Chật vật tìm nhân lực để hồi sinh du lịch

0:00 / 0:00
0:00
TP - Nhiều doanh nghiệp du lịch tại Đà Nẵng đang tìm kiếm nhân lực để khôi phục hoạt động phục vụ du khách.
Chật vật tìm nhân lực để hồi sinh du lịch ảnh 1

Nhân viên phục vụ tại khách sạn. Ảnh: Thanh Trần

E ngại trở lại

Hơn một năm qua, chị Phan Thị Thanh Hương (28 tuổi, quận Ngũ Hành Sơn) buôn bán hàng online để mưu sinh sau khi nghỉ việc lễ tân kiêm phiên dịch trong một khách sạn trên đường Hoàng Diệu. “Thời gian đầu nghỉ việc, khách sạn còn hỗ trợ để giữ chân. Sau đó, khách sạn mở cửa lại, tôi cũng tới làm. Nhưng chỉ lác đác vài khách đến thuê phòng. Khách sạn lại cho nghỉ tiếp và không thấy hỗ trợ nữa vì họ cũng khó khăn không có nguồn thu. Tôi phải tập tành bán hàng trên mạng để kiếm tiền”, chị nói. Chị Hương chia sẻ, công việc hiện tại của chị đang ổn nên không muốn bỏ để quay lại làm lễ tân dù phía khách sạn đã gọi điện đặt vấn đề. Mặt khác, với tình hình dịch chưa chấm dứt, chị lo sợ sẽ lặp lại cảnh làm vài ngày rồi nghỉ như trước.

Tương tự, chị Nguyễn Hồng Tâm (45 tuổi) đã đi trông trẻ, dọn nhà sau khi nghỉ việc dọn buồng phòng trong khách sạn. Chị cho hay, giờ đã quen công việc mới, môi trường mới, nên ngại quay lại dọn dẹp hàng chục phòng trong khách sạn mỗi ngày. "Tôi cũng sợ cảnh làm năm bữa nửa tháng rồi khách sạn lại đóng cửa, phải bắt đầu lại từ đầu lắm”, chị nói.

Ông Nguyễn Đức Quỳnh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng nhìn nhận, hơn 80% các doanh nghiệp du lịch trên địa bàn đóng cửa trong thời gian dài, nhân sự nghỉ việc đã tìm kiếm công việc mới, đã “quen tay” nên rất khó quay trở lại. Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng nêu thực tế, một bộ phận không nhỏ nhân lực du lịch đã vào khu công nghiệp làm công nhân. “Nếu không, phục hồi nhanh sẽ mất dần lực lượng, phải bỏ công ra đào tạo lại từ đầu”, ông lưu ý.

Bỏ công đào tạo

Trên các trang tuyển dụng việc làm tại Đà Nẵng, hàng loạt khách sạn, nhà nghỉ, spa, nhà hàng… đăng thông tin tuyển dụng, với hai vị trí chủ yếu là nhân viên lễ tân và buồng phòng. Khách sạn Minh Toàn Ocean (quận Sơn Trà) cần tuyển 6 người cho các vị trí buồng phòng, vệ sinh công cộng và bếp; An Spa (quận Hải Châu) tuyển 14 người cho hai vị trí buồng phòng và lễ tân… Các cơ sở này cũng không đòi hỏi nhiều về điều kiện, có chế độ đãi ngộ hấp dẫn và phần lớn đều cần đi làm ngay.

Dự tính tới đầu tháng 3 mới mở cửa lại, khách sạn Vanda (đường Nguyễn Văn Linh) cũng đang loay hoay củng cố lại đội ngũ nhân lực. Ông Nguyễn Đức Cương, Tổng quản lý khách sạn, cho hay, trước đây khách sạn có hơn 150 nhân viên, khi dịch bùng phát phải cắt giảm dần. Suốt thời gian dài đóng cửa, khách sạn chỉ giữ lại bộ khung là quản lý, một số nhân viên kỹ thuật, bảo vệ… “Bây giờ tuyển dụng lại chắc chắn là sẽ rất khó khăn, không những về số lượng mà còn cả chất lượng. Bởi một phần nguồn nhân lực thất thoát khi trụ lại ngành khác, một phần chuyên môn, nghiệp vụ của những người quay lại làm việc chắc chắn sa sút hơn so với trước đây. Khách sạn chúng tôi sẽ phải kiểm tra, đào tạo lại để đảm bảo chất lượng phục vụ du khách”, ông phân tích.

Mới đây, Hội Khách sạn Đà Nẵng ký thỏa thuận hợp tác với Trường Cao đẳng Du lịch Đà Nẵng. Hai bên thống nhất hợp tác trong việc cung cấp nguồn nhân lực và phối hợp tổ chức các hoạt động nhằm nâng cao kiến thức thực tiễn cho sinh viên qua việc khảo sát, thực tập thực tế, tuyển dụng và cung cấp nguồn nhân lực có chất lượng cho ngành du lịch nói chung và các cơ sở lưu trú tại Đà Nẵng nói riêng.

Bà Trần Thanh Thủy, Phó giám đốc Sở Y tế Đà Nẵng, cho hay đã tham mưu thành phố không hạn chế đi lại, không cấm các hoạt động, chỉ đi kèm với các điều kiện để phòng chống dịch nhằm hỗ trợ khôi phục du lịch. Các hoạt động spa, massge, karaoke… không bị cấm kể cả vùng cấp độ 4.

MỚI - NÓNG