Ngày 13/6, Bệnh viện (BV) Đa khoa Quốc tế SIS Cần Thơ cho biết, vừa điều trị thành công trường hợp bé gái tên L.K.N (10 tuổi, quê ở Hậu Giang) trong tình trạng xuất huyết não.
Theo lời mẹ của N, trước khi đột quỵ, bé N đang đi học bình, đột ngột có những biểu hiện đau đầu dữ dội và ói. Cô giáo ngay lập tức gọi cho phụ huynh đến đón.
“Lúc đó mặt bé bắt đầu tái xanh, miệng nói lấp bấp, đỡ đi gần nhưng chân của con không còn đứng vững được nữa. Tôi nghĩ ngay con mình chắc là bị não rồi, phải đưa đến bệnh viện lập tức. Phải thật bình tĩnh, tôi chỉ có duy nhất một đứa con gái, không thể nào mất con được” – người mẹ nói.
Sinh ra và lớn lên như bao đứa trẻ khác, N phát triển mạnh khoẻ, học giỏi, không có bất kỳ bất thường nào. Tuy nhiên từ lúc 5 tuổi, bé lâu lâu hay kêu nhức đầu, nghĩ con gái mình chỉ do đi nắng rồi nhức đầu, rồi con bé nghỉ ngơi lát là khoẻ lại bình thường nên ba mẹ không dẫn đi kiểm tra.
Đến SIS Cần Thơ, bé N được đưa vào kiểm tra tìm ra nguyên nhân gây đột quỵ xuất huyết não, sau khi hội chẩn các bác sĩ rút ra kết luận bé bị dị dạng mạch máu não bẩm sinh, phương pháp điều trị tốt nhất cho BN lúc này là can thiệp nội mạch bằng công nghệ DSA. Sau khi được can thiệp, bé N tỉnh, da niêm hồng.
TS.BS Trần Chí Cường, Giám đốc BV Đa khoa Quốc tế SIS Cần Thơ chia sẻ, đột quỵ ở trẻ em phần lớn là xuất huyết não; nguyên nhân do vỡ dị dạng mạch máu bẩm sinh và không có bất kỳ triệu chứng nào hoặc một số ít có biểu hiện đau đầu, co giật, động kinh.
Cũng theo BS Cường, việc cuối cùng quan trọng đã giúp các bác sĩ can thiệp cho bé thành công chính là đảm bảo nguyên tắc “thời gian vàng” trong cấp cứu đột quỵ.
Vì vậy khi trẻ có triệu chứng đau đầu, co giật, động kinh… cần sớm cho trẻ đi tầm soát và để tầm soát tốt mạch máu não cho trẻ, không gây ảnh hưởng đến sức khoẻ. MRI 3 Tesla sử dụng từ trường (lực hút nam châm) là thiết bị tầm soát an toàn nhất, đưa ra hình ảnh rõ nét sớm phát hiện các dị dạng mạch máu để kịp thời điều trị ngăn ngừa đột quỵ.