Châu Âu bất mãn vì Mỹ hưởng lợi từ xung đột Nga - Ukraine

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Các quan chức cấp cao Liên minh châu Âu (EU) chỉ trích Tổng thống Mỹ Joe Biden liên quan đến cuộc xung đột đang diễn ra ở Ukraine, bày tỏ hoài nghi rằng liệu Mỹ có còn là đồng minh của châu Âu khi bán khí đốt với giá cao, trong khi chính sách năng lượng của Mỹ đẩy châu Âu vào “chế độ hoảng loạn toàn diện”, theo Politico.
Châu Âu bất mãn vì Mỹ hưởng lợi từ xung đột Nga - Ukraine ảnh 1

Tổng thống Mỹ Joe Biden. (Ảnh: Fox News)

Politico dẫn lời các quan chức giấu tên cáo buộc Mỹ “hưởng lợi” từ cuộc xung đột ở Ukraine, phàn nàn rằng chính sách thuế và trợ cấp năng lượng xanh như Đạo luật giảm lạm phát đang làm xấu quan hệ giữa Mỹ với các đồng minh châu Âu và đối tác.

“Thực tế là, nếu bạn nhìn nhận vấn đề một cách tỉnh táo, quốc gia đang hưởng lợi nhiều nhất từ cuộc chiến này là Mỹ, vì họ đang bán khí đốt nhiều hơn với giá cao hơn, và họ đang bán được nhiều vũ khí hơn”, một quan chức cấp cao nói với Politico.

“Chúng ta thực sự đang ở ngã rẽ lịch sử”, vị quan chức nói, đồng thời cho rằng các chính sách của Mỹ đang gây gián đoạn thương mại và giá khí đốt cao hơn đang làm thay đổi sự ủng hộ của dư luận đối với Ukraine. “Mỹ cần nhận ra rằng tư tưởng dư luận đang thay đổi ở nhiều nước EU”, vị quan chức nói.

Một trong những phàn nàn của châu Âu là khoản tín dụng hỗ trợ xe điện trong Đạo luật giảm lạm phát. Châu Âu cho rằng dự luật trị giá 369 tỷ USD mà Tổng thống Biden đã ký mang tính “bảo hộ” và “phân biệt đối xử” vì tạo ra sự cạnh tranh không công bằng với các hãng chế tạo xe của nước ngoài.

“Đạo luật giảm lạm phát rất đáng ngại. Tác động tiềm tàng lên kinh tế châu Âu là rất lớn”, Bộ trưởng Thương mại Hà Lan Liesje Schreinemacher nói.

Trong mấy tháng qua, các quan chức châu Âu luôn cảnh báo về một cuộc khủng hoảng năng lượng trong mùa Đông này, khi Nga cắt giảm mạnh nguồn cung để đáp trả các biện pháp trừng phạt. Giờ đây, các kho dự trữ của châu Âu đã gần đầy, sau khi châu Âu tăng cường nhập LNG từ Mỹ và Qatar, theo số liệu thống kê mới nhất.

Cùng lúc đó, Nga cắt giảm xuất khẩu nhiên liệu cho châu Âu, buộc các nước châu Âu phải mua từ Mỹ với giá cao gấp gần 4 lần chi phí. Những yếu tố đó, cộng với tình hình lạm phát cao kỷ lục, nguy cơ suy thoái và nhu cầu sử dụng nhiên liệu tăng cao hơn trong mùa Đông khiến các nhà lãnh đạo châu Âu đặt câu hỏi rằng liệu chính quyền của Tổng thống Biden có biết chính sách của Mỹ đang gây hại như thế nào.

“Người Mỹ, những người bạn của chúng tôi, đưa ra những quyết định gây tác động kinh tế lên chúng tôi”, ông Josep Borrell, quan chức phụ trách đối ngoại châu Âu, nói với Politico.

Giới chức Mỹ thì đổ lỗi cho Nga. “Tình trạng tăng giá khí đốt ở châu Âu là do chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine và cuộc chiến năng lượng của (Tổng thống Nga Vladimir) Putin với châu Âu”, phát ngôn viên của Hội đồng an ninh quốc gia Mỹ nói với Politico.

Nhà Trắng khẳng định hoạt động xuất khẩu năng lượng của Mỹ đang giúp ích cho châu Âu, giúp châu lục tăng nguồn cung trước khi mùa Đông đến.

“Việc tăng nguồn cung LNG (khí hoá lỏng), đi đầu là Mỹ, đã giúp các đồng minh và đối tác châu Âu tăng mức dự trữ trước mùa Đông, và chúng tôi sẽ tiếp tục làm việc với EU, các thành viên của họ và các nước châu Âu khác để bảo đảm đủ nguồn cung trong mùa đông và xa hơn nữa”, một quan chức của Hội đồng an ninh quốc gia Mỹ nói với Fox News.

Nhà Trắng khẳng định các chính sách của Mỹ không làm suy giảm hay đi ngược lại lời hứa của Tổng thống Biden rằng “Mỹ đã trở lại” như một đồng minh đáng tin cậy.

Tuy nhiên, các quan chức châu Âu không chắc lắm về điều đó.

“Đạo luật giảm lạm phát đã thay đổi mọi thứ. Liệu Washington có còn là đồng minh của chúng tôi hay không?” một nhà ngoại giao EU nói với Politico.

Theo Politico, Fox News
MỚI - NÓNG