‘Chia sẻ cùng thầy cô’ năm 2020: Sáng tạo từ gian khó

Cô Thạch Thị Bút Pha hướng dẫn học sinh tập gõ, đánh các bài trống Đội trên nền sân trường. Ảnh: Xuân Tùng
Cô Thạch Thị Bút Pha hướng dẫn học sinh tập gõ, đánh các bài trống Đội trên nền sân trường. Ảnh: Xuân Tùng
TP - Gắn bó với những vùng đất nghèo khó, cô Thạch Thị Bút Pha và thầy Danh Minh được tuyên dương trong chương trình "Chia sẻ cùng thầy cô" năm 2020 đã có nhiều sáng tạo trong dạy học cho học sinh.   

Nhạc trưởng của đội trống

8 năm trước, sau khi tốt nghiệp chuyên ngành sư phạm thể chất CĐ Sư phạm Sóc Trăng, cô giáo Thạch Thị Bút Pha (SN 1989, dân tộc Khmer) được nhận về công tác tại Trường Tiểu học Tuân Tức, huyện Thạnh Trị, Sóc Trăng. Chỉ một thời gian ngắn sau cô được giao làm Tổng phụ trách Đội. “Đây quả là một thách thức đối với tôi, bởi kỹ năng và kiến thức công tác Đội chưa có”, cô Pha nói.

Theo cô Pha, trường đóng trên địa bàn xã nghèo nên cơ sở vật chất rất thiếu thốn. Hệ thống âm thanh không có, bộ trống Đội không hoàn chỉnh. Thậm chí, nơi tập luyện ngoài trời cũng hạn chế vì sân trường nhỏ. Học sinh ở trường phần lớn là người dân tộc, hoàn cảnh gia đình khó khăn, cha mẹ thường đi làm ăn xa, ít quan tâm chuyện học hành lẫn hoạt động ngoại khóa của con.

Khắc phục khó khăn, cô Pha tổ chức một số hoạt động thu hút học sinh, lựa chọn các em có sở thích, khả năng âm nhạc. Cô hướng dẫn học sinh lấy tre làm dùi và nền đất của sân trường làm mặt trống để tập gõ, cũng như luyện các bài trống khác nhau. Tập luyện nhiều rồi cũng thành thạo. Cả trường chỉ có một bộ trống cũ, mặt trống đã sờn chỉ trực thủng. Thế nhưng cứ thứ 2 trong lễ chào cờ đầu tuần cô điều khiển từ xa như một nhạc trưởng, còn trò biểu diễn thành thục nhiều bài trống Đội. “Chứng kiến những thành viên đội nghi thức biểu diễn và nghe tiếng trống rộn rã trong lễ chào cờ đầu tuần, ai cũng háo hức như được tiếp thêm năng lượng cho ngày đầu tuần. Nhìn các em biểu diễn như những nghệ sĩ nhí khiến tôi rất xúc động”, cô Pha chia sẻ.

Trong công tác Đội của trường, cô Pha còn tổ chức các hoạt động khiến nhiều học sinh rất thích thú như: Thi hái hoa dân chủ, hỏi đáp, hiểu ý đồng đội diễn ra trong lớp; các trò chơi, cuộc thi vận động, rung chuông vàng ngoài trời. Là người quản trò trong các hoạt động không có hệ thống âm thanh hỗ trợ, cô Pha thường phải nói lớn nên nhiều lúc bị khản giọng, mất tiếng.

Cô Pha dạy môn Khoa học lớp 4 - 5. Suốt 8 năm gắn bó với Trường Tiểu học Tuân Tức cô đều đặn mỗi ngày đi về hơn 30 cây số. “Đầu tháng 11 này, tôi được chuyển về dạy ở gần nhà, việc đi lại thuận tiện hơn. Nhưng trước dạy ở Tuân Tức mỗi tháng được 6,8 triệu đồng tiền lương, giờ chỉ được 4,5 triệu đồng, khiến chi tiêu eo hẹp hơn. Khó khăn là thế nhưng không làm tôi vơi tình yêu trẻ và trách nhiệm với nghề”, cô Pha nói.

Hạnh phúc nhất là thấy các em trưởng thành

Thầy Danh Minh (SN 1981, dân tộc Khmer), tổ trưởng tổ Hóa - Sinh - Công nghệ, trường THCS Lương Tâm, huyện Long Mỹ (Hậu Giang) được nhiều thế hệ học trò biết đến như một nhà ảo thuật, nhà sáng chế. Thầy mang đến nhiều thí nghiệm, giáo cụ thú vị trong các giờ lên lớp. Thầy dùng cây rong đuôi chó làm thí nghiệm về khả năng quang hợp tạo ra khí của thực vật; dùng lá khoai thí nghiệm chế tạo tinh bột khi có ánh sáng... Không ít những sáng chế của thầy đã được trao giải thưởng trong các cuộc thi sáng tạo đồ dùng dạy học.

“Qua quá trình công tác, tôi nhận thấy khi truyền đạt kiến thức đến các em phải thật gần gũi, có sự liên hệ thực tế. Đặc biệt, có những thí nghiệm thực hành, giáo cụ sẽ giúp giáo viên dễ dàng truyền đạt và các em dễ dàng tiếp thu hơn so với việc dạy “chay”. Tôi luôn cố gắng thực hiện các thí nghiệm, mô hình từ các loại thực vật, chất liệu sẵn có quen thuộc với học sinh nông thôn vùng đồng bằng sông nước", thầy Minh chia sẻ.

18 năm gắn bó với Trường THCS Lương Tâm, thầy Minh có nhiều năm làm công tác chủ nhiệm lớp. Điều đặc biệt ở thầy Minh nữa là tự đề ra “chỉ tiêu” cho mình mỗi năm nhận đỡ đầu một học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Năm nay thầy nhận đỡ đầu em Cao Hoài Nhớ (học sinh lớp 8). Được thầy Minh đỡ đầu, Nam học tiến bộ đều các môn.

Nhiều học sinh được thầy Minh đỡ đầu giờ đã học lên cấp 3, có em vào đại học. Thầy vẫn luôn được các em chia sẻ về việc học tập và cuộc sống. “Tôi rất yêu công việc thầm lặng “đưa khách sang sông” này. Điều tôi hạnh phúc nhất là các em trưởng thành và sống có ích”, thầy Minh nói.

Những người “bình thường vĩ đại”

Phát biểu tại lễ vinh danh tối 17/11, anh Nguyễn Anh Tuấn, Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn, Chủ tịch T.Ư Hội LHTN Việt Nam nhấn mạnh: Chặng đường đến với sự nghiệp trồng người của 63 thầy, cô được tuyên dương rất dài và quá đỗi gian nan. Đó là chặng đường từ những cô bé, cậu bé đồng bào dân tộc, hằng ngày theo cha mẹ lên rẫy lên nương. Đó là chặng đường, những cô cậu bé được cha mẹ, thầy cô truyền cảm hứng, để thắp lên ngọn lửa mơ ước được trở thành những người mang con chữ về với bản làng. Đó là chặng đường của những nỗ lực, cố gắng hiện thực hóa ước mơ, vượt qua biết bao khó khăn vất vả của đời sống vật chất và cả tinh thần, để lựa chọn và sau đó là đeo đuổi sự nghiệp trồng người vinh quang. 

"Các thầy các cô không chỉ dạy học trò kiến thức, mà như người cha, người mẹ thứ hai ngày ngày lo cho các em có cái ăn, cái mặc; vận động quyên góp trang thiết bị cho trường, lớp, cho học sinh; vận động xây cầu, làm đường… Xin cho phép chúng tôi gọi các thầy cô là những người ‘bình thường’, nhưng là những người ‘bình thường vĩ đại’", anh Nguyễn Anh Tuấn nói.

X.Tùng (ghi)

MỚI - NÓNG