Chính thức bỏ bộ máy Quỹ bảo trì đường bộ

Bỏ bộ máy quản lý Quỹ bảo trì đường bộ nhưng việc thu phí bảo trì đường bộ theo đầu phương tiện vẫn được tiến hành bình thường.
Bỏ bộ máy quản lý Quỹ bảo trì đường bộ nhưng việc thu phí bảo trì đường bộ theo đầu phương tiện vẫn được tiến hành bình thường.
TPO - Với Nghị định 09/2020 vừa được Thủ tướng ký ban hành, quy định về bộ máy hoạt động của Quỹ bảo trì đường bộ trung ương và địa phương sẽ được bãi bỏ, nhưng việc thu phí sẽ vẫn được tiến hành và phân bổ hàng năm theo ngân sách.

Theo đó, quy định mới bãi bỏ 3 văn bản quy phạm pháp luật về Quỹ bảo trì đường bộ, gồm: Nghị định 18/2012 về Quỹ bảo trì đường bộ; Nghị định 56/2014 sửa đổi, bổ sung Nghị định 18; Nghị định 28/2016 sửa đổi, bổ sung Nghị định 56.

Chính phủ giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ GTVT quy định việc thu, nộp và sử dụng phí sử dụng đường bộ thu qua đầu phương tiện ô tô thống nhất trong cả nước (bao gồm cả đường bộ thuộc trung ương quản lý và đường bộ thuộc địa phương quản lý) theo pháp luật về phí, ngân sách nhà nước. 

Phí sử dụng đường bộ thu qua đầu phương tiện ô tô (sau khi trừ đi chi phí tổ chức thu) được nộp toàn bộ vào ngân sách trung ương, sử dụng để quản lý, bảo trì đường bộ.

Bộ GTVT chủ trì xây dựng phương án phân chia nguồn thu phí sử dụng đường bộ nộp ngân sách trung ương cho công tác quản lý, bảo trì hệ thống quốc lộ và đường địa phương; nguyên tắc, tiêu chí phân chia nguồn thu phí sử dụng đường bộ dành cho công tác quản lý, bảo trì đường địa phương cho từng địa phương, gửi Bộ Tài chính báo cáo Chính phủ xem xét, trình cấp có thẩm quyền quyết định để thực hiện từ năm 2021.

Bộ GTVT thực hiện xử lý các vấn đề về tổ chức, hoạt động, tài chính của Quỹ bảo trì đường bộ Trung ương, UBND cấp tỉnh thực hiện xử lý các vấn đề về tổ chức, hoạt động, tài chính của Quỹ bảo trì đường bộ địa phương theo quy định của pháp luật khi Nghị định này có hiệu lực thi hành.

Nghị định có hiệu lực thi hành từ ngày 1/3/2020 và áp dụng từ năm tài chính 2020.

Trước đó, theo quy định tại Nghị định 18/2012, Quỹ bảo trì đường bộ được thu theo đầu phương tiện (cả ô tô và xe máy, sau đó bỏ thu với xe máy). Số tiền quỹ thu được sẽ do Hội đồng quản lý Quỹ bảo trì đường bộ Trung ương quyết định phân bổ, theo nguyên tắc 70% để bảo trì các tuyến quốc lộ, 30% phân bổ về các địa phương để bảo trì các tuyến đường địa phương. Điều này dẫn tới phát sinh bộ máy quản lý Quỹ bảo trì đường bộ trung ương và địa phương, tạo cơ chế “xin – cho” giữa cấp trung ương và địa phương. 

Khi Luật ngân sách nhà nước và Luật phí và lệ phí có hiệu lực, Bộ GTVT đã có văn bản báo cáo và được Chính phủ đồng ý giải thể Hội đồng quản lý Quỹ bảo trì đường bộ Trung ương và địa phương. Bộ GTVT cũng định hướng sẽ sắp xếp bộ máy của Văn phòng Quản lý Quỹ bảo trì đường bộ Trung ương về Tổng cục Đường bộ.

Quỹ Bảo trì đường bộ hoạt động từ năm 2013, ban đầu thu cả ô tô và xe máy, nhưng sau đó do thu xe máy khó nên chỉ thực hiện thu với ô tô qua các lần đăng kiểm. Từ khi đi vào hoạt động, Quỹ liên tục tăng trưởng, từ hơn 5.435 tỷ đồng năm 2013, lên hơn 7.047 tỷ đồng năm 2017. Ngoài ra, mỗi năm ngân sách nhà nước cấp bổ sung bình quân thêm khoảng 3.000 tỷ đồng. Năm 2019, Quỹ dự kiến thu được khoảng 7.500 tỷ đồng. Trong đó, đa phần Quỹ dùng bảo trì các tuyến Quốc lộ, phần phân bổ về Quỹ địa phương chỉ khoảng 2.000 tỷ đồng/năm, trong đó phân bổ  chủ yếu về Hà Nội và TPHCM ( những địa phương nhiều ô tô).

MỚI - NÓNG
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
TPO - “Ban Quản lý dự án 2 chịu hoàn toàn mọi trách nhiệm trước Bộ Giao thông vận tải, Cục Đường bộ Việt Nam và pháp luật nếu để xảy ra mất an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông, ùn tắc giao thông mà nguyên nhân không sửa chữa kịp thời hoặc chậm trễ khắc phục các tồn tại của dự án”, văn bản Khu Quản lý đường bộ III nêu.