Bị động, lúng túng
Theo BHXH Việt Nam, sau hai tháng thực hiện bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) theo Luật Việc làm (có hiệu lực từ 1/1/2015), số người tham gia BHTN mới là 261.882 người, thu trên 1.307 tỷ đồng; Chi trả trợ cấp thất nghiệp (TCTN) cho hơn 90.400 lượt người; Thanh toán chi phí học nghề cho 2.442 lượt người và cấp thẻ BHYT cho 120.447 người hưởng TCTN với tổng chi phí hơn 754 tỷ đồng.
Theo BHXH Việt Nam, việc triển khai chi trả TCTN và hỗ trợ học nghề đang gặp nhiều vướng mắc (do những quy định về BHTN trong Luật BHXH năm 2006 chuyển sang thực hiện theo quy định của Luật Việc làm).
Ông Đỗ Văn Sinh, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam cho biết, vì thiếu các văn bản hướng dẫn thi hành nên cơ quan BHXH bị động, lúng túng trong giải quyết chi trả TCTN cho người lao động tại thời điểm giao thời giữa chính sách cũ và mới. Trong khi đó, người lao động thường chỉ quan tâm đến hưởng TCTN, số người tham gia các khóa học nghề chiếm tỷ lệ rất thấp với 2,1%.
“BHXH Việt Nam cần chủ trì báo cáo Bộ LĐ-TB&XH, Bộ Tài chính chuẩn bị về nguyên tắc, phương pháp, cách tính chi phí quản lý, trong đó phải giải quyết vấn đề biên chế quản lý của các TTGTVL”.
Ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội
Ông Sinh cũng cho biết, nhức nhối nhất là việc thu hồi tiền TCTN do người lao động hưởng sai quy định, chưa quy rõ trách nhiệm của cơ quan nào. Tình hình nợ đọng BHTN còn lớn (tính đến hết tháng 2/2015 số nợ đã lên đến hơn 661 tỷ đồng. Trong đó, đơn vị sử dụng lao động nợ hơn 500 tỷ đồng, chiếm 75,6% tổng số nợ).
Theo kết quả của Kiểm toán Nhà nước về kiểm toán việc giải quyết chế độ BHTN năm 2013 tại 32 trung tâm giới thiệu việc làm (TTGTVL) ở một số tỉnh, thành phố cho thấy có 23 TTGTVL xảy ra sai sót. Những sai phạm chính có thể kể đến như: Chi TCTN không đúng (đề nghị thu hồi 15 tỷ đồng); Chi TCTN một lần không đúng (đề nghị thu hồi 3 tỷ đồng).... “Bộ LĐ-TB&XH cần sớm nghiên cứu quy định rõ trách nhiệm, quy trình thực hiện việc thu hồi TCTN đối với trường hợp hưởng sai quy định”, ông Sinh nói.
Theo lãnh đạo BHXH Việt Nam, Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị nên xem xét giao ngành BHXH thực hiện tiếp nhận hồ sơ và giải quyết hưởng BHTN gắn với công tác thu và chi trả trợ cấp, cấp thẻ BHYT, tránh tình trạng hưởng song trùng hoặc vừa hưởng TCTN vừa hưởng tiền lương ở doanh nghiệp.
Trục lợi bảo hiểm thất nghiệp
Tại cuộc gặp giữa nhiều bộ, ngành liên quan mới đây, đại diện lãnh đạo BHXH Việt Nam khẳng định, tình trạng trục lợi BHTN vẫn diễn ra khá phổ biến. Các hình thức trục lợi phổ biến như: Vừa đi làm vừa hưởng BHTN; người lao động quay lại doanh nghiệp cũ để làm việc; Nâng cao mức đóng BHTN trước khi nghỉ việc... Thậm chí, hiện đang xuất hiện nhiều trường hợp gần đến tuổi nghỉ hưu nhưng xin nghỉ việc để hưởng TCTN, sau đó tiếp tục hưởng lương hưu.
Theo bà Đỗ Thị Thúy Hằng, Phó Vụ trưởng Tài chính hành chính sự nghiệp (Bộ Tài chính), vướng nhất hiện nay là việc xác định chi phí quản lý cho BHTN. Bà Hằng cho rằng, các TTGTVL hiện nay không trực thuộc Bộ LĐ-TB&XH cũng không trực thuộc BHXH Việt Nam. “Toàn bộ khâu lập hồ sơ, theo dõi hồ sơ…, ngành BHXH sẽ phải chuyển chi phí về cho Bộ LĐ-TB&XH. Trong khi đó, chi phí chi trả TCTN lại thuộc ngành BHXH”, bà Hằng nói.