'Chảy máu' rừng Tây Yên Tử

0:00 / 0:00
0:00
TP - Thời gian qua, rừng Tây Yên Tử thuộc địa phận huyện Sơn Động (Bắc Giang) bị lâm tặc đốn hạ nhiều cây gỗ lớn. Thậm chí sự việc diễn ra giữa ban ngày mà không có một cơ quan chức năng nào ở địa phương phát hiện và ngăn chặn.
'Chảy máu' rừng Tây Yên Tử ảnh 1
Nhiều cây gỗ rừng Tây Yên Tử thuộc địa bàn xã Thanh Luận (huyện Sơn Động, tỉnh Bắc Giang) bị lâm tặc chặt hạ to hơn 1 người ôm. Ảnh: Nguyễn Thắng

Chặt phá rừng giữa ban ngày

Sau nhiều ngày khảo sát địa bàn rừng Tây Yên Tử, một ngày đầu tháng 1/2023 phóng viên Tiền Phong mới có thể tiếp cận được địa điểm lâm tặc lộng hành. Con đường đất mới mở dẫn lên khu rừng Tây Yên Tử thuộc địa bàn xã Thanh Luận (huyện Sơn Động) có những đoạn rất khó đi, đất đá lởm chởm, xe máy không thể di chuyển được, buộc phải đi bộ. Sau hàng tiếng đồng hồ đi bộ, luồn qua những tán rừng, phóng viên bắt gặp những cây gỗ lớn bị đốn hạ còn trơ gốc. Tiếp tục đi sâu vào trong khu bảo tồn rừng Tây Yên Tử, chúng tôi phát hiện ngày càng nhiều cây gỗ bị chặt hạ. Có những cây bị đốn hạ cách đó từ vài tuần, hoặc vài tháng trước, thậm chí có những cây mới bị cưa đổ vài ngày.

Khi đi sâu vào trong rừng, phóng viên thấy có dấu vết của việc lập lán trại với những cây tre, nứa vất ngổn ngang và lều bạt gần những cây gỗ bị đốn hạ. Có những khu vực chỉ vài chục mét vuông mà gần chục cây gỗ to đã bị cưa đổ. Thời điểm phóng viên tiếp cận hiện trường, một số khúc gỗ còn chưa kịp vận chuyển ra bên ngoài rừng. Nhiều gốc còn ứa nhựa. Ước lượng đường kính của những gốc cây này từ 40 - 60 cm.

Đang loay hoay tìm lối ra, thật bất ngờ, ở một góc xa của khu rừng, chúng tôi nghe tiếng máy cưa của lâm tặc chặt hạ gỗ rừng. Cây đổ ào ào xuống đất. Tiếp cận lại gần hơn, chúng tôi quan sát thấy 2 - 3 người không rõ mặt đang hì hục cưa những cây gỗ lớn. Có lẽ nghi ngờ bị phát hiện, chỉ vài tiếng đồng hồ sau, những lâm tặc này đã nhanh chân rút ra khỏi rừng, bỏ lại những khúc gỗ đã được cưa cắt.

Theo tìm hiểu của phóng viên, khu vực rừng Tây Yên Tử bị lâm tặc tàn phá được cho là thuộc tuyến 7 (xã Thanh Luận). Trong khu vực rừng này, có nhiều lối mòn được hình thành từ việc vận chuyển gỗ ra bên ngoài đường. Điều đáng chú ý, lâm tặc chặt hạ gỗ rừng Tây Yên Tử diễn ra ngang nhiên vào ban ngày và diễn ra nhiều ngày mà không một cơ quan chức năng nào ở tỉnh Bắc Giang phát hiện và xử lý.

'Chảy máu' rừng Tây Yên Tử ảnh 2
Gỗ bị lâm tặc đốn hạ chất ngổn ngang chờ đưa ra khỏi rừng. Ảnh: Nguyễn Thắng

Không phát hiện ra

Trao đổi với phóng viên Tiền Phong, ông Nguyễn Văn Mạnh, Trưởng Ban quản lý Bảo tồn thiên nhiên Tây Yên Tử cho biết, khu vực rừng tuyến 7 (xã Thanh Luận) là rừng cấm khai thác, chặt phá. Khu vực này thuộc Ban Quản lý Bảo tồn thiên nhiên Tây Yên Tử (thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bắc Giang) quản lý. Đối với khu vực tuyến 7, có 2 cán bộ của Ban Quản lý Bảo tồn thiên nhiên Tây Yên Tử trông giữ rừng, đồng thời tại khu vực này cũng có 2 chốt bảo vệ rừng.

Ông Mạnh cho biết thêm, khu vực tuyến 7 có khoảng 200ha rừng. Rừng ở đây có hai loại cây gỗ lớn là gỗ giẻ và gỗ dổi. Những cây gỗ giẻ và dổi này thường có tuổi đời từ 25 đến hơn 40 năm, đường kính từ 30 - 70 cm. Trong thời gian gần đây, Ban Quản lý Bảo tồn thiên nhiên Tây Yên Tử chưa phát hiện ra vụ chặt phá rừng nào tại khu vực tuyến 7 và địa bàn xã Thanh Luận. Năm 2022, UBND tỉnh Bắc Giang có chấp thuận phương án di chuyển cây rừng tự nhiên và trồng cây hoàn nguyên trên diện tích khoan thăm dò than khoáng sản tại mỏ than Đồng Rì (xã Thanh Luận). Tuy nhiên, phóng viên phát hiện khu vực rừng bị chặt phá nằm cách khá xa tuyến đường được mở để phục vụ khoan thăm dò khoáng sản mỏ than Đồng Rì.

Chiều 16/1, phóng viên Tiền Phong nắm được thông tin khả năng lâm tặc đưa xe ô tô lên vận chuyển những đoạn gỗ rừng Tây Yên Tử bị chặt phá trước đó ra khỏi rừng, phóng viên đã thông tin đến cơ quan chức năng huyện Sơn Động và Công an tỉnh Bắc Giang để phối hợp kiểm tra. Công an huyện Sơn Động đã cử lực lượng vào khu vực rừng Tây Yên Tử thuộc địa bàn xã Thanh Luận để xác minh, kiểm tra sự việc.

Khi phóng viên Tiền Phong cung cấp những hình ảnh chặt phá rừng ở khu vực được cho là tuyến 7 thuộc xã Thanh Luận nói trên, ông Mạnh cho biết sẽ cho kiểm tra và thông tin lại sau. “Trong 1 năm qua, chúng tôi không phát hiện ra vụ chặt phá rừng nào thuộc xã Thanh Luận và địa bàn chúng tôi quản lý. Nếu có việc chặt phá rừng như phóng viên thông tin, trách nhiệm chính thuộc về chúng tôi”, ông Mạnh nói.

Lãnh đạo UBND huyện Sơn Động cho biết, Ban Quản lý Bảo tồn thiên nhiên Tây Yên Tử kết hợp với huyện Sơn Động thực hiện công tác bảo vệ rừng Tây Yên Tử. Tuy nhiên trong 6 tháng cuối năm 2022 và thời gian gần đây, cơ quan chức năng của UBND huyện Sơn Động cũng không phát hiện ra vụ chặt phá rừng nào trên địa bàn huyện.

'Chảy máu' rừng Tây Yên Tử ảnh 3
Một gốc cây ở rừng Tây Yên Tử bị chặt hạ trái phép. Ảnh: Nguyễn Thắng

Chiều 16/1, trao đổi với phóng viên Tiền Phong, ông Nguyễn Văn Hiệu, Phó Chi cục Kiểm lâm tỉnh Bắc Giang thông tin, khu vực tuyến 7 có cả rừng đặc dụng và rừng phòng hộ, “nhưng dù rừng gì thì cũng không được phép chặt phá”. Thời gian qua, Ban Quản lý Bảo tồn thiên nhiên Tây Yên Tử và lực lượng kiểm lâm vẫn thường xuyên đi kiểm tra, nhưng không phát hiện ra việc chặt phá rừng.

Khi phóng viên thông tin về việc có hiện tượng chặt phá rừng Tây Yên Tử thuộc địa bàn xã Thanh Luận, ông Hiệu cho biết, ngày mai (17/1) ông sẽ đi kiểm tra. Nếu thông tin chặt phá rừng của phóng viên cung cấp là chính xác, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Bắc Giang tiến hành xem xét trách nhiệm tập thể, cá nhân có liên quan. “Trách nhiệm chính thuộc về chủ rừng của khu vực đó là Ban Quản lý Bảo tồn thiên nhiên Tây Yên Tử. Tuy nhiên, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Bắc Giang cũng có trách nhiệm trong việc bảo vệ rừng Tây Yên Tử. Nếu thuộc trách nhiệm của mình, chúng tôi sẽ xử lý nghiêm vi phạm, không bao che”, ông Hiệu cho hay.

MỚI - NÓNG