Chiếm rừng phòng hộ lập “phố nhậu”, chính quyền bó tay?

Rừng bị phá sát vùng “phố nhậu” tự phát.
Rừng bị phá sát vùng “phố nhậu” tự phát.
TP - Sau khi Nhà nước đầu tư hàng trăm tỷ đồng chống sạt lở, dải bờ biển xã Hải Dương (thị xã Hương Trà, tỉnh TT-Huế) dần ổn định, rừng phòng hộ phủ xanh trở lại. Tuy nhiên, tình trạng bao chiếm rừng, xâm hại đê biển để mở quán nhậu, điểm dịch vụ tắm biển ở Hải Dương trở nên mất kiểm soát, năm sau tăng hơn năm trước về số vụ vi phạm và chưa có hàng quán nào bị cưỡng chế tháo dỡ.

Phạt thì cứ phạt…

Từ hơn năm nay, dải rừng phòng hộ chạy theo con đường lâm sinh mới mở dọc bờ biển xã Hải Dương được dân “phượt”, khách đi chơi biển đến từ Huế và các tỉnh, thành lân cận gọi là “phố nhậu”, do hàng quán quy mô đua nhau mọc lên san sát, lấn chiếm, xâm hại rừng phòng hộ và cả hệ thống đê biển dài hơn cây số từng được đầu tư xây dựng với trị giá hàng trăm tỷ đồng.

Anh Nguyễn Văn Thu, ngụ thôn Thai Dương Hạ Bắc (xã Hải Dương), cho biết, hơn 1 năm trước, thấy dân đổ xô về đây mở hàng quán, gia đình anh cũng tranh thủ “xí” chỗ đất sát biển và một phần bờ đê kè chống sạt lở để mở hàng quán, bãi đỗ xe “kiếm đồng vô đồng ra”. Anh Thu cam kết làm quán bằng tranh tre nứa lá.

Tuy nhiên, sau thời gian ngắn, quán “nâng đời” lên bằng bê tông cốt thép quy mô, có bãi đổ xe rộng kèm lối dẫn ra đường chính xuyên qua rừng phi lao phòng hộ bằng bê tông phẳng lì. “Gia đình có làm cam kết không cơi nới, mở rộng hàng quán lên quy mô lớn bằng bê tông, nhưng thấy hộ khác làm được thì mình cũng xây. Chừng nào, chính quyền yêu cầu phá dỡ thì chấp hành, thiệt hại gia đình tui tự chịu”.

Tương tự, ngay đầu đường bê tông lâm sinh dẫn vào rừng phòng hộ Thai Dương Hạ Bắc là khu dịch vụ biển có tên Cội Nguồn. Tại đây, chủ quán xây nhà kiên cố vừa để ở, kết hợp làm thêm bãi đổ xe kèm tổ hợp lều quán phục vụ khách du lịch. Diện tích rừng phòng hộ, bờ cát, đê biển bị bao chiếm, xâm lấn lên đến hàng trăm mét vuông. Việc lấn chiếm diễn ra từ năm 2015 đến nay, nhưng chính quyền địa phương chỉ yêu cầu lập cam kết làm nhà tạm.

Từ khu dịch vụ Cội Nguồn ngược lên phía bắc rừng phòng hộ, tình trạng lấn chiếm, xây dựng công trình trái phép làm dịch vụ du lịch biển diễn ra dày đặc. Nếu đến lần đầu, không được dân địa phương giải thích, nhiều người nhầm đây là khu dân cư kết hợp dịch vụ do chính quyền quy hoạch phân lô hợp pháp.

Khi được hỏi, một chủ hàng quán xây “chui” đáp ngay: “Tui sẵn sàng chịu phạt tiền nặng để hàng quán tồn tại, khi nào có quy hoạch chính quyền buộc di dời thì đi. Buôn bán ở đây cũng tàm tạm, kiếm được miếng cơm qua ngày”.

Vi phạm tăng chóng mặt

Theo ông Lê Xuân Hướng, Phó Chủ tịch UBND xã Hải Dương, cuối năm 2015, 17 hộ dân địa phương có đơn xin mở quán nước tạm bằng tranh tre, chính quyền đồng ý nhưng buộc cam kết không xâm hại rừng phòng hộ, đê điều và cấm xây dựng kiên cố. Tuy nhiên, sau thời gian ngắn, khu vực rừng phòng hộ Thai Dương Hạ Bắc “phát sinh” lên đến 36 trường hợp lấn đất làm hàng quán, điểm dịch vụ tắm biển.

Trong đó, 11 trường hợp chiếm đất xây hàng quán quy mô lớn, kiên cố như nhà kho, cửa hàng. Tất cả hiện chưa bị cưỡng chế, tháo dỡ, thu hồi đất. “Mới rồi, lực lượng chức năng thị xã Hương Trà về kiểm tra, lập danh sách các hộ vi phạm và sẽ có phương án xử lý trong thời gian tới”.

Ông Hướng cho biết, chính quyền tạo điều kiện để bà con làm dịch vụ cải thiện sinh kế bằng hàng quán tạm bợ, tranh tre, “không ngờ” họ lại lấn chiếm đất dựng hàng quán kiên cố, sau này giải tỏa các hộ phải chịu thiệt hại.

“Vùng này, về lâu dài sẽ quy hoạch thành khu dịch vụ ẩm thực phục vụ bãi tắm cộng đồng của xã, phân lô đấu giá, tạo điều kiện cho bà con vào buôn bán. Do xã nghèo, nguồn lực có hạn, chính quyền địa phương chưa đủ điều kiện thực hiện quy hoạch, hiện phải chờ hỗ trợ từ thị xã”, ông Hướng lưu ý.

Theo tìm hiểu của PV, dải “phố nhậu” mở chui, tự phát tại vùng rừng phòng hộ ven biển Hải Dương phục vụ nhu cầu tham quan, tắm biển cho khách du lịch các nơi hiện bỏ ngỏ công tác cứu hộ, cứu nạn, chưa phân định khu vực an toàn - nguy hiểm để du khách biết. Tại đây không hề có lực lượng chức năng thường trực xử lý, cảnh báo về tai nạn đuối nước.     

Phá cả rừng phòng hộ

Cũng tại khu vực “phố nhậu” tự phát này, giữa tháng 3 vừa qua xảy ra vụ phá rừng phòng hộ. Hàng loạt cây phi lao phòng hộ có tuổi đời trên 20 năm tuổi đã bị người dân đốn hạ. Khu vực chặt phá chỉ cách bờ biển vài chục mét. Rừng mất, nguy cơ sạt lở tại điểm nóng xâm thực từng tiêu tốn hàng trăm tỷ đồng ngân sách để kè chắn lại tái diễn, kèm theo đó là nạn cát bay, cát nhảy ảnh hưởng đến làng mạc, dân cư bên trong. Vụ phá rừng hiện được cơ quan chức năng thị xã Hương Trà xác minh, làm rõ.

MỚI - NÓNG
Tổ chức đề cử, giới thiệu gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu 2024
Tổ chức đề cử, giới thiệu gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu 2024
TPO - Ban Bí thư T.Ư Đoàn đề nghị các ban, đơn vị thuộc T.Ư Đoàn và các tỉnh, thành Đoàn, Đoàn trực thuộc giới thiệu, lựa chọn, đề xuất các gương thanh niên, thiếu niên, nhi đồng tiêu biểu trên các lĩnh vực xét trao giải thưởng Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2024. Thời gian đề cử, giới thiệu từ ngày 10/11 – 31/12/2024.
Hiện trạng khu tái định cư Đền Lừ III bỏ hoang sắp được cải tạo
Hiện trạng khu tái định cư Đền Lừ III bỏ hoang sắp được cải tạo
TPO - Hoàn thành từ năm 2017 nhưng dự án tái định cư Đền Lừ III (quận Hoàng Mai, thành phố Hà Nội) vẫn trong tình trạng bỏ hoang, với nhiều hạng mục xuống cấp trầm trọng. Mới đây, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội đã chỉ đạo UBND quận Hoàng Mai đầu tư dự án cải tạo, bảo đảm khang trang, sạch đẹp, phục vụ tốt nhất đời sống người dân sau khi được bàn giao nhà tái định cư.