Trên không, chiến đấu cơ Nga vẫn ngày đêm dội bom Aleppo. Dưới đất, lực lượng dân quân Iraq và Lebanon được các cố vấn người Iran hỗ trợ đang tiến công nhanh chóng. Trong khi đó, phiến quân Syria do Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ, Arab Saudi và Qatar hậu thuẫn thì không chịu thoái lui, một mực cố thủ. Lực lượng người Kurd có mối quan hệ đồng minh với cả Washington và Moscow lại lợi dụng hỗn loạn để mở rộng lãnh thổ. Tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) đang chiếm đóng vài ngôi làng nhỏ trong vùng, theo Washington Post.
Mặc dù bản thỏa thuận ngừng bắn tạm thời cho Syria dự kiến được thực hiện vào cuối tuần này nhưng xung đột chẳng những không giảm bớt mà còn có dấu hiệu leo thang. Thổ Nhĩ Kỳ cuối tuần trước còn nã pháo vào các vị trí do người Kurd nắm giữ ở biên giới Syria. Thủ tướng nước này, ông Ahmet Davutoglu, khẳng định sẽ không dừng chiến dịch trên.
Vòng xoáy bất ổn
Xung đột Syria từ lâu đã bị biến thành một cuộc chiến tranh ủy nhiệm khi mà các cường quốc thế giới can dự vào tình hình chiến sự ở khu vực và hậu thuẫn những phe phái đối lập chống lại lẫn nhau. Nhưng có lẽ chưa bao giờ nguy cơ bùng phát một cuộc chiến tranh thu nhỏ lại cận kề đến thế tại chiến trường Aleppo, quan sát viên Liz Sly từ Washington Post nhận xét.
Thủ tướng Nga Dmitri Medvedev hôm 13/2 tại Hội nghị An ninh Munich tuyên bố thế giới đã bị đẩy vào một cuộc "Chiến tranh Lạnh mới" bởi quan hệ căng thẳng giữa Nga và phương Tây.
"Ở đó đang tồn tại một vòng xoáy bất ổn an ninh mà chúng ta chưa thể kiểm soát", nhà cố vấn chính trị Salman Shaikh bình luận. "Điều chúng ta đang nhìn thấy là một cuộc đấu tranh giành quyền lực cổ điển, đầy phức tạp, có thể dẫn tới một tình thế vô cùng nguy hiểm".
Hiện tại, tâm điểm của cuộc chiến nằm ở khu vực nông thôn bên trong Aleppo, một vùng đất canh tác rộng lớn, điểm xuyết trên đó là những ngôi làng hay thị trấn bị phá hủy từng ngày bởi các cuộc oanh kích không ngừng nghỉ của Nga. Người dân địa phương cho hay cường độ không kích gia tăng đáng kể từ khi các cường quốc thế giới thông qua bản thỏa thuận ngừng bắn cho Syria hôm 12/2.
Giới chuyên gia nhận định Nga dường như muốn dồn sức để tiêu diệt các phiến quân đóng tại đây. Nếu thành công, đó sẽ là đòn quyết định giúp chấm dứt phong trào nổi dậy chống chính quyền Tổng thống Syria Bashar al-Assad kéo dài suốt 5 năm qua ở Syria.
Nhưng hơn thế, các cuộc tấn công ở Aleppo sẽ là bằng chứng cho thấy tầm vóc của Moscow với tư cách một cường quốc khu vực có sức mạnh vượt trội tại trái tim Trung Đông.
Nhiều quan chức phương Tây và các nhóm đối lập ở Syria cáo buộc những cuộc oanh kích của Nga chủ yếu nhằm vào các phiến quân Mỹ hậu thuẫn và coi là ôn hòa. Còn Nga khẳng định chỉ công kích IS và "các nhóm khủng bố khác".
Đống đổ nát còn lại sau một cuộc không kích của Nga ở Aleppo. Ảnh: Reuters
Bên cạnh đó, các chiến dịch tấn công do dân quân Iraq và Lebanon triển khai đang góp phần mở rộng phạm vi ảnh hưởng của Iran, từ khu vực truyền thống của người Shiite sang cả những vùng đất của người Sunni.
Quân đội chính quyền Tổng thống Assad khẳng định họ đã giành nhiều thắng lợi quan trọng ở Aleppo nhưng theo các phiến quân, chuyên gia quân sự và những đoạn video được chính các tay súng đăng tải, phong trào Hezbollah của Lebanon, Lữ đoàn Badr của Iraq, phong trào Harakat al-Nujaba cùng một số nhóm dân quân Iraq khác được Iran hậu thuẫn mới là lực lượng đạt nhiều bước tiến quan trọng.
Trong khi đó, các vùng nông thôn ở Aleppo đang dần trở nên vắng vẻ hơn. Hàng chục nghìn người đã phải kéo về hướng bắc, tìm đến khu vực biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ để tránh không kích. Nhưng họ không thể vượt qua biên giới bởi chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ đang thi hành một chính sách cứng rắn nhằm hạn chế người di cư đổ vào quốc gia này nhằm tìm đường sang châu Âu.
Theo Mohammed Najjar, cư dân tại thị trấn Marae, nằm ở trung tâm của khu vực nông thôn đang xảy ra tranh chấp, chỉ khoảng 5% người dân sống tại đây quyết định bám trụ. Gia đình, họ hàng Najjar đã mất tổng cộng 15 ngôi nhà kể từ lúc các cuộc tấn công trở nên dồn dập ở Aleppo hai tuần trước.
Chuyên gia Emile Hokayem từ Viện nghiên cứu Chiến lược Quốc tế cáo buộc chính quyền Syria đuổi người dân khỏi nhà của họ. "Họ đang 'dọn dẹp' những khu vực mà họ cảm thấy lòng trung thành của người dân không còn có thể phục hồi", ông Hokayem nói. "Đây là cách dễ dàng và rẻ tiền để giành lãnh thổ hơn là thu phục nhân tâm".
Đối với Thổ Nhĩ Kỳ, nỗi lo lắng lớn nhất hiện nay là việc cộng đồng người Kurd đang ngày càng trở nên đông đúc ở khu vực biên giới. Ước mơ độc lập của nhóm người này sẽ có nhiều cơ hội trở thành hiện thực hơn nhờ tình hình chiến sự hỗn loạn ở Syria.
Các Đơn vị Bảo vệ Nhân dân (YPG) người Kurd đã lợi dụng những cuộc không kích của Mỹ ở miền đông Syria để mở rộng lãnh thổ chiếm giữ tới tận vùng biên giới phía bắc. YPG nay lại tiếp tục dựa vào đòn không kích của Nga xung quanh Aleppo để kiểm soát lãnh thổ từ thị trấn Afrin về phía đông. Mục tiêu của người Kurd là liên kết hai vùng đất này thành một.
YPG là đồng minh thân cận của Mỹ trong các chiến dịch tấn công IS ở Syria. Tuy nhiên, Ankara lại coi YPG như một phần của đảng Công nhân người Kurd (PKK), lực lượng phát động phong trào nổi dậy đòi thiết lập khu tự trị suốt nhiều năm qua ở Thổ Nhĩ Kỳ. Chính vì thế, sự mở rộng của YPG đã trở thành nguồn cơn gây bất đồng giữa Washington và Ankara.
Hiện tại, các tay súng thuộc liên minh người Kurd và người Arab do YPG dẫn dắt đang áp sát thị trấn biên giới Azaz, nơi kiểm soát cửa ngõ lớn nhất giữa Syria và Thổ Nhĩ Kỳ.
Vị trí thị trấn Azaz. Đồ họa: BBC
Thổ Nhĩ Kỳ cuối tuần trước bắt đầu nã pháo vào hai ngôi làng và một căn cứ không quân mà lực lượng người Kurd vừa chiếm được. Để trả đũa, YPG cũng bắn phá vào một căn cứ quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ, theo thông báo mà Ankara đưa ra.
Phó tổng thống Mỹ Joe Biden hôm 13/2 trong cuộc điện đàm với Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Davutoglu đã thúc giục Ankara ngừng pháo kích. Trong một diễn biến liên quan, Bộ Ngoại giao Mỹ cũng kêu gọi người Kurd "không lợi dụng tình thế rối loạn để chiếm thêm những phần lãnh thổ mới".
Thổ Nhĩ Kỳ không mong xảy ra một cuộc chiến tranh ở Syria nhưng nguy cơ xung đột leo thang ngoài ý muốn là có thật, Faysal Itani từ Hội đồng Đại Tây Dương, trụ sở ở Washington, nhận xét.
Căng thẳng giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ, một thành viên của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt sau vụ việc Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi chiến đấu cơ Su-24 Nga gần biên giới Syria hồi tháng 11 năm ngoái. Lúc này, chỉ một tính toán sai lầm nhỏ cũng có thể khiến Moscow phản ứng bằng các động thái quân sự cứng rắn.
"Thổ Nhĩ Kỳ đang phải chịu áp lực rất lớn", ông Itani bình luận.
Mặt khác, Arab Saudi đã bàn tới khả năng gửi bộ binh tới Syria. Điều này làm dấy lên những nghi ngờ về việc Arab Saudi đang tiến hành những bước chuẩn bị để hỗ trợ Thổ Nhĩ Kỳ.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Ngoại giao Arab Saudi Adel al-Jubeir hôm qua cho biết Riyadh sẽ chỉ triển khai đặc nhiệm tới khu vực khi Mỹ cảm thấy rằng điều động bộ binh là việc làm cần thiết để chống lại IS. "Vì thế, chúng tôi không phải bên có thể quyết định thời điểm", ông al-Jubeir nhấn mạnh.