Sáng 11/7, Ủy ban thường vụ Quốc hội khóa XIII họp phiên thứ 50. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân chủ trì cuộc họp. Trong buổi sáng, phiên họp cho ý kiến về báo cáo phát triển kinh tế xã hội 6 tháng đầu năm của Chính phủ và tình hình ngân sách.
Phát biểu tại phiên họp, ông Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư thông tin, tốc độ tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm đạt 5,52% thấp hơn cùng kỳ năm trước, thấp hơn mục tiêu của cả năm (6,7%).
Tăng trưởng GDP đạt thấp do sự sụt giảm tăng trưởng trong vùng nông nghiệp và công nghiệp khai khoáng. Theo ông Dũng, tăng trưởng nông lâm ngư nghiệp, thủy sản là - 0,18%, trong khi cùng kỳ năm 2015 tăng 2,22%, khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 7,12%, cùng kỳ là 9,36%. Chỉ khu vực dịch vụ đạt tốc độ tăng trưởng cao hơn so với cùng kỳ.
Theo ông Dũng, sự giảm sút tăng trưởng ở hai khu vực nông nghiệp, công nghiệp đã làm tăng trưởng GDP giảm 0,8 % so với mức tăng cùng kỳ năm trước.
“Chủ yếu là do thiên tai, hạn hán, ô nhiễm môi trường biển và giá dầu giảm sâu, kéo dài. Khu vực dịch vụ dù có tăng hơn so với cùng kỳ nhưng nếu không có sự cố về ô nhiễm môi trường biển gây cá chết hàng loạt, tác động tiêu cực đến du lịch biển 4 tỉnh miền Trung thì sẽ đóng góp thêm vào tăng trưởng, tốc độ đạt được sẽ cao hơn. Nếu không có nguyên nhân trên thì 6 tháng đầu năm đạt mức tương đương với cùng kỳ 2015”, ông Dũng nói.
Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, chỉ riêng thiên tai, hạn hán, xâm nhập mặn, rét đậm rét hại 6 tháng đầu năm đã gây thiệt hại khoảng 17 nghìn tỷ đồng, làm hơn 380 nghìn hộ gia đình bị ảnh hưởng, thiếu nước, đất sản xuất. Thủy hải sản chết hàng loạt, sạt lở các công trình thủy lợi… gây ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất, đời sống nhân dân.
Đánh giá chung về tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm, theo ông Dũng, do có nhiều phát sinh mới, khó khăn do thiên tai, hạn hán, xâm nhập mặn, ô nhiễm môi trường biển gây cá chết hàng loạt, giá dầu thô có nhiều biến động khó lường đồng thời các cấp các ngành cần nhiều thời gian hoàn thiện bộ máy bố trí và điều động thay đổi nhiều cán bộ, nhất là cán bộ cấp bộ ngành T.Ư… đã ảnh hưởng nhất định đến việc điều hành, quản lý.
Theo ông Dũng, công tác bảo vệ môi trường còn nhiều yếu kém. Sự cố biển miền Trung gây hậu quả nghiêm trọng, phải mất thời gian dài mới có phục hồi được. “Đây là bài học kinh nghiệm trong việc lựa chọn nhà đầu tư, nhất là các cơ sở có nguy cơ gây ô nhiễm”, ông Dũng nói.
Quản lý lao động nước ngoài ở Formosa thế nào?
Trong phần thảo luận, bà Nguyễn Thúy Anh, Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội đặt câu hỏi về Formosa: Ngoài việc xác định Formosa gây ra sự cố môi trường ở các tỉnh miền Trung thì việc quản lý lao động nước ngoài ở đây như thế nào?
Thông tin thêm về Formosa, ông Trần Hồng Hà, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, qua công tác kiểm tra phát hiện giai đoạn hiện nay Formosa đang chạy thử nghiệm, hiện có 6 nhà thầu nước ngoài hoạt động liên quan đến chuyển giao công nghệ, lắp ghép thiết bị, vận hành xử lý nước thải. Theo ông Hà, các nhà thầu này chủ yếu là của Trung Quốc.
“Qua kiểm tra, chúng ta phát hiện 53 hành vi vi phạm hành chính, có liên quan đến thiết kế, vận hành, xây dựng, thi công, kể cả những vấn đề qua giai đoạn thử nghiệm, xảy ra sự cố liên quan đến điện, triển khai hệ thống xử lý chưa đáp ứng quy định của chúng ta. Trong 53 hành vi đó, có hành vi quan trọng là tự ý thay đổi công nghệ xử lý cốc khô, sang xử lý cốc ướt, phát sinh khí thải, chất thải nhiều. Đây là do họ tự ý điều chỉnh. Đây là bằng chứng pháp lý quan trọng để chúng ta xử phạt, tuy nhiên hành vi này không liên quan đến sự cố môi trường, mà vi phạm quy định của ta”, ông Hà nói.
Theo ông Hà, hiện nay hệ thống xử lý chất thải của Formosa đang chạy thử, nguồn thải nguy hiểm nhất là nguồn luyện cốc, chất thải nguồn sinh hóa, hiện mới chạy 1/4 công suất. "Chúng ta sẽ kiểm soát đầy đủ, yêu cầu hoàn toàn đáp ứng được tiêu chuẩn nước thải trước khi thải ra môi trường. Họ đã thừa nhận, khắc phục hậu quả thì ta giám sát, yêu cầu khắc phục mọi tồn tại”, ông Hà nói.
Trao đổi về vấn đề lao động nước ngoài tại Formosa, ông Phạm Minh Huân, Thứ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cho biết, đã tổ chức nhiều đoàn kiểm tra, cùng với UBND Hà Tĩnh kiểm tra việc cấp giấy phép. Hiện có 70% lao động nước ngoài được cấp giấy phép. Nhưng lao động của các nhà thầu luôn biến động trong từng giai đoạn. Số liệu báo cáo, người lao động nước ngoài đã giao cho địa phương cấp giấy phép và quản lý, đã đáp ứng quy định”, ông Huân nói.
Liên quan đến tình hình du lịch tại 4 tỉnh miền Trung xảy ra sự cố cá chết, ông Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, hiện các nhà hàng ở các địa phương vẫn vắng khách du lịch, người dân chưa ai dám ăn đồ hải sản đánh bắt, chưa dám tắm biển, sinh hoạt chưa trở lại bình thường. “Khách du lịch chưa về, ảnh hưởng rất lớn đến đời sống, tình hình kinh tế xã hội”, ông Dũng nói.
Ông Dũng cũng thừa nhận, trong giải pháp phát triển kinh tế xã hội 6 tháng cuối năm chưa nêu các giải pháp cho vấn đề này. “Trong tuần này Chính phủ sẽ họp về việc phát triển du lịch trong thời gian tới, chúng tôi sẽ nêu vấn đề này trong cuộc họp để có giải pháp phát triển du lịch cho bốn tỉnh miền Trung”, ông Dũng nói.