TPO - Mượn 7 tuyến đường dân sinh tại huyện Bình Sơn để thi công cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi và cam kết sẽ hoàn trả đường tháng 10/2017, nhưng đến nay nhà thầu Giang Tô (Trung Quốc) vẫn chưa hoàn trả lại đường cho dân, trong khi các tuyến đường này xuống cấp nghiêm trọng khiến người dân bức xúc.
Sáng ngày 24/12, UBND huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi cho biết đã nhận văn bản báo cáo của Công ty TNHH Tập đoàn Công trình giao thông tỉnh Giang Tô (Trung Quốc) về kế hoạch hoàn trả đường địa phương thuộc gói thầu A3, cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi.
Từ con đường phủ nhựa đi lại bình thường, sau khi cho mượn trở thành thế này - ảnh Nguyễn Ngọc
Theo đó, ông Zhang Xiaoshe, Giám đốc dự án gói thầu A3, Công ty TNHH Tập đoàn Công trình giao thông tỉnh Giang Tô (Trung Quốc) đã thông báo đến lãnh đạo huyện Bình Sơn kế hoạch thi công chi tiết việc hoàn trả đường địa phương.
Kế hoạch chi tiết, nhà thầu Giang Tô cam kết hoàn trả 4 tuyến đường huyện và 3 tuyến đường ở xã Bình Trung, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi trong thời gian từ ngày 20/12/2019 đến ngày 6/4/2020.
Kế hoạch chi tiết, nhà thầu Giang Tô cam kết hoàn trả 4 tuyến đường huyện và 3 tuyến đường ở xã Bình Trung, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi trong thời gian từ ngày 20/12/2019 đến ngày 6/4/2020.
Tuy nhiên, vị này cho biết kế hoạch thi công có thể sẽ điều chỉnh tùy vào điều kiện thời tiết!
Thêm những chuyến xe lớn chạy qua lại khiến đường thêm hư hại nặng nề - ảnh Nguyễn Ngọc
Trước đó vào năm 2014, Ban quản lý dự án cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi cùng đơn vị thi công là Công ty TNHH Tập đoàn công trình giao thông tỉnh Giang Tô ký cam kết với huyện Bình Sơn mượn tạm 7 tuyến đường đường dân sinh của huyện Bình Sơn để thi công gói thầu A3.
Dự kiến đến tháng 10/2017, các tuyến đường sẽ được hoàn trả.
Tuy nhiên sau nhiều lần hứa hẹn, việc hoàn trả đường vẫn chưa thực hiện.
ảnh Nguyễn Ngọc
Ông Tạ Phi Anh, trú thôn Phú Lễ 1 (xã Bình Trung, huyện Bình Sơn), cho biết: “Con đường này trước đây được láng nhựa, tuy nhiên, sau khi nhà thầu mượn để phục vụ thi công cao tốc thì đường bị băm nát, phần mặt đường nhựa bong tróc chỉ còn lại đá dăm “ổ gà, ổ voi” chi chít trên mặt đường. Người dân nhiều lần phản ánh đến chính quyền địa phương nhưng không giải quyết được gì”.
“Tội mấy đứa học sinh đi học trời mưa quần áo lấm lem như đi cày, nước cũng đọng trên mặt đường khiến người dân qua lại thường xuyên té ngã, tai nạn. Trời nắng thì bụi bay khắp nhà. Chúng tôi yêu cầu joàn trả lại con đường nguyên trạng như trước cho bà con ăn Tết, chứ như thế này không ai chịu nổi”- ông Anh bức xúc.
Những cái ao lớn giữa đường - ảnh Nguyễn Ngọc
Ông Đoàn Hà Yên, Phó chủ tịch UBND huyện Bình Sơn, cho rằng: “Khi mượn 7 tuyến đường tại huyện Bình Sơn để thi công cao tốc, phía nhà thầu Giang Tô hứa sẽ hoàn trả vào 10/2017, nhưng đến nay vẫn chưa hoàn trả là quá chậm”.
“Nếu nhà thầu Giang Tô khó khăn về nhân lực, thiết bị chúng tôi sẵn sàng hỗ trợ để dân có đường đi lại ngày Tết. Chứ chúng tôi không chấp nhận nhà thầu Giang Tô tiếp tục xin khất, lùi thời gian đến sau Tết mới hoàn thành hoàn trả đường cho dân”, ông Yên nhấn mạnh.
và lầy lội - ảnh Nguyễn Ngọc
Theo ông Hoàng Việt Hưng - giám đốc Ban quản lý dự án cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi: “Nhà thầu trực tiếp đứng ra mượn đường thì phải có trách nhiệm hoàn trả. Hiện hai bên đang thỏa thuận phương án, tuy nhiên nếu hai bên không có được tiếng nói chung, phía chủ đầu tư sẽ làm theo phương án của huyện Bình Sơn. Trường hợp nhà thầu ký hợp đồng nhưng chây ỳ kéo dài không hoàn trả đường cho dân, VEC sẽ trích tiền bảo lãnh hợp đồng dự án chuyển tiền cho các địa phương sửa chữa các tuyến đường này”.
ảnh Nguyễn Ngọc
Được biết, UBND tỉnh Quảng Ngãi và huyện Bình Sơn đã có hàng chục văn bản đề nghị VEC giải quyết dứt điểm các vướng mắc liên quan đến dự án cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi. Trong đó có việc hoàn trả các tuyến đường mà địa phương cho mượn để phục vụ thi công cao tốc.
ảnh Nguyễn Ngọc
Thậm chí, UBND tỉnh Quảng Ngãi từng có văn bản cảnh báo sẽ không chịu trách nhiệm đối với trường hợp người dân cản trở giao thông trên tuyến cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi liên quan đến việc VEC chậm giải quyết vướng mắc của dự án.