Hiện tại, cả Anh, Italia và Pháp đều đang sử dụng những chiếc UAV Predator của Mỹ. Không quân Đức cũng đang cân nhắc mua sắm Predator khi mà hợp đồng thuê UAV của họ với Israel hết hạn. Hà Lan thì vừa ký hợp đồng mua một số UAV Predator.
Phân khúc thị trường UAV tầm cao và tầm xa trung bình (MALE) hiện do MQ-9 Predator hay Reaper của Mỹ và Heron của Israel chiếm lĩnh.
Ngoài ra, có thể thấy, trong khi tại Triển lãm Hàng không ILA Berlin ngập tràn các thiết bị không người lái nhỏ gọn, thì các công ty châu Âu vẫn còn hạn chế ở khả năng chế tạo các sản phẩm này.
Thực trạng các nước sử dụng Predator ngày càng tăng, làm dấy lên quan ngại sự phụ thuộc quá mức của châu Âu vào một nhà cung cấp Mỹ. Người ta lo lắng khi nghĩ tới trường hợp Mỹ hạn chế xuất khẩu, gây trở ngại, hay giới hạn sự tiếp cận công nghệ đối với các UAV tân tiến này.
Trước thực tế trên, 3 công ty châu Âu gồm Airbus (Anh), Alenia (Ý) và Dassault (Pháp) đã thông báo một thỏa thuận chương trình hợp tác chế tạo UAV mang tên MALE 2020.
Ba công ty mong muốn sẽ đạt được sự chấp thuận từ các chính phủ của họ vào cuối 2014. Kế hoạch này được 3 công ty thông báo hôm 19/5, ngay trước Triển lãm Hàng không Berlin và đã trở thành một chủ đề “nóng” tại triển lãm.
Frank Pace, Chủ tịch Tập đoàn General Atomics sản xuất Predator cho rằng, chương trình mới này sẽ có thể tiêu tốn hơn 1 tỷ USD.
Airbus, Alenia và Dassault sẽ chung tay hợp tác, trong đó, Airbus Defence and Space sẽ có vai trò chủ đạo trong giai đoạn định hình sản phẩm. Nguồn tin từ hãng Alenia cho biết: “Giai đoạn định hình, sau đó là giai đoạn phát triển sản phẩm sẽ bắt đầu từ tháng 01/2017, sau khi thỏa thuận ban đầu được ký trong năm 2014.”
UAV mới dự kiến ra mới vào năm 2020. Giai đoạn định hình sản phẩm sẽ kéo dài trong 2 năm 2015-2016. Một nguồn tin chuyên ngành cho rằng, giai đoạn này sẽ tiêu tốn khoảng 50 triệu Euro (tương đương 68 triệu USD).
Các công ty sẽ tập trung trang bị cho UAV trong tương lai khả năng thu tập tin tức tình báo, khả năng cơ động xa và nhanh, thay đổi tầm cao linh hoạt , đảm bảo cho UAV khả năng vận hành trong điều kiện phức tạp. Bộ phận động lực sẽ được thiết kế đạt độ an toàn cho UAV khi bay qua các khu vưc đông dân cư của châu Âu.
Chủ tịch Tập đoàn General Atomics, Frank Pace cho rằng, sẽ là vô nghĩa nếu các nước châu Âu chi tiền cho hệ thống MALE sao chép Predator. Các nước này không nên chế tạo một phiên bản "me too" của Predator B. Họ nên chế tạo phiên bản tàng hình - phiên bản mà họ không nhập khẩu từ Mỹ. Ngoài ra có thể phát triển UAV tốc độ cao, tiết diện rađar nhỏ.