Chất vấn Tổng Thanh tra Chính phủ: Tham nhũng vẫn nhức nhối

Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh trả lời chất vấn
Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh trả lời chất vấn
TP - Ngày 12/6, phiên chất vấn Tổng Thanh tra Chính phủ (TTCP) Huỳnh Phong Tranh trở nên nóng ngay từ những phút đầu, đặc biệt là những vấn đề của chính ngành Thanh tra như việc thanh tra nhiều nhưng hiệu quả phát hiện tham nhũng thấp.

Việc xác minh khối tài sản của nguyên tổng Thanh tra và phó tổng Thanh tra, việc bổ nhiệm cán bộ thanh tra đã được nhiều đại biểu Quốc hội thẳng thắn đặt câu hỏi.

Sẽ kê khai tài sản của cựu quan chức

Trả lời chất vấn của đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) về việc thời gian qua có dư luận và báo chí nêu một số phó tổng TTCP có nhiều tài sản lớn, Tổng TTCP Huỳnh Phong Tranh cho biết “đang đối chiếu tài sản của ông Ngô Văn Khánh – Phó Tổng TTCP với bản kê khai để xem mức độ chính xác như thế nào và sẽ có kết luận”.

Tổng TTCP Huỳnh Phong Tranh cho biết, TTCP đã chủ động yêu cầu ông Khánh báo cáo trước Ban cán sự về nguồn gốc tài sản và quá trình kê khai từ năm 2007. 

“Qua nhiều lần kê khai trong nhiều năm, đối chiếu thấy đúng”, ông Tranh cho biết đã đề nghị ông Khánh báo cáo giải trình việc kê khai tài sản gửi các cơ quan chức năng.  Tuy nhiên, ông Khánh thuộc diện cán bộ do Ban Bí thư quản lý nên UB Kiểm tra T.Ư đã vào cuộc. Hiện cơ quan này đang đối chiếu tài sản với kê khai để đánh giá trước khi có kết luận chính thức.

Ngành Thanh tra đã tích cực trong việc phát hiện, chuyển cơ quan điều tra, nhưng đúng là chuyển chưa nhiều. Vừa qua, thanh tra đã chuyển hơn 200 vụ việc (240 người vi phạm) qua cơ quan điều tra đề nghị xử lý hình sự, trong đó TTCP chuyển hơn 40 vụ.

Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh

Tiếp mạch chất vấn này nhiều đại biểu đồng loạt đặt câu hỏi về tài sản của các cựu quan chức và đương nhiệm của TTCP.

Đại biểu Bùi Thị An (Hà Nội) hỏi cảm nghĩ của ông Tranh về khối tài sản của ông Trần Văn Truyền, ông Ngô Văn Khánh và cả việc bổ nhiệm 60 cán bộ vội vàng của ông Truyền trước khi về hưu.

Đại biểu Lê Đắc Lâm (Bình Thuận) kiến nghị phải có biện pháp kiểm soát kê khai tài sản thu nhập của cán bộ về hưu.

“Thanh tra là tai mắt của Chính phủ, nhân dân nên tai phải thính, mắt phải tinh, công tác cán bộ là rất quan trọng”, bà An nhấn mạnh.

Ông Huỳnh Phong Tranh cho hay hiện tại chưa có quy định cán bộ về hưu phải kê khai tài sản thu nhập nên vẫn đang nghiên cứu, đề xuất để quản lý đồng bộ cả cán bộ đương chức lẫn về hưu. Dù vậy, ông Tranh cũng khẳng định qua theo dõi việc kê khai tài sản chưa phát hiện dấu hiệu không trung thực.

Đối với tài sản của nguyên Tổng TTCP Trần Văn Truyền, ông Tranh cho rằng, ông Truyền đã nghỉ hưu và chuyển về sinh hoạt tại tỉnh Bến Tre, TTCP đã trao đổi với Tỉnh ủy Bến Tre để nắm tình hình. Hơn nữa ông Truyền là cán bộ thuộc diện Ban Bí thư quản lý nên UB Kiểm tra T.Ư cũng  đang nắm tình hình và TTCP cũng phối hợp theo dõi khối tài sản này.

Với việc bổ nhiệm 60 cán bộ ngay trước khi về hưu của ông Trần Văn Truyền, ông Huỳnh Phong Tranh khẳng định, thông tin báo chí nêu là chính xác. Tuy nhiên, ông Tranh cho rằng điều đó xuất phát từ nhu cầu bổ nhiệm, chia tách đơn vị, lập đơn vị mới.

Dù vậy, ông Tranh cũng thừa nhận việc bổ nhiệm có sơ suất, thời gian bổ nhiệm chưa đúng, cấp phó nhiều hơn quy định, năng lực, chứng chỉ, điều kiện cán bộ chưa đáp ứng yêu cầu. Và TTCP đang xử lý những hệ quả của việc này.

Tham nhũng giảm hay phát hiện khó hơn ?

Dẫn lời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về việc chống tham nhũng hiệu quả thì trước tiên phải chống tham nhũng ngay trong cơ quan phòng chống tham nhũng, đại biểu Nguyễn Bá Thuyền (tỉnh Lâm Đồng) đề nghị Tổng TTCP  làm rõ việc “Dù ngành Thanh tra đã có nhiều nỗ lực trong việc thanh tra phát hiện tham nhũng nhưng vì sao tình hình tham nhũng ngày càng tăng?”

Chất vấn Tổng Thanh tra Chính phủ: Tham nhũng vẫn nhức nhối ảnh 1

ĐBQH tại phiên chất vấn Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh. Ảnh: Hồng Vĩnh

Đại biểu Nguyễn Bá Thuyền cùng đại biểu Nguyễn Văn Hiến (Bà Rịa- Vũng Tàu) dẫn các số liệu về việc phát hiện, xử lý các vụ tham nhũng qua các năm, số vụ phát hiện, chuyển cơ quan điều tra xử lý hình sự càng giảm trong khi nhận định, đánh giá của TTCP về công tác phát hiện xử lý tham nhũng là ngày càng tiến bộ.

Đề nghị Tổng TTCP  làm rõ việc, dù ngành Thanh tra đã có nhiều nỗ lực trong việc thanh tra phát hiện tham nhũng nhưng vì sao tình hình tham nhũng ngày càng tăng?

Đại biểu Nguyễn Bá Thuyền

Nhiều đại biểu cũng đề nghị làm rõ các số liệu tiêu cực, tham nhũng bị phát hiện có phản ánh đúng tình trạng tham nhũng hay không? Do tham nhũng bị đẩy lùi hay do việc phát hiện tham nhũng ngày càng hạn chế?

Tổng TTCP Huỳnh Phong Tranh khẳng định ngành thanh tra đã tích cực trong việc phát hiện, chuyển cơ quan điều tra, nhưng đúng là chuyển chưa nhiều. Vừa qua, ngành thanh tra đã chuyển hơn 200 vụ việc (240 người vi phạm) qua cơ quan điều tra đề nghị xử lý hình sự, trong đó TTCP chuyển hơn 40 vụ.

Về việc đấu tranh phòng chống tham nhũng trong chính lực lượng phòng chống tham nhũng, Tổng TTCP cho biết giai đoạn 2011-2013, có 85 cán bộ công chức trong ngành Thanh tra bị xử lý/28.000 cán bộ toàn ngành, có 14 người bị xử lý hình sự, có 11 người có dấu hiệu tham nhũng.

Đại biểu Lê Trọng Sang (đoàn TPHCM) phản ánh cử tri rất lo lắng về việc xử lý cán bộ tham nhũng thời gian qua còn nhiều vụ chưa nghiêm, kết quả thu hồi tài sản trong các vụ tham nhũng còn thấp.

Cụ thể, năm 2011, tài sản trong các vụ án tham nhũng thu hồi được là 59,5/267,4 tỷ đồng; năm 2013 thu hồi 59/117 tỷ đồng. Ông Huỳnh Phong Tranh thừa nhận tỉ lệ thu hồi tài sản trong các vụ tham nhũng hiện quá thấp (chỉ từ 12-15%) và cho biết đang triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, tăng cường năng lực hiệu lực của cơ quan thi hành án, sẽ có chế tài mạnh hơn.

Đánh giá về phần trả lời của Tổng TTCP Huỳnh Phong Tranh, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhận xét phần trả lời chất vấn của Tổng TTCP sâu, rất thẳng thắn, kể cả những vấn đề công tác cán bộ, kỷ luật cán bộ, tiền bạc.

Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh, đấu tranh phòng chống tham nhũng là việc rất cấp bách và lâu dài. Hiện tại cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng chưa đạt yêu cầu. Vì vậy nhiệm vụ đặt ra đối với thanh tra  là cần nỗ lực, tích cực hơn nữa để ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý tham nhũng, tiêu cực, thất thoát, lãng phí.

Theo Chủ tịch Quốc hội trong lực lượng đấu tranh phòng chống tham nhũng, biểu hiện tiêu cực vẫn còn, thậm chí là tham nhũng, tiếp tay cho tham nhũng và tiêu cực. Hiện tượng này vẫn còn nhức nhối và cũng là vấn đề Quốc hội đặt ra đối với Tổng thanh tra và các ngành liên quan khác trong việc đấu tranh này.

3.000 người có dấu hiệu kê khai tài sản không trung thực

Trả lời câu hỏi của đại biểu Nguyễn Văn Rinh (Hải Dương) về việc tham nhũng diễn ra ở nhiều ngành, nhiều cấp, nhưng kết quả của việc kê khai tài sản và tác dụng của nó đến nay như thế nào? Ông Huỳnh Phong Tranh cho biết, từ năm 2013 đến nay, sau khi luật phòng chống tham nhũng sửa đổi năm 2012 có hiệu lực, việc kê khai có tiến bộ hơn.

Trong quá trình kê khai tài sản, thu nhập, khoảng 3.000 người có dấu hiệu kê khai không trung thực, không rõ ràng và đã được xác minh làm rõ. Trong quá trình thực hiện, đã có 88 cán bộ đã được xử lý bằng các hình thức do kê khai không trung thực, chậm kê khai và vi phạm các quy định về kê khai tài sản.

Bầu Kiên bị phạt 30 năm tù là không thấp

Liên quan chất vấn của các đại biểu về vụ án Nguyễn Đức Kiên, ông Trương Hòa Bình, Chánh án TAND Tối cao cho biết Hội đồng xét xử TAND TP Hà Nội đã căn cứ vào các hồ sơ tài liệu mà cơ quan điều tra thu thập, kết quả thẩm vấn tại phiên tòa để ra phán quyết và Hội đồng xét xử độc lập, chịu trách nhiệm về phán quyết của mình, Chánh án tôn trọng.

MỚI - NÓNG