Chiều 16/11, tại Hà Nội, Bộ Giáo dục và Đào tạo gặp mặt 63 giáo viên tiêu biểu người dân tộc thiểu số tham gia chương trình "Chia sẻ cùng thầy cô" năm 2020”.
Tại buổi gặp mặt, các giáo viên chia sẻ thực trạng và nguyện vọng được các cấp, các ngành quân tâm, giúp đỡ công tác giáo dục tại những địa phương khó khăn, đa phần học sinh là con em dân tộc thiểu số.
Cô giáo mầm non Vàng Ha De (dân tộc La Hủ, tỉnh Lai Châu) cũng chia sẻ quan tâm về việc văn hoá truyền thống của các dân tộc thiểu số bị mai một. Cô mong rằng chương trình giáo dục của các em học sinh dân tộc thiểu số có thêm những tiết học, bài giảng gắn với văn hoá truyền thống địa phương.
Thầy giáo Thạch Sa Quên (dân tộc Khơ Me, tỉnh Trà Vinh) trăn trở, hiện nay, bộ môn tiếng Khơ Me tại các vùng có người dân tộc Khơ Me thì có 2-3 tiết học một tuần ở bậc Tiếu học, tuy nhiên khi các em lên tới cấp 2 thì không còn chương trình dạy học bằng tiếng Khơ Me nữa, dẫn tới học sinh không biết viết tiếng mẹ đẻ. Thầy Quên mong muốn phổ biến bộ môn tiếng Khơ Me ra toàn tỉnh; đồng thời phát triển văn hoá Khơ Me, tăng cường trình độ văn hoá, trình độ tay nghề cho người dân.
Sau khi lắng nghe ý kiến của các thầy cô giáo, ông Lê Như Xuyên - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục dân tộc đã trao đổi giải đáp nhiều vấn đề. Đối với việc bảo tồn và phát triển văn hoá dân tộc thiểu số, ông Xuyên dẫn Thông tư 32 về Chương trình Giáo dục phổ thông mới, trong đó có phần về phát triển giáo dục địa phương.
Thứ trưởng nhận đỉnh rằng trách nhiệm của thầy cô giáo là rất lớn, bên cạnh đó gia đình học sinh cũng có tránh nhiệm để giúp đỡ con em đến trường, có tri thức, có ước mơ, việc làm và thu nhập. “Có nhiều rào cản nhưng rào cản đó chúng ta không khuất phục mà phải vượt qua vì học sinh”, Thứ trưởng nói.
Thứ trưởng Ngô Thị Minh biểu dương chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” đã tôn vinh hơn 200 tấm gương giáo viên tiêu biểu, ghi nhận đóng góp của các thầy cô giáo trong sự nghiệp “trồng người”.