Chính trị rối ren, Tổng thống Mỹ Joe Biden gọi điện trấn an các đồng minh

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Ngày 3/10, Tổng thống Joe Biden gọi điện cho các đồng minh chủ chốt để trấn an họ rằng Mỹ sẽ tiếp tục hỗ trợ Ukraine, trong bối cảnh tình trạng hỗn loạn chính trị gia tăng ở Washington khiến nỗ lực này rơi vào thế bấp bênh.
Chính trị rối ren, Tổng thống Mỹ Joe Biden gọi điện trấn an các đồng minh ảnh 1

Tổng thống Mỹ Joe Biden. (Ảnh: Reuters)

Ông Biden đã nói chuyện với các nhà lãnh đạo phương Tây để xoa dịu căng thẳng sau khi khoản hỗ trợ mới dành cho Ukraine bị loại khỏi thỏa thuận tại Quốc hội Mỹ nhằm tránh việc chính phủ phải đóng cửa.

Tuy nhiên, hy vọng của các thành viên đảng Dân chủ về dự luật mới cho Ukraine sẽ được thông qua nhanh chóng đã tan thành mây khói ngay sau khi ông Biden trấn an đồng minh, bởi phe cực hữu trong đảng Cộng hoà đã thành công với nỗ lực lật đổ Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy.

Nhà Trắng nói rằng tình trạng hỗn loạn này đe dọa cản trở công việc tại cơ quan lập pháp. Ông Biden kêu gọi cần nhanh chóng bầu chọn một chủ tịch mới để xử lý “những thách thức cấp bách mà đất nước chúng ta đang phải đối mặt”.

Ông Biden đã gọi điện cho lãnh đạo các đồng minh chủ chốt gồm Anh, Canada, Đức, Ý, Nhật Bản, Ba Lan, Romania, lãnh đạo EU, NATO, và Ngoại trưởng Pháp.

“Tổng thống Biden tái khẳng định cam kết của Mỹ trong việc hỗ trợ Ukraine trong thời gian cần thiết để bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, đồng thời các nhà lãnh đạo cũng nhắc lại cam kết của họ”, Nhà Trắng cho biết.

Tuy nhiên, chính Nhà Trắng thể hiện tính cấp bách của tình hình hiện nay.

Người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia John Kirby cảnh báo rằng nếu gói viện trợ mới không được phê duyệt, các quỹ hiện có để giúp Ukraine đối phó với Nga sẽ chỉ duy trì được "vài tháng nữa".

“Thời gian không phải là bạn của chúng tôi. Việc thiếu hụt nguồn tài trợ sẽ không chỉ gây tổn hại cho Ukraine trên chiến trường mà còn khiến Tổng thống Nga Vladimir Putin tin rằng ông ấy có thể chờ đợi chúng tôi", ông Kirby nói với các phóng viên.

Lầu Năm Góc cho biết họ chỉ có thể tiếp tục đáp ứng nhu cầu quân sự của Ukraine "một chút nữa" với ngân sách hiện có.

Mỹ đến nay vẫn là nhà tài trợ lớn nhất cho Ukraine. Washington đã cam kết hỗ trợ quân sự hơn 43 tỷ USD cho Kiev kể từ khi cuộc xung đột toàn diện nổ ra. Quốc hội đã phê duyệt tổng số viện trợ trị giá 113 tỷ USD, bao gồm hỗ trợ nhân đạo.

Văn phòng Thủ tướng Ý Giorgia Meloni cho biết, ông Biden "muốn trấn an các đồng minh về việc Mỹ tiếp tục hỗ trợ Ukraine" sau những biến động vừa qua.

Thủ tướng Anh Rishi Sunak cảm ơn Tổng thống Biden vì "sự lãnh đạo" của ông, đồng thời nói thêm rằng sự hỗ trợ của phương Tây sẽ tiếp tục "đến chừng nào còn cần thiết".

Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg "nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tiếp tục hỗ trợ Ukraine" và nói thêm rằng các thành viên của liên minh đang "chia sẻ gánh nặng một cách công bằng".

Đầu tuần này, Điện Kremlin nói rằng sự mệt mỏi của phương Tây với chiến tranh sẽ gia tăng do sự không chắc chắn về sự hỗ trợ của Mỹ cho Ukraine.

Việc viện trợ cho Ukraine có vẻ đang trở thành con tin cho chính trị Mỹ, khi chỉ còn hơn một năm nữa là đến cuộc bầu cử tổng thống. Phe cực hữu trong đảng Cộng hòa đưa việc dừng viện trợ cho Ukraine lên hàng đầu trong chương trình nghị sự của họ.

Theo AP
MỚI - NÓNG