Chiến đấu cơ J-31 của Trung Quốc có thực sự đáng ngại?

Chiến đấu cơ tàng hình J-31 của Trung Quốc
Chiến đấu cơ tàng hình J-31 của Trung Quốc
Tại triển lãm hàng không vũ trụ ngày 16/11 tới, Trung Quốc có thể sẽ lần đầu trưng bày mẫu chiến đấu cơ tàng hình J-31 thế hệ 5 mới nhất. Được tung hô có thể so kè với mẫu F-35 tối tân của Mỹ, liệu chiến đấu cơ này có thực sự đáng sợ?

Chiến đấu cơ J-31, hay còn được gán cho biệt danh “Chim ưng phương Bắc”, hoặc chim ưng bởi một số nhà phân tích quân sự, là mẫu chiến đấu cơ hai động cơ, thế hệ thứ 5, kích thước tầm trung do Tổ hợp máy bay Thẩm Dương phát triển.

Mẫu máy bay này dự kiến sẽ ra mắt tại Triển lãm hàng không vũ trụ quốc tế Trung Quốc vào ngày 16/11 tới, và đã được trông thấy thực hiện những chuyến bay thử, cùng những màn nhào lộn sau khi có mặt tại thành phố Chu Hải, phía Nam tỉnh Quảng Đông trước thềm sự kiện.

Hiện có những tin đồn cho rằng J-31 có thể trở thành thế hệ máy bay dành cho tàu sân bay thế hệ tiếp theo của Trung Quốc. Với kích thước nhỏ gọn, J-31 được cho là có thể giúp thúc đẩy sự phát triển các tàu sân bay cỡ trung của Trung Quốc, và nâng cao năng lực chiến đấu cho các nhóm tàu sân bay của Quân giải phóng nhân dân (PLA) nước này tới mức hải quân PLA có thể sánh ngang với hải quân Mỹ.

Dù vậy, phát biểu trên tờ Nhân dân nhật báo của Trung Quốc, các chuyên gia quân sự cho rằng, thiết kế thân mỏng manh của J-31, do khoang nhiên liệu và khoang vũ khí bị thu nhỏ, cùng công nghệ chiến đấu thua kém của Trung Quốc có nghĩa là các tính năng và hỏa lực của J-31 khó lòng so sánh được với F-35C của Mỹ, một mẫu chiến đấu cơ đa nhiệm có thể hoạt động trong mọi điều kiện thời tiết.

Trung Quốc do đó cần phải cẩn trọng khi tung hô năng lực của J-31, tờ báo của đảng Cộng Sản nước này lưu ý.

Cao Weidong, một nhà nghiên cứu tại Viên nghiên cứu quân sự hải quân PLA, tin rằng J-31 sở hữu những năng lực đáng kể, nhưng sẽ cần phải có những cải tiến và hiệu chỉnh lớn để có thể trở thành một chiến đấu cơ hoạt động hiệu quả trên tàu sân bay.

Hiện tại, J-15 là chiến đấu cơ chính được trang bị cho tàu sân bay Liêu Ninh, duy nhất của Trung Quốc. Nếu J-31 được đưa lên hoạt động trên tàu này, hai mẫu này có thể hỗ trợ cho nhau, tạo thành cú đấm liên hoàn, ông Cao nhận xét.

Mặc dù J-31 có tầm bay ngắn hơn, nhưng với hệ thống radar và điện tử hiện đại cùng khả năng tàng hình, J-31 có thể thực hiện cú đợt tấn công dọn đường trước khi J-15 được điều tới tiếp tục oanh tạc, chuyên gia này phân tích.

Trong khi đó, hãng thông tấn Tân Hoa Xã thì khẳng định, sự kiện J-31 chính thức trình làng sắp tới có ý nghĩa vô cùng lớn. Trước hết, đây là lần đầu tiên chiến đấu cơ thế hệ thứ 5 của Trung Quốc được trình diễn, và thế giới đang muốn chờ đợi xem công nghệ quân sự của nước này đã tiến tới đâu. Nếu còn những vấn đề chưa thể giải quyết, đó sẽ là một sự xấu hổ lớn trước cộng đồng quốc tế.

Thêm vào đó, J-31 sẽ đánh dấu lần đầu tiên Trung Quốc chào bán một sản phẩm công nghệ tiến tiến trên thị trường. Dù từng chào bán nhiều vũ khí, các sản phẩm trước đây của nước này đều đi sau thế giới thứ 1-2 thế hệ. J-31 có thể sẽ xâm nhập sâu được vào thị trường thế giới.

Theo đánh giá của ông Vladimir Barkovsky, phó tổng giám đốc Tổ hợp máy bay Nga MiG, J-31 “trông có vẻ là một cỗ máy tốt, và mặc dù nó mang một số giải pháp thiết kế đã được thử nghiệm trên các chiến đấu cơ thế hệ thứ 5 của Mỹ, nó không phải một bản sao mà là một thiết kế nội địa tốt”.

Barkovsky cũng đã xác nhận thông tin J-31 sử dụng cả hai động Klimov RD-93 do Nga cung cấp.

Theo một số nhận định, nếu J-31 thực sự mạnh mẽ như những đồn đoán và kỳ vọng, Trung Quốc có thể nhắm tới một số thị trường tiềm năng mà Mỹ hiện chưa sẵn lòng cung cấp chiến đấu cơ thế hệ thứ 5 của mình trong tương lai gần như Brazil, Pakistan hoặc một vài nước Trung Đông.

Theo Theo Dân Trí
MỚI - NÓNG