Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế):

Chất lượng nước mắm: Kết quả của cơ quan nhà nước mới chính xác

TS Nguyễn Huy Quang.
TS Nguyễn Huy Quang.
TP - Thông tin những ngày qua xoay quanh kết quả khảo sát của Hội bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam đưa ra với gần 70% nước mắm được khảo sát nhiễm arsen khiến người tiêu dùng hoang mang. PV Tiền Phong đã có cuộc trao đổi với TS Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) về vấn đề này.

Kết quả vừa được hội bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam công bố theo ông đã chính xác, khách quan chưa?

Kết quả đó mới chỉ là qua khảo sát, có thể dùng số liệu để tham khảo, là cơ sở để đánh động dư luận xã hội. Trường hợp nó là đợt thanh tra, kiểm tra của cơ quan quản lý nhà nước như Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và Bộ Công thương và được các cơ quan này công bố thì lúc đó mới là những số liệu chính xác về mặt khoa học.

Hiện nay trên thị trường có rất nhiều loại nước mắm bao gồm cả nước mắm “truyền thống” và nước mắm “công nghiệp”. Phải chăng nguyên nhân khiến người tiêu dùng hoang mang do chưa có các quy định cụ thể về chất lượng, hàm lượng các thành phần trong nước mắm?

Tôi không cho là như thế, bởi lẽ việc quản lý chung bao giờ cũng là quản lý các hàm lượng giới hạn cho phép. Khi chúng ta đề cập tới hàm lượng kim loại nặng hay vi sinh thì quy định về hàm lượng cho phép được phép tồn tại là bao nhiêu. Khi thanh kiểm tra thì căn cứ vào những quy định đó, nếu cơ quan chức năng phát hiện ra sản phẩm nước mắm nào đó không bảo đảm an toàn thì đó là trách nhiệm của doanh nghiệp, cơ sở sản xuất.

Theo quy định của Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa, hay Luật Thương mại đều đã có những quy định cụ thể về việc minh bạch thành phần nước mắm và thực phẩm nói chung. Cụ thể như việc ghi nhãn sản phẩm, hay quảng cáo sản phẩm  gồm những thành phần gì, sản xuất bằng phương pháp nào… Theo tôi đây cũng là đòi hỏi của người tiêu dùng để lựa chọn sản phẩm. Vì vậy, đòi hỏi doanh nghiệp, cơ sở sản xuất phải công khai, minh bạch.  

Vậy cần làm gì để quản lý chất lượng nước mắm tốt hơn, thưa ông?

Muốn làm được điều đó, Bộ Y tế với tư cách là cơ quan quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm cùng với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công thương phải xem xét xây dựng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước mắm. Trong đó có quy định cụ thể về hàm lượng kim loại nặng, hàm lượng vi sinh. Đồng thời phải có quy chuẩn về nước mắm “công nghiệp” và “truyền thống” để phân biệt sự khác nhau. Nếu bảo đảm được một hành lang pháp lý công khai, minh bạch sẽ giúp cho người tiêu dùng biết được rõ ràng hơn về sản phẩm để có thể lựa chọn theo nhu cầu sử dụng. Sau đó tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra. Quan trọng nữa là sự giám sát lẫn nhau giữa các doanh nghiệp để tạo ra môi trường cạnh tranh lành mạnh.

Trở lại những thông tin vừa qua về nước mắm, công luận đang đặt câu hỏi có hay không “cuộc chiến nước mắm”, thưa ông?

Trên mạng xã hội và nhiều tờ báo có đưa thông tin nghi ngờ một cuộc cạnh tranh không lành mạnh. Nhưng  hiện chúng ta không có đủ bằng chứng khẳng định điều đó vì pháp luật không cấm việc sản xuất nước mắm bằng phương pháp công nghiệp hay phương pháp truyền thống. Tuy nhiên, pháp luật quy định rõ về chất lượng và mức độ an toàn của các loại nước mắm. Nên loại nước mắm nào bảo đảm các quy định về an toàn thực phẩm, như thành phần hóa chất, kim loại nặng và các giới hạn vi sinh cho phép thì loại nước mắm đó được phép lưu hành. Chất lượng nước mắm sẽ phụ thuộc vào nhà sản xuất công bố hàm lượng, các chất phụ gia đi kèm, hàm lượng đạm, cũng như nhãn mác, hạn sử dụng. Doanh nghiệp sản xuất đáp ứng được đầy đủ các quy định, cũng như các chỉ tiêu được công bố thì coi như sản phẩm nước mắm đó bảo đảm an toàn.

Cảm ơn ông.

MỚI - NÓNG