Chính trị bế tắc, người Israel đi bầu cử lần thứ 5 trong 4 năm

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Ngày 1/11, người dân Israel đi bầu cử lần thứ 5 trong vòng 4 năm, để có thể chấm dứt tình trạng bế tắc chính trị hiện nay.
Chính trị bế tắc, người Israel đi bầu cử lần thứ 5 trong 4 năm ảnh 1

Chân dung các ứng viên thủ tướng Israel được treo ở Tel Aviv ngày 27/10. (Ảnh: Reuters)

Lần đầu tiên trong vòng 13 năm, cựu Thủ tướng Benjamin Netanyahu không tranh cử với tư cách thủ tướng đương nhiệm. Chính trị gia thường được gọi với tên Bibi này hy vọng có thể trở lại cầm quyền với tư cách người đứng đầu liên minh cánh hữu, trong khi Thủ tướng đương nhiệm Yair Lapid hy vọng có thể giữ ghế.

Nhưng nếu các cuộc thăm dò dư luận phản ánh đúng thực tế, cuộc tổng tuyển cử lần này có thể sẽ không giải quyết được tình thế bế tắc. Các cuộc thăm dò cho thấy liên minh của ông Netanyahu sẽ thiếu 1 ghế để có thể nắm đa số trong quốc hội.

Giống như 4 cuộc bầu cử trước đây, bản thân ông Netanyahu, và khả năng cả chính phủ do ông lãnh đạo, là vấn đề gây chia rẽ lớn nhất, đặc biệt khi các phiên tòa xét xử ông với tội danh tham nhũng vẫn tiếp diễn.

Một cuộc thăm dò do Viện Dân chủ Israel (IDI) thực hiện hồi tháng 8 cho thấy 1/4 người trả lời nói rằng uy tín của người đứng đầu đảng là yếu tố quan trọng thứ hai ảnh hưởng đến lá phiếu của họ.

Một số chính trị gia hàng đầu của phe trung hữu dù đồng ý với ông Netanyahu về tư tưởng nhưng vẫn từ chối làm việc với ông vì lý do chính trị hoặc cá nhân. Vì vậy, để có thể quay lại, ông Netanyahu có thể phải phụ thuộc vào sự ủng hộ của các đảng cánh hữu để thành lập liên minh. Nếu thành công, ông sẽ buộc phải nhường cho họ một số ghế bộ trưởng.

Người Israel đang rất bận tâm đến vấn đề giá cả sinh hoạt, khi hóa đơn mà họ phải thanh toán tăng vọt trong năm nay. Cũng trong cuộc khảo sát của IDI, 44% người trả lời cho biết ưu tiên lớn nhất của họ là kế hoạch kinh tế có thể giúp giảm bớt gánh nặng chi phí sinh hoạt.

Có khoảng 40 chính đảng tham gia tranh cử, dù chỉ khoảng chục đảng dự kiến có thể vượt qua ngưỡng tối thiểu để vào quốc hội.

Sau khi có kết quả bầu cử, Tổng thống Isaac Herzog sẽ trao sứ mệnh thành lập chính phủ mới cho lãnh đạo có khả năng thành công cao nhất, cho dù người đó không phải lãnh đạo của đảng lớn nhất.

Từ khi khủng hoảng chính trị bắt đầu năm 2019, ông Netanyahu không thể tạo nên một chính phủ vững chắc. Nền chính trị chia rẽ của Israel dẫn đến việc phải xây dựng chính phủ liên minh, trong khi các đồng minh cũ không muốn tiếp tục làm việc với một người đứng đầu đang bị xét xử tội tham nhũng.

Các chính đảng Ả-rập có truyền thống không tham gia chính phủ Israel, nhưng truyền thống đó bị phá vỡ từ năm ngoái, khi một đảng Hồi giáo Ả-rập tham gia vào liên minh do ông Lapid lập ra, khiến ông Netanyahu bị đánh bật ra sau 12 năm cầm quyền. Tuy nhiên, một chính phủ với những đảng có ít điểm chung đã sụp đổ chỉ sau 1 năm vì mâu thuẫn nội bộ.

Theo CNN
MỚI - NÓNG