Sau hơn 2 năm đàm phán căng thẳng, ngày 27/11, 28 nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) đã tiến hành bỏ phiếu về đề xuất của Uỷ ban châu Âu, về việc tiếp tục gia hạn việc lưu hành chất diệt cỏ Glyphosate trong 5 năm tiếp theo.
Kết quả, trong 28 nước bỏ phiếu, 18 nước ủng hộ đề xuất của Uỷ ban châu Âu, 9 nước chống và 1 nước không bỏ phiếu.
Từ nhiều năm qua, chủ đề về chất glyphosate đã gây ra các tranh luận gay gắt trong nội bộ nhiều nước thành viên Liên minh châu Âu cũng như giữa các nước thành viên với nhau.
Glyphosate là hoá chất dùng để diệt cỏ trong nông nghiệp, được sản xuất bởi các tập đoàn hoá phẩm hàng đầu thế giới, như Monsanto, và hiện là chất diệt cỏ được sử dụng nhiều nhất thế giới.
Tuy nhiên, việc sử dụng glyphosate gây ra rất nhiều tranh cãi bởi có các nghiên cứu khoa học cho thấy chất này có thể gây hại đến sức khoẻ con người, đặc biệt là có thể gây ra các biến đổi gen hay gây ung thư.
Dù vậy, các tranh luận khoa học về kết quả thực nghiệm giữa phe phản đối glyphosate và các tập đoàn như Monsanto chưa từng đưa đến hồi kết do các bên công kích nhau về phương pháp kiểm nghiệm, thậm chí là tố cáo có sự gian lận.
Trước việc Uỷ ban châu Âu ra phán quyết cho lưu hành chất glyphosate thêm 5 năm nữa, Tổng thống Pháp, Emmanuel Macron đã lập tức tuyên bố, nước Pháp sẽ cấm sử dụng chất glyphosate trong chậm nhất là 3 năm tới, trong khi chờ đợi các nhà khoa học nước này tìm ra sản phẩm thay thế.
Bỉ, một trong những nước phản đối mạnh mẽ nhất chất glyphosate cũng đưa ra phản ứng cứng rắn. Bộ trưởng Môi trường vùng Wallonie của Bỉ, Carlo Di Antonio công kích Uỷ ban châu Âu đã bỏ qua mọi nguyên tắc cẩn trọng liên quan đến sức khoẻ con người và đầu hàng trước sức mạnh của các tập đoàn hoá phẩm.
Bộ trưởng Nông nghiệp Bỉ, Denis Ducarme thì cho biết Bỉ sẽ đệ trình lên Nghị viện châu Âu một đề xuất nhằm xem xét lại quyết định này và sẽ đấu tranh đến cùng nhằm chấm dứt việc sử dụng chất glyphosate.
Tại Đức, quyết định này cũng gây ra chia rẽ trong nội bộ chính phủ. Bộ trưởng Môi trường Đức là bà Barbara Hendricks nhận định, việc cấm glyphosate đúng ra phải được thực hiện dưới mọi hình thức và tuyên bố lấy làm tiếc trước việc Bộ trưởng Nông nghiệp Đức lại ủng hộ đề xuất của Uỷ ban châu Âu.
Nhiều tổ chức bảo vệ môi trường châu Âu cũng lên án quyết định của Uỷ ban châu Âu, xem đây là quyết định đáng xấu hổ và bị tác động bởi các chiến dịch vận động hành lang khổng lồ từ các tập đoàn hoá phẩm, đặc biệt là Monsanto.
Tại châu Âu, từ tháng 3 năm nay, nhiều hãng thông tấn báo chí lớn, như tờ Le Monde của Pháp, đã đăng tải các bài điều tra nhiều kỳ dưới tên gọi “Monsanto Papers – Hồ sơ Monsanto”, dựa trên các tài liệu tư pháp rò rỉ trong các cuộc điều tra tại Mỹ cho thấy, trong nhiều năm trời, tập đoàn Monsanto đã tìm cách can thiệp vào các kiểm nghiệm khoa học nhằm duy trì việc lưu hành chất glyphosate trên thị trường.