Cuối năm, là thời điểm vụ cá nam bắt đầu, cũng là lúc hàng trăm tàu cá của ngư dân Núi Thành (Quảng Nam) đạp sóng ra khơi sau những ngày dài nằm bờ nghỉ đông. Những chiếc tàu mà ngư dân vẫn thường quen gọi là tàu rỗi chuyên đi thu mua cá trên biển cũng tất tả vào mùa.
Tôi theo tàu rỗi của anh Trần Duy Điền (thôn Long Thạnh, xã Tam Tiến, Núi Thành) ra biển khi hoàng hôn vừa xuống. Biển đầu mùa, sóng êm ả, con tàu từ từ rẽ sóng hướng ra khơi. Ra khỏi cửa biển An Hòa, một khung cảnh nhộn nhịp hiện ra trước mặt với hàng trăm ánh đèn từ tàu cá của ngư dân đánh bắt đêm. Biển về đêm đẹp lung linh như một thành phố thu nhỏ.
Tiền trao, cá múc
Tiến xa thêm khoảng chục hải lý, ở một tọa độ đã định sẵn, những chiếc tàu rỗi bắt đầu quần tụ lại chờ tàu cá của ngư dân đánh bắt để thu mua cá. Tiếng máy bộ đàm cũng bắt đầu nhộn nhịp. Các chủ tàu liên hệ với nhau để thông tin về sản lượng đánh bắt được. Trên những tàu rỗi đang họp chợ giữa biển, ngó quanh thấy toàn cánh đàn ông lực lưỡng. Anh Điền cho biết: Cân đo, đong đếm, ngã giá, tính tiền anh em thành thục có khi nhanh hơn cả chị em. Toàn là đàn ông nên cái gì cũng sòng phẳng, nói chắc nịch. Phải là đàn ông, chứ chị em mấy ai chịu được sóng gió giữa biển khơi, bạc mặt với biển.
Tàu anh Điền cập mạn tàu người anh trai Trần Duy Thiện. Anh Thiện lênh đênh trên biển gần tuần nay chưa một lần về nhà thăm vợ con. Cá thu mua đã gần đầy khoang lạnh, anh Thiện gắng thu mua thêm đêm nay rồi chạy vào bờ. “Nghề này là vậy, vào mùa có khi cả tháng trời không về nhà. Tàu cá bà con đánh bắt ngày đêm, mình cũng xoay như chong chóng để kịp đưa cá về bờ cho kịp tươi ngon”, anh Thiện cho hay.
Tiền trao giữa biển khơi.
Anh Nguyễn Liêm, là một trong 3 bạn góp vốn đi rỗi cá với anh Điền, thư thả ngồi bên mạn tàu vừa hút thuốc vừa thả giàn ống câu giăng xuống biển. Anh bảo, đi biển không có nghề nào là nhàn hết. Thư thái lúc này, câu cá kiếm tiền điếu đóm nhưng lát nữa thôi, sẽ tất bật với việc đong đếm, bưng vác, ướp cá, ướt sũng, lạnh cóng, thức trắng đêm. Có hôm, anh em vừa ăn vừa chạy theo con cá. “Phi thương bất phú”, nhưng buôn bán trên biển có thể cũng “phú” nhưng lại luôn bất... ổn. Làm ăn theo mùa và tùy thuộc vào giá cả thu mua ở bờ. Có hôm, thu mua cho ngư dân đưa cá vào bờ bán thấp hoặc y giá, chấp nhận lỗ tiền dầu. Chưa kể đến chuyện giông bão, sóng gió, bất an trên biển cả. “Giá cả mình đâu có định được. Chúng tôi và bà con ngư dân đều lệ thuộc vào thương lái trên bờ. Cá đâu phải như vàng, giá thấp không bán thì để làm gì”, anh Liêm cho biết.
Biển về đêm nổi sóng. Những tiếng còi tàu xé màn đêm, nhá đèn báo hiệu cho các tàu rỗi biết đã đủ cá mực. Cầm bộ đàm, anh Điền nhanh chóng liên lạc với các tàu cá, hỏi han tình hình. Một cuộc mặc cả hai bên qua bộ đàm diễn ra chóng vánh. Chủ tàu cá nói về sản lượng, chủng loại. Chủ tàu rỗi báo giá. Dứt lời, anh Điền cho tàu hướng về tàu cá đang nhá đèn.
“Nghề này cũng có luật riêng. Ví như tàu nào cập mạn tàu cá trước được quyền hét giá trước, nếu bất thành thì mới đến lượt tàu khác”, anh Điền cho hay. Chạm mạn tàu cá đầu tiên, anh Điền ra giá, chủ tàu gật đầu liền. Các tàu cá khác đến muộn đành tiếc nuối chờ tàu cá khác. Tiền trao…cá múc. Toàn bộ hải sản trên tàu cá được anh em rỗi cá và ngư dân cân đo đong đếm và chuyển qua tàu anh Điền nhanh chóng. Cá vừa mới đánh được, búng nhảy dưới ánh đèn sáng, đẹp lấp lánh.
Chợ cá đêm giữa biển khơi.
Mua cả đàn cá trong lòng đại dương
Lão ngư Lê Văn Hùng, cầm xấp tiền với nụ cười của “ngư ông đắc lợi” giữa biển khơi. “Nhờ trời. Đêm nay đánh đúng luồng cá, anh em trúng đậm. May có mấy tàu rỗi, thu mua cá anh em cũng đỡ khổ, cá mực nhanh về bờ hơn. Ngư dân ở lại biển đánh bắt được lâu hơn”, ông Hùng vui vẻ nói.
Qua nửa đêm về sáng, tàu cá kéo về đây càng nhiều, lúc này, anh emtàu rỗi không còn phải “cạnh tranh” nhau như trước nữa. Tiếng nói cười, ra giá, hỏi han xen trong tiếng máy nổ và tiếng sóng nước vỗ mạn tàu làm nên không khí thêm náo nhiệt.
Bữa ăn trên sóng của những rỗi cá.
Anh Điền cho hay, vì ngư dân cần bán gấp để tranh thủ đi đánh bắt mẻ khác nên chợ trên biển hình thành một kiểu buôn bán rất độc, rất… biển cả: mua cá khi cá còn dưới… biển. Để minh chứng, anh Điền lại rút bộ đàm liên hệ với một tàu cá, rồi quay mũi cho tàu chạy đến. Đến nơi, tàu cá vừa kéo lưới gom, cá còn nằm dưới biển, chờ lên tàu. Xung quanh 4 tàu rỗi cá vây quanh ngó nghiêng. Anh Điền, lệnh cho anh Liêm nhảy xuống xem cá. Từ dưới nước, anh Liêm và các rỗi cá ngụp lặn quanh lưới và bắt đầu đoán già đoán non về khối lượng để trên tàu chủ tàu và rỗi cá ra giá.
Cuộc giao dịch kết thúc, anh Điền được mua mớ cá bởi hét giá nhỉnh hơn các rỗi cá khác. Tiền trao, cá từ dưới biển được kéo lên đổ luôn tàu anh Điền. Mẻ cá này anh Điền và anh em rỗi cá trúng mánh. Theo ngư dân, cách buôn bán này vừa tiết kiệm thời gian vừa đảm bảo cá tươi ngon hơn.
“Cái này cũng hên xui, ông nào đoán sai thì lỗ vốn. Có hôm tưởng ít cá nhưng kéo lên cả tấn cá, chở không hết. Trúng mánh, mình cũng đưa lại cho chủ tàu cá ít đồng để giữ mối làm ăn, sẻ chia với họ. Kéo được con cá đâu có dễ”, anh Điền vừa nói vừa xẹt xẹt mấy tờ tiền “lại quả” cho chủ tàu cá vừa mua. Hai bên vui vẻ, bắt tay, rồi chào tạm biệt. “Chúc anh em thắng lớn!” tiếng một anh rỗi cá hét to át tiếng sóng, chào anh em ngư dân…
…Trắng đêm rong ruổi trên biển, tàu đầy ắp cá, anh Điền cho tàu chạy tốc lực quay vào bờ. Cập cảng khi chưa thấy rõ mặt người, nhưng chợ cảng đã đông nhộn nhịp, thương lái đứng chờ sẵn. Cá mực tươi ngon được thu mua nhanh chóng, tàu lại quay đầu hướng về biển, tiếp tục hành trình rỗi cá…