Khẳng định chủ quyền
“Châu bản triều Nguyễn là cơ sở pháp lí làm sáng tỏ chân lí lịch sử, khẳng định chủ quyền Hoàng Sa- Trường Sa là của Việt Nam”, ông Nguyễn Thái Bình, Bộ trưởng Bộ Nội vụ phát biểu.
Trong kho châu bản hiện nay, chúng ta có 773 tập, 85 ngàn đơn vị châu bản, trong số đó có 19 tờ liên quan đến hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. “Phân tích riêng 19 tờ châu bản này, tôi rất mừng. Nó phản ánh hết sức rõ ràng về cách thức quản lý chủ quyền của triều Nguyễn đối với hai quần đảo”, GS Phan Huy Lê trả lời báo chí.
Theo GS Lê, Triều Nguyễn nhận thức rất sâu sắc về vị trí chiến lược của Hoàng Sa- Trường Sa. Một tờ châu bản khẳng định rõ vùng Hoàng Sa, Trường Sa là lãnh thổ cương giới trên biển của nước ta. Một tờ khác nhấn mạnh, cương giới trên biển của chúng ta thì Hoàng Sa là tối hiểm yếu.
Triều Nguyễn cũng nâng tầm quản lý hai quần đảo này: Trước đây giao cho đội Tây Sơn quản lý và khảo sát, đến thời Nguyễn thì nâng cấp, để triều đình trực tiếp quản lý dưới sự chỉ đạo phê duyệt cuối cùng của vua. Việc điều thuyền, thủy binh, thuê dân phu, đi và đến hai quần đảo này đều thể hiện trong các văn bản liên quan.
Không những thực hiện quyền, chủ quyền trên hai quần đảo, chúng ta cũng thực hiện quyền cứu hộ khi các tàu thuyền nước ngoài mắc cạn, bị đắm- thể hiện trong châu bản năm 1834 về cứu hộ thuyền của nước Pháp.
“Chúng ta thực hiện một cách toàn diện chủ quyền ở Trường Sa, Hoàng Sa. Những tư liệu này không chỉ là tư liệu lịch sử mà còn là tư liệu đặc biệt, trên đó có ngự phê của vua, kèm theo đó là dấu ấn của nhà Nguyễn và các chính quyền địa phương. Đây là văn bản hành chính quốc gia cao cấp, có giá trị lịch sử, pháp lý cao nhất không thể tranh cãi về chủ quyền của ta với Trường Sa, Hoàng Sa”, GS Lê nhấn mạnh.
Trước khi trao bằng, bà Katherine Muller Marin, Trưởng đại diện Văn phòng UNESCO Hà Nội phát biểu: “Những tư liệu này có ý nghĩa quan trọng vì chúng đưa quý vị ngược dòng lịch sử thông qua những câu chuyện kể về hơn 150 năm phát triển chính trị, kinh tế - xã hội và văn hóa của Việt Nam. Mặc dù được viết từ thế hệ trước, những tư liệu này phản ảnh cam kết lâu dài của dân tộc về phát triển giáo dục, văn hóa và khoa học, những cam kết mà ngày nay, vẫn rất mạnh mẽ”.
Bà lấy ví dụ, châu bản cho thấy thời vua Gia Long chú trọng đến việc thi cử tuyển chọn nhân tài và học hành tại trường Quốc Tử Giám ở Phú Xuân. Năm 1825, Vua Minh Mạng ngự phê, chỉ đạo chính sách về phân phát đồ cứu tế và giảm giá thóc gạo cho dân tại những vùng thiên tai. Vua Thành Thái cho mở trường Quốc học năm 1896 để đào tạo nhân tài có trình độ về nền văn minh phương Tây-một bước tiến hướng đến việc phát triển năng lực học tập, đồng thời cổ vũ sự hiểu biết giữa các nền văn hóa.
Thách thức bảo tồn
“Từ nay, thế giới có thêm nguồn tư liệu quý phục vụ nghiên cứu. Châu bản được công nhận là di sản thế giới, đồng thời là trách nhiệm to lớn với ngành lưu trữ. Trong thời gian tới, tôi yêu cầu Cục Văn thư- Lưu trữ Nhà nước hợp tác với cơ quan trong nước và quốc tế để công bố, giới thiệu châu bản triều Nguyễn bằng nhiều hình thức, để ngày càng đến gần với công chúng”, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình nói.
Giám đốc Trung tâm Lưu trữ quốc gia 1, ông Hà Văn Huề thừa nhận, đã thực hiện hàng loạt biện pháp bảo tồn, phát huy giá trị, nhưng mới tập trung về hình thức. Các cơ sở dữ liệu để tra cứu mới dịch từ tiếng Nôm sang tiếng Việt, chưa có tiếng Anh- chưa phục vụ được nhu cầu tra cứu của độc giả nước ngoài.
“Chúng tôi sẽ nâng cấp hệ thống cơ sở dữ liệu phục vụ các nhóm độc giả, nghiên cứu quốc tế, rồi xây dựng trang web riêng, từng bước giới thiệu châu bản trên mạng. Đồng thời, trưng bày, xuất bản sách, triển lãm giới thiệu nội dung trong châu bản liên quan chính trị, văn hóa, nông nghiệp, đối ngoại, cung cấp bằng chứng lịch sử có tính pháp lí”, ông Huề nói.
Thách thức đối với bảo tồn di sản tư liệu nói chung, châu bản nói riêng: Điều kiện chưa thuận lợi, môi trường tác động tiêu cực khiến tài liệu bị mủn, giòn, gẫy, phai mực, bết dính, côn trùng phá hoại. “Hiện 5% bị hư hỏng nặng, bị bết dính chưa phục hồi được, vì chỉ cần mở ra là hỏng hết”, ông Huề chia sẻ.
Ông Phan Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế cho rằng, cách lưu giữ hiện nay không phải vấn đề đáng lo, quan trọng hơn là “chuyển tải giá trị của châu bản đến đông đảo người Việt, giới nghiên cứu. Vì đây là nguồn tư liệu Hán Nôm, có khoảng cách rất lớn với người đương đại”.
Ông Hải đề xuất đưa châu bản số hóa đến các viện nghiên cứu, trường đại học. Nội dung phong phú của nó cần được phân loại, sắp xếp để giới nghiên cứu, sinh viên, độc giả phổ thông khai thác.
Năm ngoái, tại hội thảo tập huấn, trao đổi kinh nghiệm về di sản tư liệu, đại biểu Hàn Quốc trình bày nhiều cách thức hay trong bảo quản.
“Hàn Quốc nhiều kinh nghiệm, nhưng chúng ta chưa có điều kiện học tập, nghiên cứu dài ngày, mà chỉ trao đổi học thuật. Cần có đầy đủ thiết bị hiện đại hơn để xử lí số tư liệu này. Chúng tôi đang lập đề án, học hỏi kinh nghiệm nước ngoài”, ông Hà Văn Huề nói.
“Tôi khuyến nghị cung cấp những tư liệu được số hóa này thông qua truy cập mở, miễn phí cho học sinh, giảng viên, các nhà nghiên cứu, các nhà khoa học và công chúng, đặc biệt là giới trẻ bởi họ là những tác nhân thay đổi và phát triển quốc gia trong tương lai.
Một mục tiêu cần thực hiện và khuyến khích mọi người dân Việt Nam trân trọng quá khứ lịch sử này và tự hào về di sản tư liệu quốc gia và thế giới”, bà Katherine Muller Marin nói.
Dự kiến, tháng 11 tới sẽ trưng bày châu bản triều Nguyễn tại Huế-nơi khởi phát tư liệu đáng quý này.