Ưu tiên cao nhất cho chất lượng
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khẳng định, sau một buổi sáng làm việc tích cực, khẩn trương, với tinh thần trách nhiệm cao, Hội nghị đã thành công rất tốt đẹp. Theo Chủ tịch Quốc hội, xây dựng, hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển có vai trò, ý nghĩa hết sức quan trọng, là một trong ba đột phá chiến lược để phát triển đất nước bền vững đã được Đảng ta đề ra.
“Thể chế không tốt thì rõ ràng không những không thúc đẩy được phát triển kinh tế xã hội mà đôi khi còn kìm hãm sự phát triển”, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ.
Theo nhận thức chung, nội hàm thể chế bao gồm 3 yếu tố chính: Hệ thống pháp luật, khung khổ pháp lý cho sự vận hành xã hội; các chủ thể thực hiện và quản lý sự vận hành xã hội; và các cơ chế, phương pháp, thủ tục thực hiện hoạt động xã hội, quản lý và điều hành sự vận hành xã hội.
“Chất lượng của dự án luật cuối cùng phải phản ánh được thực tế cuộc sống, đáp ứng được yêu cầu kiến tạo phát triển kinh tế - xã hội một cách bền vững và đảm bảo yêu cầu của điều ước quốc tế, cũng như những yêu cầu về quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội của đất nước. Rõ ràng, cuộc sống không được thể hiện trong các văn bản pháp luật thì pháp luật khó lòng đi vào cuộc sống được”, ông Vương Đình Huệ chia sẻ.
Với 8 nhóm định hướng lớn, 70 định hướng cụ thể, Đề án của Đảng đoàn Quốc hội đã bám sát chủ trương, đường lối Đại hội XIII và các văn kiện khác của Đảng, đề ra 137 nhiệm vụ lập pháp cụ thể cần thực hiện trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, nhằm hoàn thiện đồng bộ, có chất lượng hệ thống pháp luật, tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, lành mạnh, công bằng cho mọi thành phần kinh tế, thúc đẩy đổi mới sáng tạo; huy động, quản lý và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực cho phát triển.
Để bảo đảm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII, Kết luận số 19-KL/TW của Bộ Chính trị và Định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, Chủ tịch Quốc hội đề nghị, cần chú trọng nâng cao nhận thức về vai trò, ý nghĩa và tầm quan trọng của công tác xây dựng pháp luật, hoàn thiện thể chế, không ngừng nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác lập pháp. Trong xây dựng pháp luật, cần phải ưu tiên cao nhất cho chất lượng, không chạy theo số lượng, cố gắng khắc phục cơ bản những tồn tại, bất cập đã được các cơ quan nhận diện và chỉ ra.
Bên cạnh đó, cần không ngừng đổi mới, tìm tòi, cải tiến quy trình, thủ tục để nâng cao hiệu quả công tác xây dựng, ban hành pháp luật; tăng cường sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, tổ chức tham gia quy trình lập pháp để nâng cao chất lượng các dự án luật, dự thảo nghị quyết trình Quốc hội.
Các đại biểu tham dự Hội nghị tại Nhà Quốc hội. Ảnh: QK |
Không để lồng ghép “lợi ích cục bộ”
Tại hội nghị, lãnh đạo Quốc hội cũng đề nghị siết chặt kỷ luật, kỷ cương, bảo đảm tuân thủ chặt chẽ quy trình, thủ tục luật định, nhất là trong việc chuẩn bị hồ sơ đề nghị đưa dự án luật vào chương trình xây dựng luật, pháp luật, công tác soạn thảo, lấy ý kiến và tiếp thu ý kiến của cơ quan, tổ chức, chuyên gia, nhà khoa học, đối tượng chịu sự tác động.
“Cần quan tâm chống tiêu cực ngay trong công tác xây dựng pháp luật, không để xảy ra việc lồng ghép “lợi ích nhóm”, “lợi ích cục bộ” của cơ quan quản lý nhà nước trong văn bản luật; quan tâm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân và doanh nghiệp, cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh”, ông Vương Đình Huệ lưu ý, không trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự án, dự thảo không bảo đảm chất lượng và tiến độ.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị ngay từ bây giờ, cần hết sức quan tâm việc triển khai nghiên cứu, thực hiện các nhiệm vụ lập pháp, đặc biệt trong năm 2022, có thể coi là năm bản lề triển khai thực hiện Kết luận của Bộ Chính trị. Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021, 2022 đều đã được Quốc hội thông qua, nhưng số lượng các dự án trình Quốc hội còn khá khiêm tốn, nhất là các dự án để “gối đầu” cho năm tiếp theo. Vì vậy, lãnh đạo Quốc hội đề nghị rà soát, nghiên cứu đúng tiến độ, nếu được thì đẩy nhanh tiến độ hoàn thành để kịp thời đề xuất bổ sung vào Chương trình.
Sau Hội nghị này, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các cơ quan, tổ chức khẩn trương chỉ đạo triển khai ngay các công việc để thực hiện Kết luận của Bộ Chính trị và Đề án. Trên cơ sở đó, Ủy ban Pháp luật được giao tiếp thu đầy đủ ý kiến, hoàn thiện dự thảo kế hoạch để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội sớm ban hành. “Đây là kế hoạch chung phân công nhiệm vụ cho tất cả các cơ quan, tổ chức thực hiện, chứ không phải riêng nội bộ các cơ quan của Quốc hội, do đó, cần ban hành sớm để các cơ quan có cơ sở thực hiện”, ông Vương Đình Huệ lưu ý.
Trên cơ sở Kết luận của Bộ Chính trị, Đề án và Kế hoạch của Ủy ban Thường vụ, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các cơ quan, tổ chức khẩn trương xây dựng kế hoạch chi tiết để triển khai thực hiện. Kế hoạch của các cơ quan, tổ chức phải được gửi báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội để theo dõi, giám sát việc thực hiện.
Đối với các nhiệm vụ lập pháp cần hoàn thành việc rà soát, nghiên cứu vào ngày 30/6/2022 thì báo cáo kết quả chậm nhất ngày 15/7/2022; đối với các nhiệm vụ lập pháp cần hoàn thành việc rà soát, nghiên cứu trong năm 2022, 2023, 2024 và 2025 thì báo cáo kết quả chậm nhất là ngày 1/3 của năm tiếp theo.