Năm 1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc. Từ đó phong trào thi đua yêu nước đã phát triển ngày càng mạnh mẽ, sâu rộng, góp phần quan trọng động viên sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân, hoàn thành sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước và giành được những thành tựu to lớn trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Trong thời kỳ đổi mới, hội nhập và phát triển, cộng đồng doanh nghiệp, đội ngũ doanh nhân Việt Nam đã tích cực hưởng ứng các phong trào thi đua, ngày càng khẳng định vai trò nòng cốt, tiên phong trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước. Doanh nghiệp là bộ phận quan trọng tạo ra của cải cho xã hội, tạo việc làm và sự thịnh vượng của quốc gia.
Ở nhiều nước trên thế giới có những doanh nghiệp lớn trở thành biểu tượng và niềm tự hào cho quốc gia. Việt Nam cũng ngày càng có nhiều doanh nghiệp, doanh nhân tiêu biểu mang thương hiệu Việt đến với thế giới.
Hiện nay, nước ta có gần 600 nghìn doanh nghiệp đang hoạt động, riêng 9 tháng đầu năm 2016, đã có thêm 91 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới. Đây là tín hiệu rất đáng mừng, thể hiện chủ trương cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, khuyến khích khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, phát triển doanh nghiệp của Chính phủ đã từng bước đi vào cuộc sống, tạo được niềm tin trong kinh doanh. Chúng ta sẽ phấn đấu đến năm 2020 cả nước có trên 1 triệu doanh nghiệp. Và không chỉ tăng nhanh về số lượng mà chất lượng hoạt động của doanh nghiệp cũng phải được cải thiện mạnh mẽ.
Việt Nam đang bước vào giai đoạn mới đòi hỏi nền kinh tế phải có một bước chuyển căn bản về chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh để hội nhập thành công và phát triển bền vững. Chính phủ đang quyết liệt tái cơ cấu nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, không thể tiếp tục tư duy, cách làm cũ, không thể chỉ phát triển dựa trên khai thác tài nguyên thiên nhiên hay lao động giá rẻ. Việt Nam cần phát triển ở trình độ cao hơn, bước lên nấc thang cao hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu. Đó là sự phát triển chủ yếu dựa trên đổi mới sáng tạo, dựa trên công nghệ tiên tiến và năng suất cao. Để làm được điều này, các doanh nghiệp Việt Nam phải đóng vai trò nòng cốt, tận dụng được những thời cơ thuận lợi do hội nhập quốc tế, làn sóng toàn cầu hóa và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 mang lại.
Ngày nay, quốc gia nào có nhiều doanh nghiệp tham gia được các chuỗi giá trị toàn cầu thì quốc gia đó thu được nhiều lợi ích trong hội nhập kinh tế quốc tế. Để tham gia được vào chuỗi giá trị toàn cầu, đòi hỏi doanh nghiệp phải hoạt động sản xuất kinh doanh bài bản, chuyên nghiệp, đúng pháp luật, bắt nhịp được những chuẩn mực của khu vực và quốc tế, đòi hỏi doanh nhân phải năng động sáng tạo, có kiến thức, có bản lĩnh chính trị và dám đương đầu với hội nhập để vươn ra biển lớn. Chính phủ sẽ làm hết sức mình để các doanh nghiệp Việt Nam có thể lớn mạnh trên sân nhà, vươn ra thế giới và thành công. Chính phủ mong các doanh nhân, doanh nghiệp cũng khát khao như vậy, sẽ nỗ lực làm giàu văn minh, phát huy tinh thần doanh nhân, tinh thần sáng tạo, trách nhiệm xã hội để xây dựng Việt Nam ta giàu có, thịnh vượng.
Chủ trương của Chính phủ đối với phát triển doanh nghiệp trong bối cảnh hội nhập sâu rộng hiện nay là: Nuôi dưỡng, hỗ trợ doanh nghiệp Việt có năng lực cạnh tranh trên thương trường quốc tế; hình thành được các sản phẩm, thương hiệu Việt danh tiếng, mang tầm khu vực và thế giới; tăng cường hợp tác liên kết khu vực doanh nghiệp trong nước và khu vực FDI; thúc đẩy các doanh nghiệp tham gia chuỗi giá trị và mạng phân phối toàn cầu. Sản xuất kinh doanh hiệu quả đi liền với bảo vệ môi trường.
Để cụ thể hóa chủ trương này của Chính phủ, tôi đề nghị các Bộ, ngành, địa phương thực hiện “3 đồng hành, 5 hỗ trợ” đối với doanh nghiệp mà không trái với điều ước quốc tế và phù hợp với nguồn lực của đất nước ta.
Ba đồng hành là:
(1) Đồng hành đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh.
(2) Đồng hành trong hoàn thiện thể chế pháp luật trên các lĩnh vực như: xuất nhập khẩu, thuế, đất đai, xây dựng, tín dụng, đầu tư, vv… đảm bảo công khai, minh bạch, giảm chi phí cho người dân, doanh nghiệp; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp.
(3) Đồng hành xây dựng và thực hiện tốt cơ chế đối thoại, tham vấn ý kiến của doanh nhân, nhất là trong quá trình xây dựng, tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành, lĩnh vực, phát triển kinh tế vùng và địa phương. Tiếng nói của doanh nghiệp sẽ được chính quyền các cấp và Thủ tướng Chính phủ lắng nghe thường xuyên và yêu cầu thực hiện kịp thời, đúng pháp luật.
Năm hỗ trợ là:
(1) Hỗ trợ khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo.
(2) Hỗ trợ nâng cao hiệu quả hoạt động, trong đó chú trọng nâng cao năng lực quản trị, mở rộng thị trường, áp dụng khoa học, kỹ thuật và công nghệ thông tin, nâng cao năng suất lao động.
(3) Hỗ trợ tạo môi trường thuận lợi, bảo đảm quyền kinh doanh, bình đẳng tiếp cận nguồn lực và cơ hội kinh doanh.
(4) Hỗ trợ xây dựng thương hiệu sản phẩm gắn với doanh nghiệp.
(5) Hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực.
Đề nghị các Bộ, ban, ngành, địa phương và Hội đồng Thi đua khen thưởng các cấp tiếp tục đổi mới công tác thi đua khen thưởng, tôn vinh và nhân rộng các doanh nghiệp, doanh nhân tiêu biểu, có cách làm hay, sáng tạo, hiệu quả, có đóng góp lớn cho xã hội.
Mỗi doanh nghiệp, doanh nhân hãy phát huy tinh thần yêu nước, tự tôn dân tộc, chung sức đồng lòng, đoàn kết, thể hiện bản lĩnh, trí tuệ, tập hợp thành sức mạnh thời đại của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam nỗ lực vượt qua các khó khăn, thách thức để tiếp tục khởi nghiệp và phát triển bền vững, làm giàu cho mình, vì sự lớn mạnh của cộng đồng doanh nghiệp, vì sự thịnh vượng của đất nước trong xu thế hội nhập quốc tế hiện nay. Hãy cùng thực hiện tốt lời dạy của Bác Hồ kính yêu “Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua”, coi đó là động lực liên kết doanh nhân Việt, đoàn kết, đổi mới sáng tạo đưa doanh nghiệp phát triển và hội nhập thành công