Chiếc ghế hóa giải hận thù huyền thoại dần biến mất

Không còn được xem là vật linh thiêng, ghế Kpan hư hỏng vứt dưới nhà sàn, là nơi vui chơi của trẻ con .
Không còn được xem là vật linh thiêng, ghế Kpan hư hỏng vứt dưới nhà sàn, là nơi vui chơi của trẻ con .
TP - Kpan là chiếc ghế dài từ 10-15 m, hàng chục người có thể cùng ngồi lên. Chỉ gia đình tộc trưởng, nhà giàu mới có. Theo quan niệm của người Ê Đê, ghế Kpan là chiếc ghế tổ tiên, biểu hiện tình bằng hữu. Nếu có hận thù, hiềm khích, ngồi trên ghế này sẽ được hóa giải.  

Bây giờ, tình trạng săn đồ cổ, gỗ quí, một phần việc đốn hạ cây rừng bị cấm, loại ghế huyền thoại này dần biến mất.

Chiếc ghế dài nhất

Tại Bảo tàng Đắk Lắk, nếu hiện vật biểu trưng cho tộc M’nông là những dụng cụ săn bắt, thuần dưỡng voi rừng thì người Ê Đê có chiếc ghế Kpan quyền lực. Dài 11,46m, bề mặt rộng 68cm, chân cao 48cm và dày đến 8cm, chiếc ghế Kpan này được Trung tâm Sách kỷ lục Việt Nam ghi nhận là ghế dài nhất Việt Nam. Ghế được làm từ gỗ sao, trước đây là tài sản của bà H’Du Niê ở buôn Ako Siêr, thành phố Buôn Ma Thuột.

Người ta nói ghế Kpan biểu trưng cho sự giàu có, quyền lực. Để chứa được chiếc ghế dài như vậy, gia chủ phải có ngôi nhà rất dài, và có nhiều ché rượu, cồng chiêng quý để khách ngồi ghế Kpan thưởng thức những bản cồng chiêng gọi sông núi, mời các vị thần về uống rượu mỗi khi trong buôn có lễ hội.

Du khách cũng có thể gặp chiếc ghế Kpan tại ngôi nhà dài nhất Việt Nam ở buôn Giang Lánh, xã Krông Na, huyện Buôn Đôn. Ngôi nhà sàn dài 85m, mái lợp tranh, vách nhà được ghép bằng hàng trăm tấm nứa, sàn nhà ghép bằng 102 tấm ván, mỗi tấm dài đến 3m, thuộc sở hữu của hai vợ chồng nghệ nhân Y Gông và H’Vinh người Ê Đê.

Theo nghệ nhân Y Gông, để tạc được chiếc ghế Kpan, hàng trăm năm trước, người Ê Đê phải đốn cây quý, bóc vỏ bằng những dụng cụ thô sơ rồi chế tác ghế. Mỗi khi trong buôn có người muốn làm ghế Kpan, cả làng tụ tập lại hỗ trợ. Một già làng bảo, tạo ra chiếc ghế Kpan rất kỳ công, tốn tiền bạc và nhân lực con người. Già làng cử một nhóm người rành gỗ quí vào rừng để chọn cây cao to, thuộc nhóm gỗ quý để sau này sâu mọt khó tấn công. Trước khi hạ cây, thầy cúng đến khấn vái trước, rồi chủ nhà tự tay giết gà lấy máu bôi vào thân cây, còn những người liên quan đến việc làm ghế, phải cầm rìu, búa, đục… đi vòng quanh thân cây bảy lần để thần linh chứng giám. Sau đó, hàng chục thanh niên khỏe mạnh dựng chòi ở tạm triển khai công việc tạc ghế dưới hướng dẫn của những nghệ nhân trong làng. Tuy nhiên, có một điều cấm kị là không được dùng cây gạo (còn gọi là cây pơlang - biểu tượng vẻ đẹp rừng núi) để làm áo quan hay ghế Kpan, bởi người Ê Đê cho rằng, các vị thần mang điều tốt lành thường trú dưới gốc cây gạo.

Nói về việc hạ cây làm ghế Kpan, già Y’Mút 76 tuổi ở xã Tâm Thắng, huyện Chư Jút, Đắk Nông kể rất nhiều chuyện ly kỳ. Ngoài những chuyện kể trên, già bảo có tục lệ bắt buộc là cho một đứa trẻ trần truồng đi quanh cây rừng sắp phải chặt. Tay đứa trẻ cầm rìu, thi thoảng chặt vào cây, trước khi cây bị đốn. Mục đích của việc làm này là để đánh lừa thần cây, vì mỗi khi thấy đứa trẻ cởi truồng, thần cây mải cười mà quên đi việc bản thân bị xúc phạm.

Mai một niềm kiêu hãnh

Vào thập kỷ trước, chỉ cần vào trong các buôn Ê Đê ở Tây Nguyên là dễ dàng bắt gặp những chiếc ghế Kpan bằng lim, trắc hay giáng hương… Nhưng nay, ghế Kpan không còn nhiều. Do nhu cầu du canh, du cư, xây dựng thủy điện…, những cánh rừng già dần biến mất, một phần nhà nước nghiêm cấm hành vi đốn hạ cây rừng, không còn cây đại thụ để người Ê Đê đẽo ghế Kpan. Những năm gần đây, giới săn đồ cổ vào tận các buôn làng Ê Đê “săn” ghế Kpan, nhiều người lại mua về xẻ ghế này ra lấy gỗ… Vì hám lợi mà nhiều lớp con cháu Ê Đê đã bán đi di vật của cha ông.

Chiếc ghế hóa giải hận thù huyền thoại dần biến mất ảnh 1

Chạy theo “cơn lốc” hiện đại hóa, nhà dài chứa ghế của người Ê Đê được thiết kế vừa cổ điển, vừa hiện đại.

Trong ngôi nhà dài đã có phần cải tiến theo lối hiện đại hóa, ông Ama Gun bảo rằng, người Ê Đê theo chế độ mẫu hệ, nên trong nhà mọi việc đều do chị gái ông quyết định. Cách đây bốn năm, do mùa màng thất bát, để “no cái bụng”, chị gái ông đã mang chiếc trống da voi có tuổi thọ hàng trăm tuổi đi bán, ông can ngăn nhưng không được… Ngôi nhà dài truyền thống kèm theo ghế Kpan, nồi đồng, chiêng ché cổ… được những người thu mua đồ cổ định giá 1,5 tỷ đồng.

Cũng theo Ama Gun, ngày trước đồ cổ ở buôn Buôr rất nhiều, nhưng do cuộc sống khó khăn, không ít người mang các cổ vật này bán đi. Nếu đồng bào không biết giữ gìn, vài năm nữa trong buôn chẳng còn cái gì để gọi là buôn cổ. 

Nói về việc hạ cây làm ghế Kpan, già Y’Mút bảo có tục lệ bắt buộc là cho một đứa trẻ trần truồng đi quanh cây rừng sắp phải chặt. Tay đứa trẻ cầm rìu, thi thoảng chặt vào cây, trước khi cây bị đốn. Mục đích của việc làm này là để đánh lừa thần cây, vì mỗi khi thấy đứa trẻ cởi truồng, thần cây mải cười mà quên đi việc bản thân bị xúc phạm.

MỚI - NÓNG