Chiến lược khôn khéo của Manila

Chiến lược khôn khéo của Manila
TP - Một số nhà phân tích chính trị nhận định, trong các cuộc đụng độ trên biển giữa Philippines và Trung Quốc ở khu vực bãi cạn Scarborough, Philippines đã sử dụng chiến thuật trì hoãn, dường như copy lại chiến thuật của một vị tướng thời La Mã.

> Trung Quốc cảnh giác cao về đảo tranh chấp

Chiến thuật trì hoãn có vẻ đang giúp Manila thắng thế trước Bắc Kinh, theo nhận định của tạp chí Foreign Policy (Mỹ).

Một đảo nhỏ thuộc bãi Scarborough (Ảnh: top8trends.com)
Một đảo nhỏ thuộc bãi Scarborough. (Ảnh: top8trends.com).

Tác giả James Holmes (*) viết: “Quintus Fabius, chiến tướng La Mã hồi thế kỷ thứ 3 trước Công nguyên, với biệt danh Người trì hoãn dù qua đời từ lâu vẫn có thể gợi ý cho Tổng thống Philippines Benigno Aquino III về chiến lược, đối sách về bãi cạn Scarborough, một khu vực cả Philippines và Trung Quốc cùng tuyên bố chủ quyền”. Tàu các loại của hai nước đối đầu nhau tại khu vực này hơn một tháng nay.

Đầu tháng 4, tàu chiến chủ chốt của Philippines Gregorio del Pilar phát hiện một số thuyền cá Trung Quốc hiện diện ở khu vực bãi cạn Scarborough. Đây là một tập hợp đảo đá nhỏ bao quanh một khu vực đầm phá cách đảo Luzon của Philippines 120 hải lý về phía tây.

Truyền thông Philippines ngày 20-5 dẫn tin của Duowie News (Đài Loan) rằng, Trung Quốc đã triển khai năm tàu chiến tới gần lãnh hải Philippines, gồm hai tàu khu trục Type-052B, hai tàu khu trục Type-054A và một tàu vận tải đổ bộ Type-071. Năm tàu này đang làm nhiệm vụ huấn luyện ở một vị trí không xác định gần Philippines, song có thể được điều đến hỗ trợ các tàu ngư chính của Trung Quốc xung quanh bãi cạn Scarborough trong trường hợp tình trạng đối đầu ở khu vực này leo thang.

Lực lượng của Philippines phát hiện trên các thuyền cá Trung Quốc có san hô, sò khổng lồ, cá mập sống và chuẩn bị bắt giữ các thuyền viên vì tội đánh bắt trái phép trong vùng nước mà Philippines tuyên bố chủ quyền.

Trong vòng 48 giờ, một số tàu hải giám của Trung Quốc xuất hiện tại khu vực bãi cạn và neo đậu chắn giữa tàu Gregorio del Pilar và các thuyền cá.

Manila nhanh chóng rút tàu chiến về và để đối phó với lực lượng hải giám Trung Quốc (về danh nghĩa là không thuộc hải quân Trung Quốc, nghĩa là phi quân sự), Philippines tung ra một tàu tìm kiếm cứu nạn của lực lượng bảo vệ bờ biển.

Bởi Manila hiểu rằng sẽ thật là yếm thế trong ngoại giao nếu những hình ảnh tàu chiến Philippines hiên ngang trong khi những tàu dân sự Trung Quốc nằm trong tầm đại bác của nó xuất hiện trên truyền thông thế giới. Nhưng khi hai bên đều dùng tàu dân sự đối đầu nhau, thế bí xuất hiện.

Dù không bên nào nao núng trong việc tuyên bố chủ quyền đối với Scarborough và vùng nước xung quanh, hai bên đều giấu kiếm ra sau lưng, tức là rút hết thiết bị quân sự khỏi đây, chỉ để lại các lực lượng dân sự.

Để hiểu rõ hơn về sự bất đối xứng giữa sức mạnh quân sự hai bên, chỉ cần nhìn nhận về tàu chiến Gregorio del Pilar của Philippines. Niềm tự hào của Philippines này là một tàu đã về hưu của lực lượng bảo vệ bờ biển Mỹ, hoạt động từ năm 1960. Nay về với Philippines, nó được gọi “vống” lên là khinh hạm.

Trước đây, khi chưa có tàu Gregorio del Pilar, chiến hạm chủ lực của Philippines, cũng là một tàu hàng thải của Mỹ, nhưng hộ tống hạm này thậm chí đã lên hàng thượng thọ: thời oanh liệt của nó là trong Chiến tranh Thế giới thứ hai.

Đặt những cụ già bên cạnh các hạm đội hùng hậu của Trung Quốc mà ngay Mỹ và đồng minh cũng phải dè chừng mới biết sự chênh lệch tương quan Philippines-Trung Quốc.

Bằng cách dựa vào những con tàu dán mác lực lượng bảo vệ bờ biển, Bắc Kinh tái khẳng định điều mà họ vẫn lặp đi lặp lại lâu nay về cái gọi là “chủ quyền không thể tranh cãi” đối với hầu hết biển Đông, gồm cả vùng nước chồng lấn ở khu vực bãi cạn Scarborough.

Tàu hải giám Trung Quốc gần bãi cạn Scarborough (Ảnh: globalnation.inquirer.net)
Tàu hải giám Trung Quốc gần bãi cạn Scarborough. (Ảnh: globalnation.inquirer.net).

Những con tàu của Trung Quốc được tuyên bố là đang đảm bảo thực thi pháp luật ở những vùng nước thuộc về Trung Quốc “từ thời xa xưa”. Và thực tế, theo tường thuật của Trung Quốc nhật báo, trong năm tới, Bắc Kinh sẽ bổ sung 36 tàu phi quân sự loại này vào các hạm đội.

Nhưng chiến thắng của Trung Quốc còn xa mới được gọi là trong tầm tay. Manila dường như đã thi hành một chính sách, có thể gọi là chiến lược Fabius, một tiền đề dựa trên thủ thuật trì hoãn, các chuyển động ngoại giao và bổ khuyết sự chênh lệch về quân sự. Nếu nổ ra xung đột quân sự, Philippines không có cửa thắng. Nhưng họ hiểu rằng họ sẽ có cơ hội nếu đối đầu hòa bình.

Các sử gia nghiên cứu thời cổ đại cho rằng, chiến lược Fabius là đỉnh cao của mưu trí, kết tinh từ sự kiên nhẫn và chịu đựng trong đối địch quân sự.

Theo Wikipedia, khi danh tướng Hannibal của đế chế Carthage cùng đội quân hùng mạnh tràn đến Ý, tướng Fabius đã giành lại quyền kiểm soát quân đội La Mã (Ý). Dù biết quân La Mã yếu hơn khá nhiều, ông vẫn cho quân hạ trại gần doanh trại kẻ địch để hạn chế hoạt động của đối thủ. “Thấy quân La Mã đóng gần đó, Hannibal muốn làm chết khiếp quân địch bằng cách nhanh chóng tấn công”, một sử gia tên Polybius viết.

Quân La Mã đáp trả thế nào? Chẳng gì cả. Fabius tuyên bố quân La Mã “hoàn toàn dưới cơ” quân Carthage. Quân La Mã cố tình tỏ ra vô hại và không có khả năng đối đầu với đội quân Carthage hùng mạnh.

Quân Carthage bắt đầu lơ là, trong khi Fabius ráo riết củng cố sức mạnh quân đội. Nhiều lần Hannibal cố kéo Fabius vào cuộc chiến nhưng ông vẫn chú trọng phòng thủ, không đối đầu trực tiếp.

Manila dường như đã thi hành một chính sách, có thể gọi là chiến lược Fabius, một tiền đề dựa trên thủ thuật trì hoãn, các chuyển động ngoại giao và bổ khuyết sự chênh lệch về quân sự. Nếu nổ ra xung đột quân sự, Philippines không có cửa thắng. Nhưng họ hiểu rằng họ sẽ có cơ hội nếu đối đầu hòa bình.

Các sử gia nghiên cứu thời cổ đại cho rằng, chiến lược Fabius là đỉnh cao của mưu trí, kết tinh từ sự kiên nhẫn và chịu đựng trong đối địch quân sự.

Triết lý của Fabius là thay vì tung hết sức ra cho những trận đối kháng trực tiếp, được ăn cả, ngã về không, ông thấm nhuần nghệ thuật né tránh và ẩn nấp nhưng luôn ở gần đối thủ, kiên nhẫn thăm dò, quan sát để chờ cơ hội phản công.

Câu chuyện của Fabius không hoàn toàn khớp với trường hợp của cuộc đụng độ Philippines-Trung Quốc. Chênh lệch sức mạnh giữa Carthage và La Mã nhỏ hơn nhiều so với tương quan quân sự Trung Quốc-Philippines.

La Mã hồi trước không phải dựa vào can thiệp bên ngoài. Qua một thời gian, Fabius đã có thể tập hợp và huấn huyện được một lực lượng hùng hậu, đủ sức đối kháng quân địch. Lãnh đạo Philippines không có được may mắn và điều kiện như thế.

Tuy nhiên, họ dường như tin rằng thời gian đang đứng về phía họ, và có lẽ họ đúng. Các cường quốc thường khoe khoang sức mạnh vật chất, cụ thể là khí tài quân sự, khi đối đầu những nước yếu hơn.

Nhưng các quốc gia nhỏ, yếu hơn thường thường tìm cách trì hoãn, chờ đợi bối cảnh thay đổi. Manila đã làm những việc mà nước yếu phải làm. Chính quyền của ông Aquino một mặt thỉnh cầu các định chế luật pháp quốc tế vào cuộc, một mặt kêu gọi trợ giúp của các đồng minh.

Về phần mình, Bắc Kinh tỏ ra bối rối khi Manila không khuất phục trước sức mạnh cơ bắp của họ.

Tất nhiên, chỉ trì hoãn không là không đủ. Nếu Manila không tập hợp được đủ lực lượng để thắng một cuộc chiến về nhận thức và pháp lý, họ sẽ cần đến sự giúp đỡ từ bên ngoài, đặc biệt là từ Mỹ, nước có những lợi ích khác ở Đông Nam Á ngoài chuyện bảo đảm những cam kết quốc phòng với Philippines.

Nhưng trong khi Mỹ chắc chắn có hình thức bảo vệ các vùng đất liền của Philippines, những vùng nước xa xôi không người như Scarborough lại là một câu hỏi khác.

Tuy nhiên, thế bế tắc ở bãi cạn này tiếp diễn càng lâu và không có hướng ra thì kẻ mạnh hơn trong cuộc đấu tay đôi càng giống một kẻ vừa bắt nạt vừa do dự và rơi vào thế lưỡng nan.

Về mặt quân sự, Trung Quốc có thể làm bất cứ cái gì họ muốn ở bãi cạn Scarborough, nhưng những tranh cãi đôi bên ngày càng giống một thất bại chính trị đối với Bắc Kinh.

Xuân Thủy
Theo Foreign Policy

(*) James Holmes là giáo sư  về chiến lược của Đại học Hải quân Mỹ

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG