Bộ Công an nói về dự thảo Luật Công an xã:

Chỉ được huy động tài sản nếu người dân đồng tình

Công an xã An Bình (Vĩnh Long) diễn tập phối hợp bắt cướp. Ảnh: Hồng Vĩnh
Công an xã An Bình (Vĩnh Long) diễn tập phối hợp bắt cướp. Ảnh: Hồng Vĩnh
TP - Việc tăng quyền cho công an xã (CAX) trong dự thảo Luật Công an xã có dẫn đến tình trạng lạm quyền trong việc huy động tài sản của người dân cũng như trong quá trình công tác? Vì sao dự luật CAX không đặt vấn đề chuyên nghiệp hóa, chính quy hóa lực lượng này?

Để làm rõ vấn đề trên, PV báo Tiền Phong trao đổi với đại tá Bùi Quang Chi - Phó cục trưởng Cục Xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh (Bộ Công an).

Vẫn còn một số ít công an viên trình độ tiểu học

Xin ông cho biết, lực lượng CAX được tuyển chọn dựa vào những tiêu chí nào? Tuyển dụng rồi, đội ngũ này được đào tạo về chuyên môn nghiệp vụ gì?

Hiện việc tuyển chọn CAX được thực hiện theo quy định tại Điều 4, Nghị định 73/2009 của Chính phủ, trong đó có quy định trình độ học vấn. Cụ thể đối với cấp phó, trưởng CAX phải là người đã học xong THPT trở lên; công an viên phải tốt nghiệp từ THCS trở lên. Đối với khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa không có đối tượng tuyển chọn có đủ tiêu chuẩn học vấn như trên thì trình độ học vấn của phó, trưởng CAX và công an viên có thể thấp hơn, nhưng phải học xong tiểu học. Tính tới thời điểm này, không còn phó, trưởng CAX ở trình độ tiểu học. Tuy vậy, ở các xã vùng núi, vùng sâu, vùng xa vẫn còn một số ít công an viên có trình độ tiểu học.

 Hàng năm, công an các địa phương đều tổ chức bồi dưỡng, huấn luyện nghiệp vụ cho lực lượng CAX, trong đó có tập huấn điều lệnh công an nhân dân (CAND). Đến nay, hầu hết trưởng, phó CAX và cán bộ dự nguồn chức danh trưởng CAX trên toàn quốc đã được đào tạo trình độ trung cấp nghiệp vụ chuyên ngành quản lý trật tự ở địa bàn cơ sở.

Nhiều người lo ngại việc tăng quyền cho CAX trong dự thảo Luật CAX sẽ dẫn đến tình trạng lạm dụng trong việc huy động tài sản, quan điểm của ông như thế nào?

“Nếu chính quy hóa toàn bộ lực lượng CAX sẽ làm tăng lớn trong biên chế lực lượng CAND và nhà nước khó có khả năng đảm bảo kinh phí để chi trả tiền lương, phụ cấp, chế độ chính sách... Vì vậy, dự thảo Luật CAX vẫn quy định theo hướng CAX là lực lượng vũ trang bán chuyên trách”.    

Đại tá Bùi Quang Chi

Dự thảo có quy định: Trong trường hợp cấp bách để cấp cứu người bị nạn, cứu nạn, cứu hộ, truy bắt người phạm tội quả tang, người gây tai nạn bỏ chạy, người có quyết định truy nã truy tìm thì được huy động phương tiện thông tin, giao thông, phương tiện khác… Người sử dụng phải trả lại ngay phương tiện được huy động khi tình huống cấp bách đó đã chấm dứt và báo cáo với chủ tịch UBND cùng cấp. Trường hợp tài sản huy động có thiệt hại thì được bồi thường theo quy định của pháp luật.

Quy định này không phải là mới và tăng quyền cho CAX (theo Điều 10 Thông tư 12/2010 của Bộ Công an). Thực tế từ khi triển khai Thông tư 12 đến nay, chưa phát hiện trường hợp CAX nào vi phạm về việc huy động người, phương tiện trong trường hợp cấp thiết. Việc huy động tài sản phải được sự đồng tình của người dân.

Không chính quy hóa lực lượng CAX

Hiện các chức danh, trưởng, phó CAX được bổ nhiệm như thế nào?

Khoản 3, Điều 10, Pháp lệnh CAX quy định: Trưởng công an huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, sau khi trao đổi, thống nhất với chủ tịch UBND xã, đề nghị chủ tịch UBND huyện bổ nhiệm, miễn nhiệm, điều động, cách chức trưởng, phó CAX. Chủ tịch UBND xã công nhận, miễn nhiệm công an viên theo đề nghị của trưởng CAX. Hiện CAX, trong đó trưởng CAX được hưởng lương và phụ cấp theo ngạch bậc và trình độ đào tạo (trung cấp trở lên), còn phó CAX và công an viên được hưởng phụ cấp hàng tháng do ngân sách địa phương chi trả theo Nghị định 92/2009 của Chính phủ.

Thời gian gần đây, một số địa phương đã trích ngân sách để thực hiện mua bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho CAX. Tuy nhiên thực tế cho thấy, từ năm 2009 đến nay có hàng nghìn CAX xin nghỉ việc do tiền lương, chế độ chính sách chưa phù hợp. Trong khi đó, các văn bản pháp luật quy định về CAX, đặc biệt là chức năng nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức, hoạt động của CAX còn nhiều vướng mắc, bất cập, vì thế cần xây dựng Luật CAX để quy định cụ thể, toàn diện hơn về tổ chức, hoạt động, chế độ, chính sách… đối với lực lượng CAX.

Ông đánh giá thế nào khi chuyên nghiệp hóa lực lượng CAX, liệu bộ máy có quá cồng kềnh?

Một số ý kiến đề nghị quy định theo hướng chính quy hóa lực lượng CAX nhằm đáp ứng yêu cầu đảm bảo an ninh trật tự cơ sở. Với lý do theo Luật CAND thì CAX thuộc cơ cấu, hệ thống tổ chức của CAND. Việc chính quy CAX nhằm đảm bảo cho lực lượng này thực hiện hiệu quả hơn nữa chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao, nhất là những vấn đề liên quan trực tiếp đến quyền con người, quyền công dân…

Tuy nhiên, nếu chính quy hóa toàn bộ lực lượng CAX sẽ làm tăng lớn trong biên chế lực lượng CAND và nhà nước khó có khả năng đảm bảo kinh phí để chi trả tiền lương, phụ cấp, chế độ chính sách... Vì vậy, dự thảo Luật CAX vẫn quy định theo hướng CAX là lực lượng vũ trang bán chuyên trách, thuộc hệ thống tổ chức của CAND.

  Cảm ơn ông.

MỚI - NÓNG