Chè dây kết nối người nghèo

0:00 / 0:00
0:00
TP - Anh Hà Văn Hưng (SN 1989) quê ở Quảng Bình là điển hình người trẻ với nghề nông ở huyện Đông Giang, tỉnh Quảng Nam. Với mô hình “cây chè dây tự nhiên và liên kết người dân địa phương trồng nguyên liệu”, mỗi năm anh thu về 500 triệu đồng.

Học hết cấp 3, anh Hưng vào TPHCM mưu sinh, nhưng thất bại đành về lại quê. Anh Hưng kể, sau khi từ phố về, năm 2010, anh được một người bạn giới thiệu lên vùng núi Quảng Nam làm việc. Anh liền lên kế hoạch làm việc tích lũy vốn để sau đó về quê kinh doanh. Tuy nhiên, thời điểm ấy tại đây anh chỉ có hai việc để làm, là đào vàng và chặt keo thuê. Anh chọn nghề đào vàng.

Chè dây kết nối người nghèo ảnh 1

Cây chè dây

“Sau một năm làm việc, đến năm 2011, trong lúc nghỉ ngơi, tôi được đồng nghiệp mời loại nước uống được nấu từ một loại lá cây rừng, vị chát và một chút ngọt hậu, rất ngon. Theo lời kể của đồng bào Cơ Tu, đây là cây chè dây, tốt cho đường tiêu hóa, đặc biệt rất hiệu quả với bệnh dạ dày, an thần, giúp ngủ ngon”, anh Hưng kể. Đầu năm 2012, anh nảy sinh ý định thương mại hóa cây dược liệu này.

Chè dây kết nối người nghèo ảnh 2

Anh Hà Văn Hưng hướng dẫn người dân trồng và thu hoạch chè dây hiệu quả. Ảnh: Thái Lâm

Được bố mẹ cho mượn vốn 50 triệu đồng mua giống, sau vài năm, trang trại có gần 100 con các loại. Đến năm 2020, anh quyết định dùng số vốn tích cóp gần chục năm trời để thành lập công ty sản xuất thương mại cây chè dây. Khởi nghiệp đúng mùa dịch COVID-19 nhưng công ty không hề bị ảnh hưởng vì sản phẩm được sử dụng như nước uống hằng ngày.

Trong Đông y, chè dây được đánh giá cao trong việc phòng ngừa và hỗ trợ điều trị bệnh. Cành và lá chè phơi khô nấu nước uống rất tốt cho sức khỏe. Nước chè có công dụng trị đau dạ dày rất tốt. Bên cạnh đó, các chất trong lá và thân có tác dụng chữa viêm loét dạ dày và viêm niêm mạc dạ dày.

Mỗi cân chè dây tươi, tùy theo bộ phận anh Hưng thu giá 10-15 ngàn đồng.

Nhờ trồng chè dây, nhiều hộ đồng bào có thu nhập tốt, đời sống được nâng cao. Ông Nguyễn Văn Quang (trú thôn Ban Mai, xã Ba), một trong những hộ có diện tích trồng chè dây lớn nhất xã, chia sẻ: “Mấy năm trở lại, vì có thương lái thu mua nên bà con tích cực lắm. Gia đình tôi cũng chuyển đổi 1 ha trồng keo sang trồng chè dây đạt hiệu quả kinh tế cao hơn”, ông Quang cho hay.

Anh Hưng dự kiến tiếp tục đầu tư vốn phát triển trồng chè cho những năm tiếp theo, cùng với đó là hoàn thiện hồ sơ đưa sản phẩm chè dây được công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao. Ngoài ra, anh đang nghiên cứu làm mới sản phẩm chè dây hòa tan, giúp người tiêu dùng dễ dàng sử dụng trực tiếp, thuận tiện.

MỚI - NÓNG