Ghi nhận của Tiền Phong ngày 30/12, hầu hết các cơ sở đăng ký phương tiện trên địa bàn TP như quận Cầu Giấy, Thanh Xuân, Hà Đông, Hai Bà Trưng, Ba Đình… đều trong tình trạng quá tải.
Tại cơ sở đăng ký phương tiện quận Thanh Xuân, hàng chục người tới xếp hàng từ sáng chờ tới lượt tránh giờ cao điểm. Tuy nhiên, do lượng người đổ đến đăng ký đông nên không ít trường hợp phải chờ đến gần nửa buổi mới nộp được hồ sơ.
Còn tại trụ sở đăng ký phương tiện quận Hai Bà Trưng, tất cả các ghế ngồi đều chật kín, thậm chí vị trí đứng chờ cũng không còn.
Một cán bộ Đội CSGT-TT-CĐ quận Hai Bà Trưng hướng dẫn thủ tục sang tên đổi chủ cho người dân. Theo vị cán bộ này, rất nhiều người biết kỳ hạn nộp hồ sơ nhưng họ không hiểu cần làm những gì nên thường phải giải thích nhiều lần.
Sau khi được hướng dẫn, nhiều người làm thủ tục ngay tại bàn chờ.
Nhiều người phải ngóng đợi cả buổi chưa được làm thủ tục.
Phía ngoài cơ sở đăng ký quận Hai Bà Trưng, một cán bộ CSGT tiếp nhận và thực hiện cà số khung số máy liên tục cho các phương tiện.
Đợi cả buổi không xong việc, nhiều người bỏ ra về.
Cuối giờ chiều, người dân vẫn nườm nượp tới trụ sở Công an quận Hai Bà Trưng để làm thủ tục sang tên đổi chủ.
Theo quy định tại điều 30 Nghị định 46, từ ngày 1/1/2017, CSGT sẽ phạt tiền từ 100.000-200.000 đồng đối với cá nhân, từ 200.000-400.000 đồng đối với tổ chức là chủ xe mô tô, xe gắn máy và các loại xe tương tự xe mô tô không làm thủ tục đăng ký sang tên, đổi chủ. Phạt tiền từ 1.000.000-2.000.000 đồng đối với cá nhân, từ 2.000.000-4.000.000 đồng đối với tổ chức là chủ xe ô tô, máy kéo, xe máy chuyên dùng và các loại xe tương tự xe ô tô không sang tên, đổi chủ.
Phòng CSGT Hà Nội cho biết, trong năm 2016, toàn thành phố đăng ký trên 380.000 phương tiện mới (trong đó hơn 63.000 ô tô, hơn 209.000 xe mô tô), trung bình mỗi tháng đăng ký trên 32.000 phương tiện. Trong năm có hơn 19.000 mô tô, 26.000 ô tô hoàn tất thủ tục sang tên đổi chủ.