Riêng với nhóm chất thải rắn công nghiệp có khối lượng thải ra lớn, tiềm ẩn nhiều nguy cơ ô nhiễm với môi trường. Đáng lưu ý nhất là chất thải từ hệ thống xử lý nước thải cốc, phân xưởng nung vôi. Theo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) của dự án, lượng bùn này sẽ được tuần hoàn một phần, phần còn lại đem đi chôn.
Một chuyên gia về xử lý nước thải cho biết, do nước thải của quá trình luyện cốc chứa nhiều tạp chất như phenol, xyanua và thành phần chất hữu cơ khá nhiều nên phải lợi dụng phương thức sinh hóa để xử lý. Sau khi xử lý nước thải luyện cốc, qua lắng cô đặc và máy khử nước, bùn thải sẽ được chế thành các bánh bùn.
Các bánh bùn này có thể chứa nhiều tạp chất độc hại, kim loại nặng, có khả năng gây ô nhiễm môi trường. Theo thông tin Tiền Phong có được, hệ thống xử lý nước thải sinh hóa của Formosa đã vận hành từ tháng 11 năm 2015. Lưu lượng thải ra là 960m3/ngày đêm.
Phải được xử lý trước khi chôn lấp
Theo quy định của Nghị định 38/2015 về Quản lý chất thải và phế liệu, chất thải rắn công nghiệp phải được phân định, phân loại và lưu giữ đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật và quy trình quản lý. Chủ nguồn thải (ở đây là Formosa), nếu không phải tự tái sử dụng, sơ chế, tái chế, xử lý, đồng xử lý, thu hồi năng lượng thì phải ký hợp đồng chuyển giao cho đơn vị có chức năng vận chuyển, xử lý chất thải rắn công nghiệp thông thường.
Việc xử lý chất thải rắn công nghiệp phải được thực hiện bởi công ty do Bộ Tài nguyên và Môi trường hoặc UBND tỉnh cấp phép hoạt động.