Châu Âu ‘đói’ vũ khí, cơ hội vàng cho Hàn Quốc

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Hàn Quốc đang dùng hợp đồng bán vũ khí trị giá 13,7 tỷ USD cho Ba Lan – khách hàng lớn nhất của Seoul từ trước đến nay – làm bệ phóng cho nền công nghiệp quân sự, để có thể giúp châu Âu giải tỏa được “cơn đói” vũ khí.
Châu Âu ‘đói’ vũ khí, cơ hội vàng cho Hàn Quốc ảnh 1

Lựu pháo K9 do Hàn Quốc sản xuất tham gia cuộc tập trận ở Ba Lan ngày 30/3/2023. (Ảnh: Reuters)

Doanh thu từ bán vũ khí của Hàn Quốc năm 2022 tăng lên 17 tỷ USD từ mức 7,25 tỷ USD của năm trước, theo thống kê của Bộ Quốc phòng, trong bối cảnh các nước phương Tây đang hối hả gom vũ khí để cung cấp cho Ukraine và căng thẳng gia tăng ở nhiều điểm nóng.

Hợp đồng bán vũ khí cho Ba Lan, một thành viên của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), bao gồm hàng trăm bệ phóng tên lửa Chunmoo, xe tăng K2, lựu pháo tự hành K9 và máy bay chiến đấu FA-50. Giá trị hợp đồng và số lượng vũ khí lớn như vậy khiến thương vụ này được xếp vào nhóm hợp đồng quốc phòng lớn nhất thế giới.

Các quan chức Hàn Quốc và Ba Lan nói rằng quan hệ hợp tác này sẽ giúp họ chinh phục thị trường vũ khí châu Âu không chỉ trong giai đoạn xung đột Nga - Ukraine, khi Seoul có thể cung cấp vũ khí chất lượng cao nhanh hơn những nhà cung cấp khác, còn Ba Lan có thể đóng góp năng lực sản xuất và trở thành kênh bán hàng vào châu Âu.

Reuters cho biết đã trao đổi với 13 quan chức chính phủ và lãnh đạo doanh nghiệp, trong đó có những người đã tham gia trực tiếp thỏa thuận. Họ nói rằng quan hệ hợp tác này có thể mở ra các quan hệ đối tác công tư quốc tế và để mở rộng thị trường cho Seoul, nhằm đạt được mục tiêu trở thành một trong những nhà cung cấp vũ khí lớn nhất thế giới.

“CH Séc, Romania, Slovakia, Phần Lan, Estonia, Latvia, Lithuania và các nước khác đang nghĩ về việc mua sản phẩm quốc phòng không chỉ ở châu Âu, mà giờ họ biết có thể mua từ các công ty Hàn Quốc với giá thấp hơn, thời gian bàn giao nhanh hơn”, Oh Kyeahwan, giám đốc Hanwha Aerospace, một hãng cũng tham gia vào hợp đồng bán vũ khí cho Ba Lan, cho biết.

Các công ty Hàn Quốc không tiết lộ giá vũ khí của họ, trong khi mỗi vũ khí đều được bán kèm phương tiện hỗ trợ và linh kiện.

Hanwha Aerospace hiện đã chiếm tới 55% thị trường lựu pháo toàn cầu, và dự kiến sẽ tăng lên 68% sau hợp đồng với Ba Lan, theo nghiên cứu của NH Research & Securities.

Các quan chức Ba Lan cho biết, việc Hàn Quốc đưa ra thời hạn bàn giao nhanh hơn nhiều các nhà cung cấp khác cũng là một yếu tố hấp dẫn. Lô đầu tiên gồm 10 xe tăng K2 và 24 chiếc K9 được đưa đến Ba Lan từ tháng 12 năm ngoái, chỉ vài tháng sau khi hợp đồng được ký. Ít nhất 5 xe tăng và 12 lựu pháo khác đã được bàn giao kể từ đó.

Trong khi đó, Đức, một nhà sản xuất vũ khí lớn trên thế giới, vẫn chưa bàn giao bất kỳ chiếc nào trong lô 44 xe tăng Leopard mà Hungary đặt hàng từ năm 2018, Oskar Pietrewicz, nhà phân tích cấp cao tại Viện Nghiên cứu quốc tế Ba Lan, cho biết.

Các quan chức ở Seoul nói với Reuters rằng họ đã thuyết phục được Ba Lan hợp tác sản xuất vũ khí theo công nghệ Hàn Quốc, để giúp việc vận chuyển cho khách hàng châu Âu dễ dàng hơn.

Ông Oh cho biết, Hanwha Aerospace đã đạt được thỏa thuận chia sẻ công nghệ ở Ấn Độ, Ai Cập và Thổ Nhĩ Kỳ.

Theo Reuters
MỚI - NÓNG