Vì sao phải thanh tra diện rộng?
Trước khi Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) tiến hành kiểm tra nước mắm trên toàn quốc và sẽ có kết quả trong vài ngày tới thì trước đó, ông Đặng Văn Chính, Chánh Thanh tra Bộ Y tế đã ký văn bản yêu cầu các Sở Y tế thanh kiểm tra nước mắm và nước chấm.
Sở dĩ có cuộc kiểm tra này là do Bộ Y tế nhận được nhiều phản ánh từ người tiêu dùng về tên gọi, nhãn mác, chất lượng, phụ gia sử dụng trong sản phẩm nước mắm, nước chấm đóng chai. Cụ thể, theo phản ánh của người dân, hiện nay trên thị trường có loại nước mắm không có thành phần cá mà chỉ có hương vị cá, khác hoàn toàn và không đúng với nước mắm truyền thống. Đó là chưa kể có nhiều loại phụ gia được sử dụng trong sản phẩm đang gây băn khoăn, lo lắng cho người tiêu dùng về độ an toàn.
Trao đổi với báo chí, ông Chính cho biết, đây là đợt thanh tra riêng về sản phẩm nước mắm, nước chấm đầu tiên trong vòng 10 năm trở lại đây. Ngày 19/10, ông Chính cho hay hiện các Sở Y tế bắt đầu gửi báo cáo kết quả về Bộ để tổng hợp.
Trước những lo ngại về chất lượng nước mắm công nghiệp khi pha chế nhiều loại phụ gia, ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm cho biết: Đến nay, Việt Nam cũng như các nước chưa có quy định về nước mắm thủ công và công nghiệp. Tuy nhiên, nước mắm phải bảo đảm các yêu cầu về hàm lượng đạm, sử dụng nguồn nước an toàn, các thành phần trong sản phẩm được công bố trên nhãn và phụ gia không vượt ngưỡng cho phép.
Theo tìm hiểu của PV Tiền Phong, dù không định nghĩa, không phân biệt rõ nước mắm truyền thống với nước mắm công nghiệp nhưng trong bản dự thảo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với nước mắm mới nhất (năm 2015) của Bộ Y tế cũng đã đề cập đến hai loại này. Cụ thể, trong phần chỉ tiêu hóa lý, Bộ đưa ra chỉ tiêu: “Độ pH phải trong khoảng 5,0 – 6,5 là phổ biến đối với loại sản phẩm truyền thống nhưng không được thấp hơn 4,5 nếu sử dụng các thành phần để hỗ trợ quá trình lên men”. Với những quy định này thực sự gây khó cho người tiêu dùng khi khó mà phân biệt được đâu là sản phẩm truyền thống lên men tự nhiên và đâu là sản phẩm có “hỗ trợ quá trình lên men”. Đáng nói là Bộ Y tế cũng không đề cập đến việc ghi nhãn sản phẩm như thế nào để người tiêu dùng nhận biết hai loại sản phẩm như trên.
Trong bản dự thảo quy chuẩn kỹ thuật nước mắm, chỉ tiêu histamin quy định là dưới 40 mg/100 g. Tuy nhiên chỉ tiêu histamin nói trên có thể không khó với các doanh nghiệp nhưng rất khó với các cơ sở nước mắm truyền thống vì những cơ sở làm nước mắm truyền thống ở miền Trung, thậm chí ở Phú Quốc thì thường đưa cá về bờ mới ướp muối. Trong quá trình vận chuyển về bờ, cá có thể bị ươn và sinh ra histamin. Trong khi đó, chỉ có thể áp dụng khoa học kỹ thuật, có máy đo mới biết cá thiếu muối hay đủ muối, đo được chỉ số histamin, chỉ số đạm trong cá từ đầu, trong quá trình sản xuất để xử lý kịp thời. Vậy nhưng, không phải cơ sở sản xuất nước mắm truyền thống nào cũng có điều kiện trang bị những thiết bị hiện đại đó.
Có hay không “cuộc chiến” nước mắm?
Trong báo cáo vừa mới công bố của Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam cho thấy gần 70% nước mắm chứa arsen (thạch tín) vượt ngưỡng. Ngay lập tức thông tin này gây hoang mang, lo lắng cho người tiêu dùng. Trong lúc ông Vương Ngọc Tuấn, Phó tổng thư ký Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam trấn an rằng arsen hữu cơ không ảnh hưởng đến sức khỏe người dùng thì dư luận cũng đồng thời đặt câu hỏi, quy chuẩn nước mắm Việt Nam không hề có chỉ tiêu arsen hữu cơ, tại sao Hội lại chọn loại này làm 1 trong 5 chỉ tiêu khảo sát?
Dù Hội bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam chưa công bố danh tính 150 nhãn hiệu nước mắm nằm trong khảo sát, thì danh sách này được cho là đã bị rò rỉ tại một vài diễn đàn và mạng xã hội. Trong đó, nhiều loại nước mắm truyền thống thường được quảng bá có độ đạm cao thì nằm trong nhóm chứa asen vượt ngưỡng quy định. Trái lại, một số nhãn hiệu được xem là nước mắm công nghiệp thì nằm trong nhóm an toàn. PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh (Viện Công nghệ Sinh học thực phẩm, ĐH Bách khoa Hà Nội) cho biết, khi trong cá đã có sẵn arsen hữu cơ thì với nước mắm có độ đạm cao (đồng nghĩa có thể sử dụng nhiều cá để làm nguyên liệu) thì đương nhiên lượng arsen hữu cơ sẽ cao và nằm trong quy chế an toàn thực phẩm. Do đó, việc công bố thông tin mập mờ có thể gây ảnh hưởng rất lớn cho các nhà sản xuất và nghi ngại cho người tiêu dùng. Đồng thời, với những thông tin trên có thể dẫn đến suy luận rằng với nước mắm công nghiệp, được pha chế thì sẽ không có arsen?
Trả lời câu hỏi của PV Tiền Phong về việc, liệu có hay không một “cuộc chiến” giữa nước mắm truyền thống và nước mắm công nghiệp, TS Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) cho biết: “Tôi không có thông tin về việc này. Nhưng theo tư duy lô gíc, khi mà vào một thời điểm nào bỗng nhiên rộ lên nhiều thông tin về chất lượng nước mắm thì đó là truyền thông có chủ đích và khi đã là truyền thông có chủ đích thì cần phải xem xét có sự khách quan hay không, cạnh tranh không lành mạnh hay không. Do đó các cơ quan chức năng cần phải xem xét cẩn thận để định hướng chính xác cho người tiêu dùng”.
Chiều 19/10, ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Quản lý Chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản (Nafiqad)- Bộ NN&PTNT, cho biết đơn vị này sẽ kiểm tra, lấy mẫu phân tích để kiểm chứng. Hiện Bộ Y tế đang thành lập đoàn kiểm tra liên ngành, trong đó Nafiqad có cử cán bộ tham gia. Kết quả kiểm tra sẽ được Bộ Y tế chủ trì báo cáo Thủ tướng trước ngày 22/10 tới. “Ngoài ra, riêng Nafiqad sẽ có kiểm tra, lấy mẫu, xác minh lại xem mức độ tin cậy thông tin từ phía Vinastas công bố ra sao. Khi có kết quả, chúng tôi sẽ công bố với báo chí”- ông Tiệp nói.
Phạm Anh