Sáng 11/4, Đoàn công tác của Quốc hội do Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển dẫn đầu làm việc với UBND tỉnh Khánh Hòa, trong đó có nội dung về nạn phá rừng trên địa bàn huyện Khánh Vĩnh (Khánh Hòa). Báo cáo của UBND tỉnh Khánh Hòa nêu, đầu năm nay có vụ phá rừng nghiêm trọng ở huyện Khánh Vĩnh, nhưng ông Nguyễn Tuấn Kiệt lại nói rằng không có vụ nào nghiêm trọng. Theo ông Kiệt, có tình trạng phá rừng, nhưng bị truy quét quyết liệt. Khối lượng gỗ bị khai thác trái phép trong tiểu khu 205, rừng phòng hộ đầu nguồn thuộc địa bàn xã Khánh Phú (Khánh Vĩnh) là do chủ rừng phát hiện trước và đang vận chuyển về. “Do bị tịch thu gỗ nên các lâm tặc bức xúc và gọi các nhà báo, hướng dẫn và chở nhà báo vào rừng quay phim, chụp ảnh để đưa lên báo”. Ông Kiệt nói. Tuy nhiên, ông Kiệt lại nói, đến nay chưa tìm ra người phá rừng, cung cấp thông tin cho nhà báo. Khi bị phóng viên hỏi lại, có căn cứ nào để khẳng định những người phá rừng chở nhà báo đi tác nghiệp, ông Kiệt nói ông nhận định như thế.
Bài Cận cảnh gỗ lậu trong rừng phòng hộ Khánh Hòa, đăng trên báo Tiền Phong điện tử ngày 7/3 đã nêu, ngày 6/3 phóng viên báo Tiền Phong chụp ảnh được một lượng lớn gỗ bị khai thác lậu trong rừng phòng hộ đầu nguồn ở xã Khánh Phú, trên độ cao 800m – 1.000m. Các điểm tập kết gỗ khai thác lậu nằm rải rác ở rất nhiều nơi, ven các con đường lâm nghiệp, có đủ loại gỗ cây, gỗ tròn, gỗ đã xẻ hộp, của các loại cây dẻ, cám, sến, trâm… Có nơi, ngay trên mặt đường còn lớp mạt cưa dày vài cm, trải dài mấy mét, cho thấy gỗ được cưa ngay tại đó. Có những khúc gỗ bị cưa đã khá lâu, cũng có khúc còn đang ứa nhựa, nhiều khúc có đường kính tới gần 5 gang tay. Có những khoảng rừng rộng bị ủi phá để làm đường vận chuyển gỗ, nhiều lán trại trong rừng. Trước chứng cứ rõ ràng, bao gồm cả tọa độ các vị trí chụp ảnh, Hạt Kiểm lâm huyện Khánh Vĩnh xác nhận khu vực phát hiện gỗ lậu thuộc khoảnh 4, tiểu khu 205 rừng phòng hộ đầu nguồn, do Cty TNHH Một thành viên Lâm sản Khánh Hòa quản lý. Cũng chỉ đến lúc được phóng viên cung cấp thông tin, cơ quan Kiểm lâm tỉnh Khánh Hòa mới biết có tình trạng phá rừng lấy gỗ trái phép trong rừng phòng hộ. Sau đó, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Khánh Hòa phối hợp với Cty Lâm sản Khánh Hòa đã lên tiểu khu 205, phát hiện và xử lý 19,3 m3 gỗ các loại.
Ngày 11/4, trả lời câu hỏi của phóng viên về việc xử lý vụ phá rừng tại tiểu khu 205 rừng phòng hộ đầu nguồn, phó giám đốc sở NN&PTNT Khánh Hòa Nguyễn Tuấn Kiệt nói “đang xử lý”.