Dự thảo quy định rõ, nhà báo được quyền khai thác và được cung cấp thông tin trong hoạt động báo chí theo quy định của pháp luật; khi đến làm việc tại các cơ quan, tổ chức, nhà báo chỉ cần xuất trình thẻ nhà báo.
Đặc biệt, nhà báo được pháp luật bảo hộ trong hoạt động nghề nghiệp. Không ai được đe dọa, uy hiếp tính mạng, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của nhà báo, phá huỷ, thu giữ phương tiện, tài liệu, cản trở nhà báo hoạt động nghề nghiệp đúng pháp luật. Về đối tượng được xét cấp thẻ nhà báo, dự thảo cũng quy định, giảng viên chuyên ngành báo chí tại các trường đại học công lập có tham gia hoạt động báo chí và có đủ điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định cũng được xem xét cấp thẻ nhà báo.
Thẩm tra dự án, GS Đào Trọng Thi, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa giáo dục thanh niên thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội cho rằng, quy định đối tượng được xét cấp thẻ như trong dự thảo quá rộng, bao gồm cả những người làm công tác quản lý báo chí, các giảng viên chuyên ngành báo chí tại các trường đại học công lập, mặt khác, lại đòi hỏi thủ tục cấp thẻ rất phức tạp khi phải có sự thống nhất đề nghị của 4 đơn vị: cơ quan báo chí, cơ quan chủ quản báo chí, Sở TTTT và hội nhà báo. Thường trực Ủy ban đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc, quy định tiêu chuẩn cụ thể căn cứ vào thời gian làm báo, số lượng và chất lượng tác phẩm báo chí và chỉ nên quy định cơ quan báo chí - là nơi quản lý trực tiếp người được xét cấp thẻ, đề nghị cấp thẻ nhà báo.
Trước thực trạng sao chép, lấy bài của nhau trên các báo điện tử diễn ra nhiều, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc đề nghị dự thảo cần quy định rõ hơn về “quyền tác giả”.