Ông Phan Văn Thắng, Phó TGĐ Cty CP Đèo Cả - nhà đầu tư hầm Hải Vân cho biết, sau khi Bộ GTVT cho gộp chung dự án BOT hầm Hải Vân và BOT Phước Tượng - Phú Gia cùng thu phí thu hồi vốn đầu tư tại trạm thu phí BOT Bắc Hải Vân, nhà đầu tư sẽ tăng mức phí qua trạm từ 27/9.
Theo đó, Bộ GTVT cho phép nhà đầu tư thu mức tối đa 90.000 đồng/lượt xe, nhưng trước mắt trong năm 2019 và 2020, chỉ thu ở mức 70.000 đồng/lượt xe dưới 12 chỗ ngồi (tăng 35.000 đồng/lượt xe so với mức thu hiện nay). Trong đó, 35.000 đồng/xe sẽ được chuyển cho nhà đầu tư BOT Phước Tượng - Phú Gia.
“Nhà đầu tư đã cân nhắc mức thu phí dịch vụ để hài hòa lợi ích của Nhà nước, nhà đầu tư và người dân”, ông Thắng nói, và cho biết với những phương tiện đăng ký hoạt động trong phạm vi Thị trấn Lăng Cô (tỉnh Thừa Thiên Huế) được miễn phí 100%.
Ngoài ra, nếu chủ phương tiện không muốn trả phí qua hầm Hải Vân có thể lựa chọn đi đường đèo Hải Vân cũ sẽ không mất phí.
Theo ông Thắng, Đèo Cả đã đầu tư 900 tỷ đồng để sửa chữa, nâng cấp hầm Hải Vân 1. Đồng thời, 3 năm qua đã bỏ them khoảng 400 tỷ đồng cho công tác vận hành, duy tu hầm Hải Vân (khoản tiền đáng ra do ngân sách nhà nước phải đảm bảo).
Dự án sửa chữa, nâng cấp hầm Hải Vân 1 theo hình thức BOT, được Bộ GTVT cho phép thu phí để thu hồi vốn tại trạm thu phí BOT Nam Hải Vân từ năm 2017. Tuy nhiên, do trạm Bắc Hải Vân (thu phí thu hồi vốn dự án hầm Phước Tượng - Phú Gia) chỉ cách trạm thu phí Nam Hải Vân khoảng 12km, nên từ đó tới nay trạm Nam Hải Vân không thực hiện thu phí.
Do đó, để giải quyết, Bộ GTVT cho phép 2 dự án trên cùng thu phí tại trạm BOT Bắc Hải Vân.
Đồng thời, theo Thông tư 60 của Bộ GTVT về mức phí hầm cao hơn mức phí đầu tư làm đường bộ.
Về dự án Hầm Hải Vân 2, Tập đoàn Đèo Cả cho biết đến nay đã thông hầm. Dự kiến giữa năm 2020 hầm Hải Vân 2 sẽ đi vào hoạt động.