn đầu tư đóng chiếc ghe đờn ca tài tử xứng tầm cho du khách thưởng thức, giao lưu. “Còn có thể tổ chức festival chợ nổi Cái Răng với ngày hội đấu xảo trái cây trên sông, thi đờn ca tài tử trên sông, thi tiếng rao hàng hay, khách thương hồ duyên dáng”, ông nở nụ cười hào hứng.
MỚI - NÓNG