Cho khiếp luôn!

TP - Ha ha ha!… Chết cười!

- Chuyện gì? Chuyện gì?

- Ơ! Cậu được tiếng là ma săn tin mà không biết chuyện gì sao? Hôm rồi trong hội thảo quốc tế “Giáo dục và phát triển nguồn nhân lực” có ông giáo sư Paul (Đại học Minnesota, Mỹ) bỗng dưng cắc cớ hỏi: “Tôi không hiểu chuyện gì đang xảy ra. Liệu có sự tác động của đầu vào, sách học thêm, tham khảo hay giáo viên dạy Toán của Việt Nam giỏi hơn các nước?”.

- Hả? Hết việc à sao mà hỏi lãng xẹc vậy? Người ta giỏi cũng ghen ăn tức ở à? Cái ông Paul này không biết cuộc khảo sát được thực hiện công khai, minh bạch, diện rộng, ngẫu nhiên à…

- Ông ấy còn nghi ngờ rằng, xếp hạng PISA tỷ lệ thuận với GDP của mỗi quốc gia và luôn có mối tương quan thuận chiều giữa kết quả PISA với mức độ sung túc. Nhưng, Việt Nam như là trường hợp ngoại lệ. Kết quả PISA của Việt Nam đã vượt ra ngoài cuộc tranh cãi chỉ quốc gia có trình độ kinh tế phát triển cao mới có nền giáo dục chất lượng…

- Thế cái ông Paul này muốn gì?

- Ông ấy nghi ngờ kết quả  do Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) công bố ngày 6/12, Việt Nam xếp thứ 8 trong 72 nước về Khoa học, thứ 22 về Toán và 32 về Đọc hiểu…

- Thế có ai lên tiếng tranh biện không?

- Đương nhiên là có! Tư lệnh ngành giáo dục nói rằng thu nhập của người dân Việt Nam không cao, nhưng Việt Nam rất đặc biệt. “Cha mẹ Việt có thể hy sinh tất cả, bán hết nhà đất, ruộng vườn để lo cho con ăn học. Đặc điểm đó ở các nước như Trung Quốc, Nhật Bản có thể có, nhưng ở châu Âu chắc không có…”.

- Chuẩn! Nghe xong chắc giáo sự Paul tâm phục khẩu phục chứ? Nếu có mình ở đó, mình cung cấp thêm cho ông í thông tin, gần 20 vạn cử nhân, cả vạn tiến sĩ lấy bằng cho oai, xong chả để làm gì cho ông ấy khiếp luôn!