Ngày 31/12 là thời hạn cuối cùng công an tiếp nhận hồ sơ chuyển quyền sở hữu (thường gọi là sang tên chính chủ) cho người mua xe máy, xe máy điện nhưng không còn giấy mua bán. Kể từ ngày 1/1/2017, việc xử phạt những trường hợp không chịu sang tên chính chủ được triển khai theo quy định.
Cả ngày chờ không nộp được hồ sơ
Chỉ còn 2 ngày nữa hết hạn nhận hồ sơ, thủ tục đăng ký sang tên đổi chủ, hầu hết các điểm đăng ký phương tiện tại Hà Nội chật kín người dân xếp hàng chờ tới lượt. Theo ghi nhận của phóng viên Tiền Phong ngày 29/12, tại trụ sở đội đăng ký phương tiện các quận Ba Đình, Hai Bà Trưng, Cầu Giấy, Thanh Xuân, Hà Đông…, hàng trăm lượt người tới xếp hàng làm thủ tục, hồ sơ sang tên đổi chủ cho phương tiện cá nhân.
Cầm 2 bộ hồ sơ trên tay chờ được cán bộ đội đăng ký xe cà số khung, số máy chiếc Honda Wave tại trụ sở Công an quận Hai Bà Trưng, anh Hoàng Anh (trú phường Minh Khai) tỏ ra sốt ruột khi anh đợi từ sáng tới chiều vẫn chưa hoàn tất thủ tục. Người đàn ông 34 tuổi lý giải, do người thân bận nên anh phải làm thủ tục cho cả 2 xe của gia đình. Dù biết thông tin hạn chót nộp hồ sơ ngày 31/12 nhưng do bận công việc, lại phải đợi xác nhận của công an phường sở tại nên đến giờ anh mới có thể tới làm thủ tục.
“Từ sáng tới giờ, hơn trăm người tới làm thủ tục đều phải xếp hàng, nhiều người đợi quá trưa không được giải quyết đã bỏ về. Riêng tôi làm 2 hồ sơ nên mất rất nhiều thời gian, mất một ngày vẫn chưa xong việc cà số khung, số máy để điền vào hồ sơ”, anh Hoàng Anh nói.
Chị Thanh Hằng (ở phường Nguyễn Du) lo lắng, với tình trạng này, hồ sơ sang tên đổi chủ chiếc xe máy điện của con gái chưa chắc được nộp đúng thời hạn. Chị Hằng cho rằng, những ngày cao điểm quá tải như vậy cần có thêm nhiều cán bộ hỗ trợ người dân, tránh tình trạng mất thời gian chờ đợi. “Chỉ còn 2 ngày nữa hết hạn, trong khi một ngày chờ tôi vẫn chưa được làm gì”, chị Hằng nói.
Ghi nhận của phóng viên tại phòng đăng ký xe Công an quận Hai Bà Trưng, hơn 20 ghế ngồi trong căn phòng rộng hơn 30m2 chật kín chỗ, hàng chục người khác đứng xếp hàng kín lối ra vào, 5 cán bộ liên tục đọc tên hồ sơ để hướng dẫn làm thủ tục nhưng không xuể. Khoảng 40-50 người từ già đến trẻ đều cầm trên tay giấy tờ tuỳ thân mong ngóng được gọi tên mình. Phía ngoài, hơn 10 người mới tới làm thủ tục nhưng bãi đỗ xe đã kín chỗ. Trước sảnh trụ sở công an quận cũng được tận dụng làm nơi cà số khung, số máy phương tiện.
Sẽ lùi thời hạn?
Chiều cùng ngày, trao đổi với phóng viên Tiền Phong, lãnh đạo Đội CSGT-TT-CĐ quận Hai Bà Trưng cho hay, tới thời điểm hiện tại, đơn vị đã tiếp nhận, xử lý hơn 14.000 bộ hồ sơ đăng ký, sang tên đổi chủ. Hai tuần cuối tháng 12, lượng hồ sơ sang tên đổi chủ tăng đột biến, gấp 4-5 lần so với ngày thường. Bình quân mỗi ngày, đơn vị tiếp nhận khoảng 130 bộ hồ sơ xe máy, xe đạp điện. Sau giờ hành chính 2-3 tiếng nhưng vẫn còn nhiều người tới nộp hồ sơ. Đơn vị phải tăng cường 1 cán bộ hỗ trợ, tăng giờ làm việc hằng ngày và hoạt động cả thứ Bảy, Chủ nhật. Thậm chí, đơn vị phải xin khuôn viên trụ sở công an quận để làm nơi hướng dẫn, xử lý cho người dân.
“Dự kiến đầu năm 2017 sẽ vẫn còn nhiều người dân chưa hoàn tất được thủ tục, hồ sơ sang tên đổi chủ. Chúng tôi sẽ tiếp nhận hồ sơ tới ngày 31/12 và chờ chỉ đạo của thành phố về việc có tiếp nhận các trường hợp chưa làm thủ tục hay không?”, vị cán bộ này nói.
Công an quận Ba Đình cho biết, tới thời điểm hiện tại, đơn vị đã tiếp nhận, xử lý gần 8.000 lượt hồ sơ. Những ngày cuối tháng 12, bình quân 7-8 cán bộ đội CSGT-TT-CĐ tiếp nhận, xử lý gần 200 bộ hồ sơ đăng ký, sang tên đổi chủ. Đơn vị cũng tăng giờ làm tới 19-20h hằng ngày nhưng vẫn không hết việc.
Trước đó, trong cuộc họp Ban Chỉ đạo ứng dụng công nghệ thông tin TP Hà Nội ngày 26/11, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung cho biết, đã xin ý kiến và được Bộ Công an đồng ý, từ 1/1/2017 sẽ thí điểm kiểm tra xe máy chính chủ bằng thiết bị thông minh.
Theo quy định tại điều 30 Nghị định 46, từ ngày 1/1/2017, CSGT sẽ phạt tiền từ 100.000-200.000 đồng đối với cá nhân, từ 200.000-400.000 đồng đối với tổ chức là chủ xe mô tô, xe gắn máy và các loại xe tương tự xe mô tô không làm thủ tục đăng ký sang tên, đổi chủ. Phạt tiền từ 1.000.000-2.000.000 đồng đối với cá nhân, từ 2.000.000-4.000.000 đồng đối với tổ chức là chủ xe ô tô, máy kéo, xe máy chuyên dùng và các loại xe tương tự xe ô tô không sang tên, đổi chủ.
Phòng CSGT Hà Nội cho biết, trong năm 2016, toàn thành phố đăng ký trên 380.000 phương tiện mới (trong đó hơn 63.000 ô tô, hơn 209.000 xe mô tô), trung bình mỗi tháng đăng ký trên 32.000 phương tiện. Trong năm có hơn 19.000 mô tô, 26.000 ô tô hoàn tất thủ tục sang tên đổi chủ.