Chỉnh trang, cải tạo, kè hồ Hoàn Kiếm: Hiện đại nhưng vẫn rêu phong

Dự án chỉnh trang, cải tạo, kè hồ Hoàn Kiếm đã phát huy được giá trị di sản, đóng góp vào việc giữ gìn kiến trúc, cảnh quan chung của Hà Nội Ảnh: Duy Phạm
Dự án chỉnh trang, cải tạo, kè hồ Hoàn Kiếm đã phát huy được giá trị di sản, đóng góp vào việc giữ gìn kiến trúc, cảnh quan chung của Hà Nội Ảnh: Duy Phạm
TP - Trao đổi với phóng viên Tiền Phong, GS.TS. KTS Nguyễn Quốc Thông, nguyên Phó Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam cho rằng, dự án cải tạo, chỉnh trang, kè hồ Hoàn Kiếm giúp di tích quốc gia đặc biệt này ngăn nắp hơn nhiều. “Tất nhiên, bờ nước mới thì có thể chưa quen mắt, nhưng sau này, khi đã nhuốm màu thời gian sẽ rêu phong và đẹp hơn”, ông Thông nói. 

Gìn giữ cây xanh, không thu hẹp hồ

Liên quan đến hạng mục kè hồ Hoàn Kiếm, đại diện Công ty (Cty) Cổ phần Khoa học công nghệ Việt Nam (Busadco) cho biết, Cty đã thi công trong 65 ngày, vượt trước thời hạn chủ đầu tư đặt ra gần 1 tháng. Để làm được việc này, đơn vị đã bố trí 15 tổ với 356 người, thi công trên tổng mặt bằng tuyến kè theo 4 mũi, chia 2 ca ngày và đêm. Sau ca thi công phải dọn dẹp mặt bằng thi công sạch sẽ, trả lại vỉa hè phục vụ nhu cầu sử dụng của người dân và du khách. Trước khi thi công, công nhân phải rải, đặt các bao cát cao 20 cm nối tiếp nhau tạo thành thảm cát để bảo vệ mặt đá vỉa hè, chống gãy nứt và lún sụt cục bộ đất nền.

Đặc biệt, trong quá trình thi công, Hà Nội yêu cầu phải bảo vệ cây di sản. Đây là công tác đặc biệt quan trọng. Vì thế, khi thi công đến gần các gốc cây, phía đơn vị thi công đều phải tiến hành neo cành cây bằng cáp, giằng giữ theo nhiều hướng khác nhau; tiến hành chống và đỡ cây bằng các cột sắt, cọc tre đẩy các cành cây sang phía an toàn để mở đường đưa cấu kiện vào vị trí thi công.

Sau khi thi công dùng chế phẩm sinh học giúp cây hồi phục và tăng trưởng. Bên cạnh đó, đảm bảo tiêu chí không xâm lấn diện tích lòng hồ, đơn vị thi công tiến hành rất cẩn trọng công tác trắc địa để xác định vị trí đặt kè đảm bảo không xâm phạm vào mốc di sản, không thu hẹp lòng hồ.

Đây là công đoạn không được phép sai lệch dù chỉ là 1cm. Ngoài ra, để đáp ứng yêu cầu khắt khe về môi trường, bảo vệ an toàn cho hệ thủy sinh, vi sinh, trước khi thi công, đơn vị cắm cọc tre, quây bạt để đảm bảo nước tại vị trí thi công không loang ra ngoài hồ. Riêng về cấu kiện kè đúc sẵn cốt sợi, việc không dùng thép sẽ giúp kè chống thấm, chống ngấm, chịu được tác động của môi trường xung quanh.

Cùng với kè hồ, dự án xây dựng, cải tạo, chỉnh trang khu vực xung quanh hồ Hoàn Kiếm cũng được tiến hành. Cụ thể, Cty CP Đầu tư, Thương mại và Xây dựng đô thị Hà Nội triển khai thay thế hoàn toàn bó vỉa của các đường dạo ven hồ bằng đá granit màu xám; thay thế nền vỉa hè cũ bằng đá granit, mặt sần chống trơn.

Bố trí các vị trí lên xuống hè - đường đảm bảo mọi đối tượng đều sử dụng được, đặc biệt là người khuyết tật, trẻ em, người già. Cùng với đó, đơn vị cũng cải tạo hệ thống đường dạo trong các vườn hoa xung quanh hồ gồm: Chỉnh trang hệ thống đường dạo vườn hoa; sửa chữa, mở rộng, bổ sung một số đoạn đường dạo sát mép hồ đảm bảo tiêu chuẩn lối đi bộ; sắp xếp lại các vị trí ghế ngồi khu vực xung quanh hồ…

Mở ra không gian mới

Trao đổi với phóng viên Tiền Phong, GS.TS. KTS Nguyễn Quốc Thông, nguyên Phó Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam cho rằng, hai dự án đã tạo nên một không gian hồ Gươm đồng nhất về mặt ngôn ngữ kiến trúc, loại bỏ cảm giác chắp vá. “Bây giờ có các lớp cây xanh từ bên ngoài đi vào mặt hồ. Thảm xanh, thảm hoa tương đối mạch lạc, nó không mất đi không gian xanh quen thuộc ở hồ Gươm mà còn ngăn nắp hơn, có quy hoạch hơn và nhẹ nhàng hơn, không rối”, ông Thông nhận xét.

Chỉnh trang, cải tạo, kè hồ Hoàn Kiếm: Hiện đại nhưng vẫn rêu phong ảnh 1  Việc cải tạo hồ Hoàn Kiếm đã nâng cao vai trò của bảo tồn, phát huy được giá trị di sản - Ảnh: Duy Phạm

Cũng theo ông Thông, sau khi chỉnh trang, không gian dành cho sinh hoạt của người dân được khẳng định hơn, nhiều hơn. “Ở đây thể hiện một sự đầu tư bền vững. Đầu tư đồng bộ và chắc chắn, không phải làm nhất thời. Nhân dịp này, các đơn vị cũng đã loại trừ đi tất cả những chi tiết trang trí không phù hợp để đơn giản và đẹp hơn”, ông Thông nói thêm.

Liên quan đến một số ý kiến cho rằng, kè hồ Gươm khiến cảm giác rêu phong không còn, ông Thông cho rằng, lúc mới làm sẽ thấy mới, nhưng qua thời gian sẽ rêu phong như cũ và đẹp hơn. Ông Thông cũng đánh giá cao việc giữ được nguyên trạng hệ thống cây xanh quanh hồ, đó là thành công lớn của dự án. “Sắp tới có thêm cột mốc số 0 nữa thì việc cải tạo, chỉnh trang hồ Hoàn Kiếm sẽ thêm toàn diện. Chuẩn nhất là nên đặt vị trí cột mốc số 0 ở khu vực trước cửa tượng đài Lý Thái Tổ”, ông Thông chia sẻ thêm.

Đánh giá về dự án, Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Phạm Tuấn Long cho biết: “Với nhiệm vụ trọng trách do lãnh đạo thành phố giao, quận Hoàn Kiếm đã chuẩn bị kỹ lưỡng để triển khai dự án. Vượt qua khó khăn thời tiết mùa mưa bão, mặt bằng thi công phức tạp vì liên quan đến nhiều đơn vị quản lý về hạ tầng kỹ thuật, đến nay dự án đã hoàn thành theo tiến độ đề ra.

Trong quá trình thi công, chúng tôi nhận được rất nhiều ý kiến từ các chuyên gia, người dân Thủ đô cho thấy sự quan tâm đặc biệt của cộng đồng đối với dự án này. Các kiến nghị trên đã được tiếp thu, được các đơn vị thi công điều chỉnh kịp thời và phù hợp, để hồ Hoàn Kiếm là điểm đến hấp dẫn của du khách”.

Ông Nguyễn Trọng Kỳ Anh, Phó Giám đốc Sở QH&KT Hà Nội:

"Dự án chỉnh trang, cải tạo, kè hồ Hoàn Kiếm được triển khai kỹ lưỡng, khoa học, đạt chất lượng cao, cơ bản không làm thay đổi giá trị đặc trưng về không gian, cảnh quan, giữ nguyên được hiện trạng nền đất tự nhiên và cây xanh. Việc cải tạo đã nâng cao vai trò của bảo tồn, phát huy được giá trị di sản, đóng góp vào việc giữ gìn kiến trúc, cảnh quan chung của thành phố. Sau khi dự án hoàn thiện, người dân và du khách đến hồ Hoàn Kiếm sẽ được thụ hưởng trọn vẹn giá trị đặc trưng về lịch sử, văn hoá của khu vực...".

MỚI - NÓNG
Lưu ý để đi tàu metro số 1 TPHCM miễn phí
Lưu ý để đi tàu metro số 1 TPHCM miễn phí
TPO - Đơn vị vận hành tuyến metro số 1 dự kiến từ ngày 1/1/2025 đến ngày 9/1/2025 sẽ hoàn thành tính năng đọc thẻ căn cước, căn cước công dân (CCCD) gắn chíp. Người dân có thể sử dụng thẻ CCCD gắn chip quét thẻ tại thiết bị đầu đọc ở các cổng soát vé để đi tàu điện metro số 1 trong giai đoạn miễn phí.